Nhạc sĩ Doãn Nguyên là Nhạc trưởng dàn nhạc, Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Là người chỉ huy dàn nhạc, anh cũng rất đam mê sáng tác, đặc biệt là khí nhạc và từng có nhiều tác phẩm xuất sắc.
Cụ thể là: Khúc nhạc chiều (piano và dàn nhạc semi - classique), Tình khúc biên thùy (sáo Mèo và dàn nhạc) - Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Cánh thư ra đảo xa (đàn tranh, sáo trúc và dàn nhạc) - giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Về mặt ca khúc, anh cũng có nhiều bài hay như: Tâm sự Huyền Trân công chúa (thơ Xuân Quỳ) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đỉnh núi (Romance, thơ Trịnh Công Lộc) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nỗi nhớ Trường Sơn (thơ Tô Hoàn) - Giải thưởng Bộ Quốc phòng... Và gần đây nhất là Nhớ chăng em những con đường Điện Biên (thơ Châu La Việt):
Em nhớ chăng
những con đường Điện Biên?
Kéo pháo vào, kéo pháo ra đánh chắc!
Giữa chiến hào đọc lá thư
của Bác
Cha kìm nỗi xúc động,
để giọng đọc tôn nghiêm…
Đại tướng phát lệnh, những người lính tràn lên
Cha sốt nặng cũng lao lên phía trước
(Cũng lúc ấy nơi làng
xa tít tắp
Cô du kích Điện Bàn chia lửa với Điện Biên…)
Nhớ chăng em anh hùng
Phan Đình Giót
Lấp lỗ châu mai, vì Tổ quốc hy sinh
Ôm đồng đội bàn tay cha
vuốt mắt
Một tình thương vô tận
chiến sĩ mình…
Nhạc sĩ Doãn Nguyên tâm sự: Tôi được đọc bài thơ Nhớ chăng em những con đường Điện Biên và thấy rất xúc động về những sự kiện chân thật, những con người bằng xương bằng thịt đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm binh của mình như chính tâm sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng quyết định kéo pháo ra để sau đó lại khi thời cơ đến lại kéo pháo vào đảm bảo chắc chắn cho thắng lợi. Đó là chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141 trước đêm tiến công Him Lam, đã đọc thư của Bác gửi các chiến sĩ tham gia Điện Biên mà xúc động trào nước mắt và chính ông dù đang sốt nặng cũng lao lên phía trước chỉ huy trung đoàn đánh chốt cuối cùng giành thắng lợi ở trận đánh mở màn Him Lam. Đó là anh hùng Phan Đình Giót đã lao lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai để quân ta tràn lên tiêu diệt địch... Cha mẹ tôi đều là những chiến sĩ - nhạc sĩ quân đội, cũng từng tham gia Điện Biên Phủ nên đã tạo cho tôi nhiều hứng khởi để sáng tác bài ca này.
Khi tác phẩm vừa khô nét mực, bài hát đã được tác giả trao gửi cho một giọng hát trẻ xuất sắc của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam từng được giải thưởng Sao Mai 2007 là Đăng Thuật thu thanh. Người ca sĩ trẻ của quê hương Phan Đình Giót ấy đã thể hiện bài hát với tiếng hát mang âm hưởng dân gian Nghệ Tĩnh, với những xúc cảm nồng nhiệt của thế hệ trẻ hôm nay với đất nước, với Điện Biên và thế hệ cha anh. Nhớ chăng em những con đường Điện Biên là một thành công của nhạc sĩ Doãn Nguyên và cũng là thành công của ca sĩ Đăng Thuật. Thành công đó chứng minh một điều là dòng nhạc đỏ vẫn luôn đem lại sự hấp dẫn và yêu thích với người nghe bởi những tác phẩm và giọng hát sâu sắc, bởi những nội dung ý nghĩa, bởi sự nhuần nhuyễn về kỹ thuật và nồng nàn về tình cảm của người hát.
Nhạc sĩ Doãn Nguyên là con trai của nhạc sĩ Doãn Nho, người nhạc sĩ - chiến sĩ từng nổi tiếng với nhiều bài hát xuất sắc về quân đội như: Tiến bước dưới quân kỳ hay Năm anh em trên một chiếc xe tăng (phổ thơ Hữu Thỉnh). Mới đây nhất, nhạc sĩ Doãn Nho vừa được Chủ tịch nước Trần Đại Quang xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2016.
Có thể nói, nhạc sĩ trẻ Doãn Nguyên đã và đang kế tục xuất sắc tâm huyết và tài năng của cha anh mình về một dòng nhạc đặc biệt: Nhạc đỏ, nhạc về cách mạng và những người lính.
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT