Thứ Bảy, 12/10/2024 09:19 SA
Lễ “Kuải plảy” và ước mong của đồng bào Chăm H’roi
Thứ Bảy, 10/06/2017 08:20 SA

Nghi thức cúng lễ “Kuải plảy” ở thôn Suối Mây - Ảnh: NGUYÊN HẬU

Đã thành thông lệ, cứ đến giữa tháng hai âm lịch, giáp ba năm một lần, cộng đồng đồng bào Chăm H’roi tại thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) lại tổ chức lễ “Kuải plảy”- lễ cúng làng với niềm ước mong mưa thuận gió hòa trong tiếng cồng ba chiêng năm vang dội…

 

Nét văn hóa đẹp

 

Người Chăm H’roi nơi đây tự lâu đời đã quy định, lễ cúng làng có thể diễn ra trong bất cứ ngày nào của tháng hai âm lịch, nhưng đẹp nhất là ngày rằm, mười sáu tháng hai. Đây là thời điểm vẫn còn tiết xuân, buổi sáng núi rừng mát mẻ hơi sương, ngày nắng vàng rực rỡ, sạch sẽ tinh tươm như những đóa vạn thọ cuối mùa còn phơi sắc. Đặc biệt, lễ cúng không được để sang tháng ba, vì như thế không hội tụ hết những nét thiên nhiên hữu tình thiên tạo.

 

Lễ cúng gồm hai con heo và bảy con gà. Trên dàn cúng được trang trí bằng tre với nhiều hoa văn được đan, khắc, vẽ cách điệu bắt mắt, sinh động và tất cả đều bằng màu đỏ, màu của may mắn. Lễ cúng còn nhất thiết phải có gạo lúa đỏ mới, nến bằng sáp ong, lá “ruôy” - một loại lá rừng tượng trưng cho sự linh thiêng và cao quý. Đây cũng chính là lá mà người già trong làng dùng vẩy rượu rưới lên đầu từng thành viên trong gia đình trong lễ cúng đổ đầu - lễ tất niên của đồng bào Chăm H’roi nơi đây. Trên dàn cúng còn phải treo một chiếc áo với màu trắng chủ đạo hoặc nhiều màu sắc tươi sáng khác, với mong ước mọi thứ phải sáng sủa, mới mẻ, đẹp đẽ hơn. Người Chăm H’roi thật thà cái bụng, bởi vậy đối với các vị thần linh họ tôn thờ, luôn hướng đến niềm tin, với những cầu mong cũng hết sức đơn sơ giản dị, mộc mạc như cái bụng mình.

 

Bên dàn cúng, già làng Oi Ba cùng những người lớn tuổi, có uy tín nhất làng cùng nhau thực hiện nghi lễ. Họ khoác lên người những bộ thổ cẩm do chính tay các mó lớn tuổi trong làng làm nên. Oi Ba tay cầm nắm gạo đỏ, thành quả vụ mùa một cách nâng niu trân trọng, gọi Giàng linh thiêng chứng giám cho ngày nắng mới, những đứa con của Giàng đã tề tựu bên nếp nhà rông để thực hiện nghi lễ với Giàng. Oi thay mặt làng, vừa vung gạo lúa đỏ lên trời, gọi Giàng minh chứng, cầu mưa thuận gió hòa, cho cây lúa lên xanh, cho sắn mía đầy ruộng, cho bắp treo đầy sàn, cho buôn làng ấm no đầy đủ. Người Chăm H’roi quan niệm rằng, hạt lúa là thành quả lao động, tung gạo lúa đỏ mới, là cách thể hiện sự tôn trọng Giàng, để Giàng biết những năm tháng qua mọi người đã không nghỉ cái tay, lơi cái chân, ngày hai buổi sắn bắp trồng trọt, biết trồng lúa nước, biết chăm con bò mập béo, biết bắt con cá dưới lòng suối trong…

 

Sau khi khấn vái thần linh chứng giám, Oi Ba dùng lá “ruôy” nhúng vào rượu, vẩy lên đầu mọi người để đuổi đi những điều xui rủi, cầu sức khỏe và may mắn. Người Chăm H’roi sống thẳng ngay và tốt bụng. Họ luôn dành sự tôn trọng đặc biệt cho Giàng, cho đất đai cây cối mùa màng và biết ơn những vật dụng vô tri gắn bó với họ trong cấy cày trồng trọt. Bởi vậy, sau khi cầu cho mọi người trong làng, Oi Ba rưới rượu xuống các cột dàn cúng và rưới lên một con dao sắt đã cắm dưới đất, vừa để minh chứng cho lòng họ vững như sắt, cái chân cái tay cũng mạnh khỏe, cứng cáp như sắt. Hơn hết, họ vừa tạ ơn những vật dụng lao động đã cùng họ làm ra thóc lúa, vừa tạ ơn đất đã sinh sôi cây cối, nuôi dưỡng mùa màng, nuôi sống con người và nâng đỡ mái nhà để họ an cư lạc nghiệp. Lễ “Kuải plảy” kết thúc sau khi già làng Oi Ba, già Ma Luyện xin keo bằng hai đồng xu cổ và lễ khấn kết tạ ơn trời đất.

 

Già Ma Luyện, Bí thư Chi bộ thôn Suối Mây, đã ngoài 85 tuổi, một trong những người có uy tín trong thôn, cho biết. “Lễ “Kuải plảy” diễn ra trong mùa nắng, nhưng nếu có mưa thì năm đó báo hiệu thuận lợi đủ đầy, đầu xuôi đuôi lọt…”. Già Ma Luyện cho biết thêm lễ “Kuải plảy” với cộng đồng Chăm H’roi đặc biệt linh thiêng, quan trọng. Ngoài cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nó còn thể hiện sự biết ơn, sự quý trọng cuộc sống an cư lạc nghiệp, không còn du canh du cư như trước; thể hiện sự tin tưởng vào những chính sách đúng đắn mà Đảng, Nhà nước đã thực thi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng đồng bào Chăm H’roi.

 

Đề cao tính cộng đồng

 

Vì ba năm mới được tổ chức một lần và mang nhiều ý nghĩa nên lễ “Kuải plảy” rất được cộng đồng Chăm H’roi nơi đây đón đợi. Nếu như lễ cúng đổ đầu của người Chăm H’roi vào dịp cuối năm với mong muốn từng thành viên trong gia đình mạnh chân mạnh tay, mùa màng tươi tốt thì lễ “Kuải plảy” mang tính cộng đồng, vi mô hơn với mong muốn mưa thuận gió hòa, buôn làng ấm no, sung túc. Và để lễ “Kuải plảy” diễn ra với đầy đủ các nghi thức, trước đó đồng bào Chăm H’roi tại Suối Mây đã có sự chuẩn bị, hội họp và thống nhất cao. Bởi vậy khi mới qua Giêng, già làng Oi Ba thông báo thời điểm và phân công từng người, cả cộng đồng đều tự nguyện đóng góp của cải vật chất, cùng nhau đến nhà rông để hoàn tất các công đoạn cho ngày làm lễ. Đàn ông lấy nước, bào, gọt tre trang trí thành những hoa, những vòng tua rua ước lệ cho lúa thóc mùa màng, heo bò mạnh khỏe… Phụ nữ thì giặt giũ, nấu nướng, chuẩn bị mọi vật dụng nhỏ khác khi cần. Họ cùng nhau quần tụ bên nếp nhà rông, vui trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vang vọng.

 

Cũng tại lễ “Kuải plảy” này, thế hệ trước truyền đạt cho thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những người như già làng Oi Ba, già Ma Luyện, Ma Ảnh, Ma Xuyến sẽ truyền tâm huyết của mình cho Lê Mo Y Ba, hiện là Phó Bí thư chi bộ - Trưởng thôn; La Lan Lẫn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn; La Mo Nô, La Mo Rít, La Mo Thị Nga, Sô Thị Chung… Họ dặn con cháu siêng năng lao động, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như thế hệ họ đã tin và làm theo. Họ vận động cháu con cùng nhau xây dựng buôn làng, cùng chung sức chung lòng thực hiện các phong trào, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Sau cơn mưa buổi sớm, nắng đã lên vàng tươi như mật. Oi Ba nói rằng lễ năm nay xin được keo tốt, nghĩa là mùa màng lên xanh, từ trẻ con cho tới người già cái bụng được no, cái tay cái chân được khỏe, trên liếp nhà sàn bếp nhà ai cũng ấm, dưới liếp sàn heo gà thong dong.

 

Với tôi như có duyên kỳ ngộ, gắn bó và thu hút bởi vùng đất đầy sức sống này. Tôi không tin vào những điều mang tính rủi may, song lại có niềm tin lớn vào những con người mộc mạc, thật bụng thật lòng nơi này. Họ đoàn kết một lòng, tin vào Đảng, biết đón nhận những phương thức sản xuất mới và có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Minh chứng hùng hồn nhất là diện mạo của Suối Mây hôm nay đã có sự đổi thay vượt bậc so với mười năm trước - khang trang đẹp đẽ với đường bê tông thẳng tắp, điện thắp sáng, nhà nhà có nhiều phương tiện sinh hoạt tiện nghi, trẻ em được cắp sách đến trường. Tôi tin vào những cây đại thụ của buôn làng như Oi Ba, Ma Luyện, tin vào những thế hệ trẻ với làn da nâu rám nắng, cái bụng, cái tâm và cái đầu đầy nhiệt huyết như Y Ba, Lan Lẫn, Mo Rít... Tôi tin vào những gì diễn ra trước mắt khi sự đủ đầy thể hiện rõ nét qua những lễ nghi “Kuải plảy”, tin vào từng ánh mắt hân hoan rạng ngời của những con người mộc mạc, tin vào đôi tay các thiếu nữ múa nhịp nhàng theo từng nhịp bước.

 

Trong tiếng cồng ba chiêng năm vang vọng, trai gái làng múa đung đưa theo nhịp; họ cười tỏa nắng, nước da màu mật rạng ngời. Với tôi, lễ “Kuải plảy” càng đẹp hơn và Suối Mây càng có sức hút hơn từ giây phút ấy.

 

NGUYÊN HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek