Thứ Sáu, 11/10/2024 11:31 SA
Chuyện hai “nàng mắm”
Thứ Bảy, 28/10/2017 14:00 CH

Là hai phụ nữ trẻ có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng họ có chung một ý tưởng và quyết tâm khôi phục, phát triển sản phẩm mắm truyền thống quê mình. Vì thế tạo sự tương phản thú vị: một “nàng mắm” ở xứ biển, một “nàng mắm” tận trên núi!

 

“Hằng mắm” Mỹ Quang

 

Nhiều người trẻ ở làng nước mắm Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An), học hành xong hầu như đều cố tìm cách kiếm tiền, làm giàu nhưng không phải từ con cá, con mắm. Vậy nhưng, một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, từng kinh doanh hàng mỹ phẩm, làm trong công ty cao cấp nhưng đã từ bỏ tất cả để đi… bán mắm. Đó là chị Nguyễn Thị Thúy Hằng với biệt danh “Hằng mắm”, đang là chủ Cơ sở nước mắm Mỹ Quang (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều chi nhánh khác ở Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước.

 

Nguyễn Thị Thúy Hằng giới thiệu sản phẩm Nước mắm Mỹ Quang được đóng chai thủy tinh đến khách hàng - Ảnh: CTV

 

Từ những con cá tươi roi rói đánh bắt ngoài biển đến những giọt nước mắm đỏ au ra từ thùng ủ chượp là cả quá trình kỳ công và đã in sâu vào ký ức tuổi thơ của Thúy Hằng. Vậy nên trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi con người phải “nhập” vào bao nhiêu là thực phẩm bẩn, độc hại là khi chị nghĩ ngay đến những thùng mắm ở quê nhà chỉ có cá và muối sau nhiều tháng cho ra những giọt nước mắm đỏ au, thơm lừng.

 

Đi bán mắm! Thúy Hằng quyết định một cách nhanh chóng và quả quyết. Tháng 9/2006, HTX Nghề cá Mỹ Quang được thành lập, chị mang thương hiệu nước mắm cá cơm truyền thống ở quê hương mình vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Từng chai, từng chai được giao cho khách hàng lẻ chốn đô hội có nhu cầu. “Có những hôm trời nắng cháy da, có khi mưa giông ướt sũng cả người với thùng nước mắm đèo sau xe mà nước mắt, mồ hôi trộn lẫn với nước mưa. Nhưng tôi luôn ghì cứng tay lái và dặn lòng phải cố gắng”, Thúy Hằng tâm sự. Nhưng không phải sự cố gắng nào cũng được đền đáp ngay tức khắc. Suốt một thời gian dài đi bán mắm dạo không thành công, Thúy Hằng đành dừng lại để “tìm ra cái sai ở đâu”, rồi quyết định chuyển hướng bằng cách đầu tư cho việc học và đi làm thuê cho các công ty lớn để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2015, “Hằng mắm” lại quyết định nghỉ việc và tiếp tục quay trở lại bán mắm.

 

Lần này với kinh nghiệm và kiến thức đã học được, Thúy Hằng hạ quyết tâm xây dựng lại thương hiệu “Nước mắm Mỹ Quang”. Là cử nhân kinh tế, chuyên viên lập trình phần mềm, chị không mấy khó khăn khi xây dựng trang web marketing hay bán hàng online. Nhưng công việc kinh doanh luôn không hề dễ, nhất là bán mắm truyền thống giữa thời buổi nước mắm công nghiệp tràn lan và phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng khác. Không ít lần “Hằng mắm” chán nản, muốn buông hết. Nhưng nhớ về hình ảnh lam lũ của cha mẹ già, những người dân biển chân chất với những thùng mắm và mùi đặc trưng ám cả vào người, ăn sâu trong tâm hồn, chị lại tự động viên mình. Với thế mạnh là nước mắm sạch, chất lượng thơm ngon, nước mắm Mỹ Quang đã dần chiếm cảm tình của người dùng.

 

Để tạo dựng thương hiệu, Thúy Hằng làm các thủ tục để cơ quan chức năng cấp chứng nhận sản phẩm an toàn, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Tháng 4/2016, sản phẩm Nước mắm Mỹ Quang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Nước mắm Mỹ Quang được cấp chứng nhận “Vì người tiêu dùng - Thực phẩm sạch - Chất lượng cao - VietNam Top FOOD 2016”, “Thương hiệu - Uy tín - Chất lượng hàng đầu Việt Nam”.

 

Với phương châm “Vì sức khỏe cộng đồng”, nước mắm Mỹ Quang đến nay đã phát triển mạnh tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Từ việc bán từng lít mắm lẻ, đến nay cơ sở đã bán với số lượng cả ngàn, rồi chục ngàn lít mắm mỗi tháng. Thúy Hằng chia sẻ: “Những khó khăn ngày đầu bán mắm thật khó quên, trở thành ký ức, kỷ niệm đẹp để làm hành trang cho mình vững bước tiến tới. Mục tiêu của mình là mở rộng cơ sở sản xuất, khẳng định thương hiệu Nước mắm Mỹ Quang, vực dậy làng mắm truyền thống quê mình, giúp cha mẹ và những người dân làng nghề bớt đi cơ cực”.

 

Sau nhiều năm gầy dựng thương hiệu và đi bán mắm lẻ cho khách hàng, giờ đây “Hằng mắm” đã là doanh nhân trẻ thành đạt với thương hiệu Nước mắm Mỹ Quang và công việc kinh doanh khấm khá. Nước mắm truyền thống Mỹ Quang được khách tin dùng, thị trường chấp nhận, có mặt ở khắp TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và theo chân Việt kiều ra nước ngoài. Dẫu công việc kinh doanh bận rộn, nhưng Hằng vẫn luôn giữ nhiệt huyết, là ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Doanh nhân Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh và rất năng động với các hoạt động xã hội.

 

“Nàng mắm thơm 3 xã”

 

Một trong hai sản phẩm hiếm hoi của Phú Yên đủ điều kiện được công nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2017” đó chính mà món Mắm thơm Út Mười. Nhiều người vui ngỡ ngàng với sản phẩm “thủ công, quê kiểng”, còn chủ nhân của nó là Út Mười (Ngô Thị Mười) thì vui trong nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc vì từ nay cái món mắm thơm không chỉ quanh quẩn trong bữa ăn của bà con vùng 3 xã (Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa) mà nó được công nhận là món đặc sản giới thiệu đến mọi người. Trong miếng mắm thơm không chỉ đơn thuần là mắm mà có cả yếu tố lịch sử một vùng quê và tấm lòng tâm huyết của người phục hồi và phát triển nó.

 

“Nàng mắm” Út Mười nhận giấy khen từ Chánh chủ khảo, siêu đầu bếp Lý Sanh tại Liên hoan Ẩm thực Phú Yên 2017 cho món mắm thơm kho gà - Ảnh: CTV

 

Người dân vùng 3 xã từ nhỏ chí lớn không ai là không biết, không từng ăn mắm thơm. Bà Nguyễn Thị Kim Hùng ở xã Sơn Xuân, năm nay đã ở tuổi thất thập cho biết, ngày trước ở vùng 3 xã đường đi lại khó khăn lắm, nhất là mùa mưa, gần như chia cắt với trung tâm huyện, xuống Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cũng rất khó. Có lẽ vậy mà ông bà đã nghĩ ra món mắm này. Cứ đến mùa thơm (tháng 4, tháng 5 âm lịch), mỗi nhà thường lựa những trái thơm ngon nhất đem chẻ phơi, rồi mua mắm cái cá cơm về ướp trộn trong hũ cất trong góc bếp. Tới mùa mưa bão, chợ búa đi lại khó khăn, đồ ăn hiếm hoi thì hũ mắm thơm trở thành món “đưa cơm” trường kỳ. “Miếng thơm ngậm mắm mặn lắm, chỉ cần một miếng xé nhỏ kho với cá suối, sang thì kho sả ớt với chim xanh bẫy được trên rừng là ngon hết sẩy. Hay đơn giản là ra vườn hái ít lá ngò gai, giã nhuyễn cùng với ớt rừng, thêm ít đường, chút bột ngọt cùng mắm thơm, chỉ vậy thôi mà ăn cơm lúa rẫy đến lủng nồi. Sau này đời sống khấm khá, đủ món ngon vật lạ đồng bằng, dưới biển nhưng người quê 3 xã vẫn không quên mắm thơm. Nó trở thành hương vị quê hương khó quên cho ai đã một lần nếm trải”, bà Bảy Ướt cũng ở xã Sơn Xuân, nói.

 

Với Ngô Thị Mười, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, sản phẩm Mắm thơm Út Mười xuất phát từ nhiệt huyết của người con vùng 3 xã muốn bảo tồn và phát huy giá trị món ẩm thực “không giống ai” này. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở xã Sơn Định, Út Mười và các anh chị được cái hơn người là… ăn mắm thơm nhiều hơn! Có lẽ vậy nên cái chất, hương vị mắm thơm thấm vào máu thịt. Khi học cấp 2, Út Mười và mấy chị em gùi gạo cùng hũ mắm thơm sang thị trấn Củng Sơn trọ học. Xuống Tuy Hòa, học nữ hộ sinh ở Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, trong hành trang sinh viên nghèo cũng không thiếu mắm thơm qua bữa, có khi mặn đắng lòng.

 

Ra trường, đi làm rồi lấy chồng về thị trấn Củng Sơn, nhớ tình quê trong hũ mắm má làm, Út Mười nuôi dưỡng ý tưởng một ngày sẽ làm mắm thơm và phát triển trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng 3 xã. Học lại từ má, tìm hiểu thêm từ những người lớn tuổi, Út Mười chọn lựa kỹ càng mắm cái từ cá cơm than rặt, thơm thì chọn giống địa phương.

 

Ông Trần Văn Kim, nguyên Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Định, nay đã 80 tuổi, nói: “Đời sống khá giả, không mấy người ăn cái món mặn đắng lòng ấy, nhất là lớp trẻ. Cứ tưởng nó sẽ mai một, cho đến một ngày con Út Mười xuất hiện đến nhà xin tìm hiểu về nguồn gốc và cách chế biến mắm thơm. Tui cũng không ngờ con nhỏ không chỉ cải tiến công thức để mắm thơm không mặn đắng như hồi trước mà còn làm bán được cho khách dưới phố, khách du lịch, là sản phẩm nông thôn tiêu biểu gì nữa. Mừng quá!”

 

Bắt tay vào làm mắm từ năm 2016, sau nhiều thất bại, giờ đây Út Mười đã thành công với công thức ủ mắm thơm không còn mặn chát như xưa mà không bị chua, không bị lên men. Một thành công nữa đã hút khá nhiều thời gian công sức và tâm huyết của Út Mười chính là quy trình làm thương hiệu, nhãn mác, an toàn thực phẩm… Sản phẩm Mắm thơm Út Mười vừa được công nhận sản phẩm Nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2017, đang có mặt ở nhiều cửa hàng đặc sản tại TP Tuy Hòa, là một trong những món mà du khách chọn mua về khi đến Phú Yên. Mắm thơm xé nhỏ kho gà, kho cá đồng, cá suối, kho thịt… có một hương vị rất đặc trưng; thậm chí giã ngò gai, ớt rừng trộn mắm thôi cũng ngon cơm. Siêu đầu bếp Lý Sanh (TP Hồ Chí Minh) với tư cách Chánh chủ khảo Liên hoan Ẩm thực Phú Yên 2017 cũng đánh giá rất cao món ăn này. Út Mười chia sẻ: “Đã qua những khó khăn ban đầu, giờ mình tiếp tục vượt khó cho mục tiêu “Mắm thơm Út Mười” được nhiều người biết và có mặt trong bữa ăn với cách là món đặc sản cao nguyên Vân Hòa”.

 

Mắm thơm Út Mười đang góp phần cho thị trường quà tặng đặc sản Phú Yên thêm phong phú phục vụ khách du lịch, chúng tôi sẽ ra sức hỗ trợ để sản phẩm phát triển. Hy vọng huyện Sơn Hòa và Sở Công thương thông qua các chương trình khuyến công tiếp tục hỗ trợ sản phẩm này.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Phạm Văn Bảy

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek