Thứ Bảy, 12/10/2024 03:33 SA
Gian bếp và cái nồi đồng – truyện ngắn của PHẠM VĂN HOANH
Chủ Nhật, 23/07/2017 11:00 SA

Ảnh: Internet

Bà Hai nhìn ngọn lửa bếp gas cháy xanh dờn trên cái bàn đá phẳng lỳ, nước mắt bà lại ứa ra. Con dâu bà nhìn thấy, cười.

 

- Bếp gas mà mẹ cũng chảy nước mắt.

 

Bà Hai lặng lẽ lấy tay áo lau nước mắt. Bà buồn cho lớp trẻ bây giờ. Chúng nó chẳng biết gì về quá khứ. Chúng nó có mới nới cũ. Gian bếp củi và cái nồi đồng của bà tồn tại gần nửa thế kỷ rồi. Qua bao nhiêu lần sửa lại nhà, bà vẫn giữ chúng nó lại như một chứng nhân lịch sử. Vậy mà xây lại nhà mới, dâu con bà chẳng chịu để lại những thứ đó cho bà. Chúng nó cứ cho bà là cổ hủ. Bà tức lắm, nhưng vẫn bình tĩnh lựa lời để nhắc nhở. Bà đằng hắng như để hạ sự bực tức, rồi nói:

 

- Sáng nay nghe ti vi nói về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mẹ xúc động quá nên chảy nước mắt hoài. Không biết các con học được ở Bác bao nhiêu?

 

- Dạ, khó quá mẹ!

 

- Có gì mà khó. Toàn là những điều giản dị dễ học.

 

Bà Hai ngừng một lát rồi nói tiếp:

 

- Con có biết Bác Hồ đã phân tích mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới không?

 

- Dạ, con biết!

 

- Con biết sao nói nghe?

 

- Dạ! Bác phân tích: "Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm".

 

- Vậy thì con xem lại mình thử! Lời Bác dạy dễ học hay khó?

 

- Dạ, dễ!

 

- Lời dạy của Bác rất giản dị, dễ thuộc dễ nhớ. Con phải nhớ! Nhân dân học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được mà cán bộ công chức nhà nước như các con không học tập được là bị phê bình đấy nghe con!

Nghe bà Hai nói, con dâu đã hiểu được, nên cảm thấy chột dạ. Cô trả lời khẽ:

 

- Dạ, con nhớ!

 

Con dâu bà Hai bây giờ mới tự trách mình. Vậy mà bấy lâu nay mình thấy cái gì cũ là bỏ hết. Cái nồi đồng bây giờ không ai sử dụng nữa, nhưng biết đâu mai mốt nó lại cần cho gia đình mình. Lúc đó biết đâu mà tìm. Cũng tại mình thiếu suy nghĩ, thấy tiền quáng mắt. Mà cũng tại ông chồng mình nữa. Nghe mình bán, mà ổng cũng không cản. Hai mươi triệu đồng tìm ra chứ cái nồi đồng đó bây giờ tìm đâu ra. Đúng là vợ chồng mình sai lầm. Mình phải tự phê bình kiểm điểm mới được. Mình phải tự hứa từ nay trở đi phải quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

 

Con dâu bà Hai đâu có biết bà đau xót như thế nào khi cô bán cái nồi đồng với giá hai mươi triệu đồng. Hai mươi triệu đồng đối với bà Hai cũng quý nhưng không quý bằng cái nồi đồng. Mặc dù hơn hai mươi năm nay nó nằm im thin thít trên gác bếp. Cái nồi đồng cùng với gian bếp củi của bà đã trải qua bao biến cố của đời bà. Những năm chiến tranh, chính cái nồi đồng và gian bếp củi này đã nuôi các anh bộ đội qua cơn hiểm nghèo. Vậy mà bây giờ có ai tin bà là người có công nuôi cán bộ cách mạng trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến. Ngay cả con dâu bà nó cũng bảo là bà nói cho sướng miệng, chứ không có chứng từ. Cũng phải. Từ ngày đất nước thống nhất đến giờ bà có nhận được đồng tiền nào liên quan đến người có công đâu. Bà buồn lắm! Bà buồn không phải vì Nhà nước chưa công nhận mẹ con bà là người có công với cách mạng, mà vì mười chiến sĩ cách mạng mẹ con bà đã che giấu, nuôi nấng không bao giờ trở về thăm mẹ con bà nữa. Họ đã hy sinh. Ngày giải phóng, bà đã đi tìm anh tiểu đội trưởng, người mà bà đã đem lòng yêu thương hết mực. Anh ấy đã hứa với mẹ con bà là sẽ cưới bà sau đợt công tác. Ngày anh đi công tác bà bảo anh chui vào cái bao bố, bà cột lại rồi khiêng lên chiếc xe đạp thồ cùng với mấy bao bí, hai mẹ con bà đẩy anh đến căn cứ an toàn. Từ ngày đó bà không nhận được tin tức gì về các anh, nhưng bà vẫn chờ đợi. Bà không chịu lấy chồng. Ngày giải phóng bà tìm đến nơi hẹn. Bà đứng đợi hết ngày này qua ngày nọ mà cũng không thấy người yêu. Bà trở về trong đau buồn. Bà cứ nghĩ anh tiểu đội trưởng quên bà. Một năm sau bà lấy chồng. Bà không còn nghĩ gì về mối tình đầu nữa. Thế mà mấy năm sau có một người mặc quân phục giống y như người yêu cũ của bà tìm đến nhà. Bà vừa mừng rỡ, vừa xấu hổ. Bà định ôm chầm nhưng thấy vết sẹo trên gương mặt sạm đen nên bà dừng lại. Người mặc quân phục ấp a ấp úng một lát, hỏi: "Có phải nhà cô Hai không?" Bà trả lời: "Dạ, phải. Anh tìm có việc gì?" Người mặc quân phục lấy trong ba lô ra một kỷ vật đưa cho bà, nói: "Anh bạn tôi trước khi nhắm mắt có nhờ tôi gởi một kỷ vật này cho cô Hai ở thôn X xã Y. Tôi đã tìm mấy năm nay. Quý quá hôm nay mới gặp". Nhìn kỷ vật hai mẹ con bà khóc ròng như mưa. Chồng bà lúc đầu không hiểu câu chuyện, sau nghe anh bộ đội kể ông cũng mủi lòng. Vậy là mười chiến sĩ cách mạng sống với mẹ con bà hoạt động bí mật ngay trong lòng địch hơn một năm trời đã hy sinh. Từ đó đến giờ bà luôn giữ gìn chiếc nồi đồng và gian bếp củi để làm kỷ niệm. Mỗi lần nhớ các anh, bà lại đem cái nồi đồng ra xem. Bây giờ nhớ các anh, bà biết làm sao đây. Chao ôi, cũng đã bốn mươi năm rồi!...

 

Bà Hai đang suy nghĩ, thì có vợ chồng người đàn ông mang vết sẹo trên gương mặt sạm đen đến thăm. Ông đưa bà tập hồ sơ và hướng dẫn bà điền vào để làm chế độ và truy lĩnh người có công. Bà bảo:

 

- Các anh năm ấy hy sinh rồi giờ ai đứng xác nhận cho tôi mà bảo tôi khai.

 

- Bà cứ yên tâm. Hôm nay, đất nước được thanh bình, Đảng và Nhà nước không bao giờ quên ơn của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đâu.

 

Ông đằng hắng, rồi nói tiếp:

 

- Bà biết không? Bao nhiêu năm nay tôi áy náy mãi về việc làm chính sách người có công cho bà. Tôi đã nghe các đồng chí của tôi kể rất rõ về công ơn của mẹ con bà và họ đã nhờ tôi tìm đến nhà để tạ ơn, vậy mà từ ngày về sống ở thành phố, nhà cao cửa rộng tôi lại quên. Thật đáng trách! Từ ngày nghe Nhà nước phát động cán bộ, nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi mới sực nhớ. Mong bà thông cảm bỏ qua cho tôi! Bây giờ bà ghi vào đây để tôi nhờ người xác nhận rồi gởi lên cơ quan có thẩm quyền!

 

Bà Hai viết xong, ông cất cẩn thận vào cặp, rồi đi tham quan ngôi nhà. Ông nhìn vào phòng bếp gas đang cháy một hồi lâu, rồi hỏi:

 

- Chỗ này ngày xưa là gian bếp củi phải không?

 

- Đúng rồi. Sao anh biết?

 

- Tôi đoán thôi.

 

- À mà bà còn giữ cái nồi đồng chứ?

 

Bà Hai nghe nhói trong tim, nhưng cố gắng bình tĩnh hỏi:

 

- Cái nồi đồng gì anh hỏi tôi không hiểu?

 

- Cái nồi đồng ngày xưa bà nấu cơm cho bọn tui ăn ngay gian bếp này.

 

Bà Hai trố mắt.

 

- Anh... Anh... Anh là...

 

- Đúng. Tôi đây. Sau đợt công tác tôi bị thương nặng, còn chín đồng chí của tôi đã hy sinh. Ngày tôi về bà

đã có chồng, tôi phải trả lại kỷ vật và nói trớ.

 

Bà Hai mếu máo:

 

- Em xin lỗi anh!

 

- Anh mới là người có lỗi.

 

Người nhà lãng đi. Trong khoảnh khắc, gian bếp nhỏ lặng im để hai bóng người của ngày xưa đối diện nhau, đối diện với quá khứ. Và họ trở về với hiện tại khi con dâu lên tiếng từ cửa bếp:

 

- Mẹ ơi! Cha nhờ mẹ mời cơm hai bác nhé! 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek