Thứ Bảy, 12/10/2024 05:24 SA
Ông Chín Thiện làm việc thiện
Thứ Hai, 19/06/2017 14:00 CH

Ông Chín Thiện trên con đường vui - Ảnh: LÊ TRÂM

Ông Đặng Thiện (94 tuổi) - người trong xóm thường gọi thân mật là Chín Thiện, ở xóm Hố (khu phố Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) tự nguyện hiến 360m2 đất vườn nhà trị giá trên 200 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn. Nhờ vậy, gần 40 năm từ ngày đất nước giải phóng đến nay, xóm này mới có con đường làng khang trang, sáng sủa.

 

Tên Thiện, làm việc thiện

 

Xóm Hố nằm dưới chân đèo Bà Ong (còn gọi là đèo Ngang), nhà ông Chín Thiện ở lưng chừng giữa xóm. Từ nhà ông “chuồi” xuống qua bên kia tuyến đường liên xã (nối khu phố Long Hà với thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3) là ra sông Cái, phía trên là soi Đùi.

 

Xóm Hố gần chợ Đồng Dài cũ, dân cư sinh sống từ lâu nhưng không có đường êm thuận; mọi người phải đi lại trên con đường truông ủm thủm, khó khăn. Khi địa phương triển khai làm đường bê tông theo đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn thì vướng đất vườn nhà của ông Chín Thiện.

 

Nhà ông chồm tới trước, còn đường truông từ sau hè nhà ra đến cuối xóm, một bên là suối, một bên đất vườn nhà ông Chín Thiện chạy dài. Thời điểm đó, địa phương phát động phong trào nhân dân hiến đất làm đường nhưng đang trong giai đoạn “thăm dò” vì thấy đất làm đường lấn qua trọn phần đất nhà ông với diện tích khá lớn. Thế nhưng, ông Chín Thiện sau khi nghe lãnh đạo thị trấn và khu phố truyền đạt chủ trương thì xung phong cái rụp!

 

Bây giờ, đường bê tông dài 200m, rộng 2,5m, phẳng phiu thoáng đãng đã được hình thành. Trước đó, con đường truông rộng 0,7m, ông Chín Thiện hiến thêm 1,8m nữa, như vậy ông hiến tổng cộng 360m2 đất để làm đường này. Ông Chín Thiện tâm sự: Trước đây, người dân xóm Hố trồng sắn trên bến soi Đùi, đến mùa thu hoạch phải gánh từng đôi ky sắn từ trên đó về; còn trưa chiều đi làm đồng về, mệt quá phải lùa bò từ nhà ra sông Cái uống nước. Gần đây, Nhà nước đầu tư cung cấp nước sạch về từng hộ nên nhà nào nuôi bò là cho uống nước tại chuồng. Năm rồi, Nhà nước triển khai làm đường giao thông, tôi sẵn sàng hiến đất mở rộng đường để xe cộ ra vào, giải phóng đôi vai cho bà con trong xóm. “Tuổi cao, quanh năm suốt tháng tôi không bước chân ra khỏi nhà, hiến đất làm đường là để mọi người đi lại thuận lợi, làm ăn kinh tế phát đạt. Biết đâu sau này cháu chắt mình lấy chồng lấy vợ cất nhà ở cuối xóm Hố, khi đi lại trên con đường bê tông thì nhớ ơn công lao ông cha. Còn mình để lại tiếng thơm sau này”, ông Chín Thiện nói.

 

Ông Chín Thiện có 6 người con, hiện 4 người đã lập gia đình lo cái “nồi riêng” nhưng vẫn tá túc ở cạnh nhà ông và họ đều làm nông. Thời buổi tấc đất tấc vàng, 360m2 đất là “của để dành” cho cả gia đình quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế nhưng, ông Chín Thiện vẫn tự nguyện hiến đất, bởi ông nghĩ mình nên vì cái chung để mọi người cùng hưởng lợi chứ không nên vì của riêng bó hẹp trong nhà. Việc làm này thật đáng ngưỡng mộ!

 

Ông Lê Bá Nhân, Trưởng khu phố Long Hà, cho hay: Trước khi làm đường bê tông, trong xóm có người đến “thủ thỉ” với ông nhưng ông không trả lời. Sau đó, tôi đến trình bày chủ trương Nhà nước mở rộng đường để bê tông hóa giao thông nông thôn làm đẹp xóm làng, ông gật đầu xung phong hiến 360m2. Đất của ông Chín Thiện thuộc “diện” đất thị trấn nên hiện có giá trị gần 200 triệu đồng.

 

Ông Chín Thiện nhớ lại hồi đưa gia đình về đây sinh sống, lúc đó con đầu còn ẵm nách, lo miếng ăn cho cả nhà nên ông khai hoang đất trồng hoa màu; đồng thời ra sức gánh đá chất cạnh bờ suối để giữ đất ngăn mùa mưa sạt lở. Vùng này lúc đó hoang hóa, nhiều cây bụi, ông bỏ công cả tháng trời mới hạ được đám gai bàn chải. Làm ngày không đủ, ông tranh thủ làm đêm; ngày này qua tháng khác mới ra diện mạo đám đất vuông vức, phẳng phiu như bây giờ. Khai hoang xong đám này, thấy phía sau còn đất bỏ hoang, ông tiếp tục nai lưng và biến từng chòm đất “đầu thừa, đuôi thẹo” thành đám đất lớn.

 

Hồi đó khổ nhọc công sức là vậy, nhưng bây giờ trên phần đất của ông hiến, Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng con đường bê tông khang trang làm cho 7 ngôi nhà ở cuối xóm Hố “sang” hơn vì có đường “ghé” vào cửa ngõ từng nhà. Còn trước đây, con đường truông chật hẹp, cây bụi rậm rạp, vắng vẻ, ngó mà phát rầu…

 

Con đường vui

 

Từ đầu đường bê tông, đi qua 2 ngã ba đến đầu con dốc nhỏ là vào khuôn viên nhà ông Chín Thiện. Kề đó có con dốc nữa giống như nạng ná, đi cặp hông khuôn viên nhà ông ra phía sau xóm Hố với 7 hộ dân đang sinh sống. Ông không chỉ hiến 360m2 đất đo trên sách vở mà thực tế còn hiến dư ra, vì con đường bê tông chạy dọc cặp hông khuôn viên nhà ông nếu đổ bê tông theo con đường truông thì có đoạn uốn cong qua cua cánh chỏ. Để xóa bỏ đoạn cua cánh chỏ, con đường phóng thẳng phải “chặt” góc lấn vào đám đất nhà ông, chỗ góc nhọn đó là phần đất nhà ông nhưng nằm phía bên kia đường.

 

Đường có điểm đầu giáp đường liên xã, điểm cuối là nhà bà Nguyễn Thị Nga. Khi chưa có đường bê tông, đường đến nhà bà Nga mùa mưa đất lún, nhiều đoạn nước đóng vũng thành cái “ao” nhỏ giữa đường. Người đi đường, nhất là học sinh đi học bí lối phải “trổ” đường khác bằng cách phá hàng rào đi ké qua sau hè của ông Chín Thiện. Bà Nguyễn Thị Nga vui mừng chia sẻ: Nhà tôi nằm cuối xóm Hố, sát nách chân đèo Bà Ong. Từ ngày đất nước giải phóng đến nay đã gần 40 năm, xóm này mới có con đường làng “sáng sủa” như thế này. Không riêng gì tôi, bà con trong xóm ai cũng vui. Con đường hoàn thành tháng 8 năm ngoái, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện. Nhờ vậy, cả xóm ăn một cái tết vui tươi, phấn khởi.

 

Theo ông Trần Thanh Tùng, một người trong xóm thì hồi trước, việc qua lại trên con đường truông “thảm” lắm. Người dân đi bên bờ suối lớn, thỉnh thoảng gặp đoạn sụp xuống con suối rách (suối nhỏ) đá dăm lởm chởm, có đoạn “ôm cua” qua chỗ bụi tre. Ở quê, nhà nào cũng nuôi bò, mùa thu hoạch lúa chở rơm về chất sau hè để trữ làm lương khô cho bò. Thế nhưng, vì không có đường rộng, cộ bò chở rơm rạ phải “tăng bo”, chỗ bụi duối phủ tàn lấn ra đường hàng năm phải bỏ công phát dọn. Có năm mưa lũ ào ào, nước suối làm xói lở lấn vào con đường truông chỉ còn bước vừa bàn chân, người trong xóm phải chặt gốc tre đóng cọc, đắp đất đá cho đường “no” lại. “Có đường bê tông, bộ mặt nông thôn xóm Hố như được thay áo mới. Có con đường êm thuận trước mặt đi lại ngon lành nên ai cũng hỉ hả vui, rủ nhau tân trang nhà cửa đón tết”, ông Tùng cười phấn khởi.

 

Ông Lê Sĩ Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hai, tâm đắc: Con đường khởi công theo đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn. Từ lúc giải phóng mặt bằng cho đến khi đo đạc cắm mốc làm đường, hễ nhà ai trúng cây xoài, cây ổi thì tự chặt. Riêng ông Đặng Thiện hiến quỹ đất vườn nhà rất lớn, không đòi hỏi quyền lợi cũng như bồi thường chi hết. Các hộ dân còn lại, nhà nào cũng sẵn sàng đóng góp ngày công lao động làm đường. Vì thế, gọi là “con đường vui” cũng là chính xác vậy!

 

Chúng tôi luôn đánh giá cao và tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất làm đường bê tông nông thôn. Trong đó có cụ Đặng Thiện. Thời gian đến, các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc mọi mặt.

 

Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Võ Cao Phi

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek