Thứ Sáu, 11/10/2024 07:27 SA
Dồng dộc mắc cóng – truyện ngắn của BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 26/11/2017 09:20 SA

Minh họa: PV

1. Cuối cùng tôi đã trở thành đồng lõa của anh, mẹ mà biết thì đằng nào cũng lãnh lương khẳm đít. Còn sao nữa, chỉ thị của mẹ là chỉ được lùa bò qua sông vào mùa nắng, nước lội ngang hông, mùa mưa thì không được phép qua sông, dù có biết bơi hay được ngồi đò. (Ba kể ngày xưa, cậu Tư bơi giỏi như rái nhưng mùa mưa lùa bò qua sông rồi bị nước cuốn). Mẹ nghiêm lắm, lệnh ban ra mà không nghe là roi vô đít liền. Biết tính mẹ nên tôi và anh sợ một phép. À không, chắc là tôi… sợ hơn. Tại tôi thấy anh Hai miệng nói sợ nhưng rồi anh cũng âm thầm xé lệnh. Anh biết bơi, lại bơi giỏi, con sông Bàn Thạch dòng chảy không xiết đâu có cản được, Hai vẫn cứ lén lùa bò qua sông trong những ngày mưa. To gan hơn là những ngày mưa nặng hạt, dù bò ở trong chuồng thì anh cũng lẻn qua sông. Để làm gì hả? Thì đi tìm bắt chim cóng.

 

Tìm là vì Hai thích chinh phục khó khăn, thích làm những chuyện mạo hiểm chứ đâu dễ gì tìm được một con chim cóng. Mình cóng thì có! - tôi lè lưỡi trêu như vậy vì tôi biết, lâu lắm, năm thì mười họa mới có một tên nào đó trong xóm nhặt được một con chim run cầm cập trong hốc cây. Khó lắm, may mắn đâu có nhiều. Nhưng anh không bỏ cuộc. Hễ thấy mưa to gió lớn, trời lạnh thấu xương gan thì phấn khởi, tung chăn ngồi dậy, trùm áo mưa đi lùng chim cóng (lén đi). Đi nguyên buổi, chiều về, da dẻ mét chằng, đứng ngoài giếng rửa đôi chân bùn mà người cứ run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau thiếu điều muốn vỡ. Tôi chưa thấy con chim mắc cóng bao giờ nhưng hình dung nó giống bộ dạng của anh lúc này. Mẹ thấy anh tái xanh, dù được bọc kín như nhộng thì vẫn run lên từng hồi nên ra tối hậu thư: nếu còn lẻn qua sông tìm chim cóng nữa sẽ nát đít.

 

Bị mẹ la, mặt Hai xịu xuống, tai cụp lại như con cún biết lỗi. Tiếng “dạ” dù có phát ra yếu ớt thì tôi vẫn nghĩ chắc từ nay Hai không dám nữa.

 

Nhưng đúng là cái nết đánh chết không chừa. Không phải đợi lâu, ngay hôm sau, anh lại về nhà trong tình trạng một con chim… cóng, chắc là thảm hơn. Không phải tự về mà bác Ba cõng về trong mưa. Lý do bơi qua sông, bị chuột rút nên chìm xuống nước, bác Ba kịp nhìn thấy nên bay xuống vớt lên kịp. May hồn cha mày, sém chút nữa ra gò rồi!

 

Lúc Hai hoàn toàn tỉnh táo thì mẹ không nói không rằng, chỉ nhìn anh và chảy nước mắt. Vũ khí im lặng lợi hại thiệt, thấy mẹ như vậy, Hai mếu máo: - Con xin lỗi, từ rày con hổng dám nữa…!

 

2. Rồi một buổi chiều mùa đông, Hai lại tái nhợt, dù trên người có áo mưa nhưng ướt từ đầu đến chân. Tôi xảnh xẹ: Lại hình hài của một con chim cóng! Anh không nói gì, chỉ cười toe từ ngoài ngõ. Thấy hành tung là lạ nên anh vừa ló vô hiên là tôi chạy ào lại, đưa mắt quét từ đầu đến chân. Đâu có gì ngoài bộ đồ ướt sũng và đôi môi tím tái mà anh vui vậy ta? Thấy tôi nhìn bằng ánh mắt thăm dò, anh tỉnh bơ, miệng cười mỉm mỉm rồi từ từ đưa cái tay giấu trong bụng ra. Ồ, trên tay là một chú chim cóng. Thấy tôi nhìn bằng ánh mắt khiển trách (thay mẹ) thì Hai liền thanh minh, may mắn nhặt được em ý bên bụi cây trước thổ... Mẹ lắc đầu, hối đi thay quần áo.

 

Ẵm con chim vô nhà, Hai loay hoay tìm miếng vải cũ quấn lại rồi bỏ vào cái lồng nhỏ. Con chim nhỏ bị cóng thiệt tội. Lông nó bết lại, lộ ra phần da nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ, nằm trong chiếc chăn một lát thì đứng dậy (dù chân còn hơi run) nhưng thấy thóc chẳng buồn mổ. Chắc là không còn sức để mổ! Đợi đấy! Nói rồi Hai đi tắm rửa bằng nước ấm mà mẹ đã chuẩn bị sẵn sau đó lên mớm cơm cho chú chim ăn.

 

Được tẩm bổ mấy ngày, chú chim mắc cóng đã tươi tỉnh lại. Hai giới thiệu với tôi là chim sẻ nhưng mẹ bảo đích thị là một con cô nương dồng dộc. Vì là chim mái nên nhìn gần giống chim sẻ.

 

“Làm thế nào để phân biệt sẻ và dồng dộc cô nương hả mẹ?”

 

“Chim sẻ hoạt bát, lanh chanh. Dồng dộc điềm đạm, chững chạc, phong thái đường hoàng. Thủy chung, khéo léo, cực kỳ thương con, đó là ưu điểm của những cô nương dồng dộc. Chỉ cần đem một em bé dồng dộc làm mồi thì đằng nào dồng dộc mẹ cũng sập bẫy, nàng không thể ngó lơ với tiếng kêu thảm thiết của con…

 

“Sao mẹ lại biết những chuyện hay ho như vậy nhở?”

 

“Hồi nhỏ mẹ sống với bà cố, nhà bà ở giữa cánh đồng, có hẳn một vườn ổi và mãng cầu. Chu cha, hồi đó dồng dộc nhiều lắm. Trong vườn có tới mấy ổ dồng dộc lận, mẹ hay bảo, vườn trái cây nhà cố là một kỳ quan!”

 

“Lý do?”

 

“Dồng dộc là những kiến trúc sư, chúng làm tổ đẳng cấp lắm, mỗi cái tổ là một công trình kiến trúc. Miệng tổ chúc xuống đất, bụng phình to như cái bao tử, treo lơ lửng trên cây. Hồi ý mẹ quan sát dồng dộc sinh con, chăm sóc chúng nên biết loài chim này rất coi trọng tình mẫu tử”.

 

Anh em tôi chăm chú nuốt từng lời của mẹ, anh bảo không ngờ dồng dộc lại đặc biệt như vậy còn tôi thì tự dưng thấy thương làm sao nàng dồng dộc mắc mưa.

 

3. Khi nàng dồng dộc đã hồi phục hoàn toàn, nhìn nàng mới ra dáng làm sao. Đôi mắt tinh anh, nhìn ngang nhìn dọc liến thoắng, tiếng kêu ríu rít cùng bộ lông nâu sẫm bóng mượt, mềm mịn.

 

“Mẹ ơi, hết cóng rồi sao cô nương dồng dộc cứ buồn buồn hoài vậy?”.

 

“Sao con biết nó buồn?”.

 

“Đôi mắt nàng ấy hổng có lanh nữa, cứ đăm đăm rầu rĩ…”.

 

“Đổi là con thì có vui được không?”.

 

“Có đôi cánh mà không được bay thì thà chết còn hơn!” - tôi xí xọn dành câu trả lời của Hai bằng một câu nói đùa kinh điển của mấy nhỏ trong xóm, anh cốc vào đầu tôi một cái “Ý mày rủa anh ác nhơn hả?”. Mẹ thấy anh em bất hòa thì can:

 

“Em con nói đúng rồi đó. Đôi cánh thuộc về bầu trời. Thế giới của dồng dộc là bầu trời cao rộng, giờ bị bó cánh, hỏi sao không buồn. Đấy là chưa nói dồng dộc có truyền thống bầy đàn, giờ phải lẻ loi một mình…”.

 

“Biết đâu có một baby dồng dộc đang khóc vì nhớ mẹ?” - tôi có cái miệng như tép nhảy nên có thể “đổ dầu vào lửa” bất cứ lúc nào. Không phải tôi công kích anh mà chỉ nghĩ, nói vui cho đã miệng thôi. Nói xong lại lật đật bụm miệng vì thấy mặt Hai buồn hiu:

 

“Nhưng nếu cứ ở bên kia sông thì mùa mưa dồng dộc sẽ chết vì cóng? Nó may mắn vì đã gặp con, nếu không đã mất xác rồi!”.

 

“Chưa hẳn gặp cậu chủ là tôi đã là may mắn. Nằm trong hốc cây qua cơn mưa, tôi sẽ lại xoải cánh trên bầu trời của mình…” - Nếu biết nói thì quý cô dồng dộc sẽ trả lời con như vậy.

 

4. Sáng hôm ấy, vẫn còn mùa đông nhưng trời bất ngờ hửng nắng. Hai hí hửng bảo, chậc chậc, thiệt là thoải mái khi đi học không phải trùm áo mưa! Mẹ nhắc thủ áo mưa cho chắc nhưng Hai vẫn tỉnh bơ đạp xe đi.

 

Hai về trong tình cảnh toàn thân ướt sũng, đứng trong hiên nhà mà nước nhỏ xuống nền tong tong, mẹ lại hối đi rửa nước ấm thay quần áo. Thì giữa đường mắc mưa, mưa to quá, trường cấp 3 cách nhà tôi gần 20km lận, mắc mưa đoạn đường dài như thế không ướt nhẹp mới lạ. Nhưng được cái quần áo tinh tươm, sáng sủa nên lần này thì Hai không thảm hơn con chim cóng.

 

Không giống con chim cóng chưa hẳn đã may. Nhiễm nước rồi! Hai bệnh, nằm mê man. Cứ nóng hầm hập rồi lạnh run. Húp được mấy thìa cháo lại nằm…

 

Nằm hơn một tuần. Bớt bệnh thì mẹ chở đi học. Được hai bữa thì Hai đòi tự đạp xe đi, mẹ không cho:

 

- Đi đâu nắng gió, để cảm nó nhiễm vào người thì mất mạng chứ chẳng chơi!

 

- Cái chân đi mà giờ phải nằm, đúng là cực hình!

 

Tôi nghe vậy thì lên giọng:

 

- Giờ thì đã biết vì sao quý cô dồng dộc buồn chưa?

 

Tôi nói xong thì Hai nhìn xéo qua tôi, thật khó hiểu...

 

5. Hai hoàn toàn hết bệnh thì trời cũng cuối đông. Nắng dù yếu ớt thì cũng đã ló dạng.

 

Cũng như mọi buổi sáng, Hai cho nàng dồng dộc ăn uống no nê, nhưng hôm nay, sau khi xong việc thì không xách chiếc lồng móc lên cao như mọi bận mà mở cửa ra: Hết mưa rồi! Hãy về với con của mày đi, mùa đông sau nhớ tìm chỗ an toàn mà nấp, đừng để mắc cóng nữa nghe chưa... 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người và biển – Thơ THỤY VŨ
Thứ Bảy, 25/11/2017 17:00 CH
Dấu xưa ở Hoàng thành
Thứ Năm, 23/11/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek