Cách đây 3 năm, tối 19/4, Ngày Sách Việt Nam đã được công bố trong một buổi lễ long trọng được tổ chức bên tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội).
Các bạn trẻ đọc sách ở Thư viện Hải Phú - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn thay mặt Thủ tướng Chính phủ đọc quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ đây, nước ta có một ngày đặc biệt nhằm khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc, tôn vinh những giá trị của sách, ghi nhận đóng góp của những người tham gia sáng tác, sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Sẽ rất sai lầm nếu như ai đó cho rằng chỉ những người học hay làm công việc liên quan đến chữ nghĩa, viết lách mới cần đọc sách. Nhà văn Mark Twain có câu nói nổi tiếng: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc”. Còn triết gia lỗi lạc Marcus Tullius Cicero nói: “Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời”. Ngành sinh trắc vân tay đã chỉ ra rằng đọc sách giúp cải thiện trí thông minh, và việc đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng mà còn nâng cao kỹ năng lĩnh hội ngôn ngữ, phát triển khả năng viết. Một quyển sách hay có thể mở ra một cánh cửa, mang đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về thế giới bao la, về cuộc đời rộng lớn. Bởi vậy người ta mới ví sách hay như người bạn tốt, là nguồn an ủi và là “mỹ phẩm” đặc biệt cho tâm hồn.
Gần 20 năm làm báo, tôi đi khá nhiều và gặp gỡ rất nhiều người, từ dân lao động cho đến trí thức, văn nghệ sĩ và một số nhà khoa học nổi tiếng. Người để lại ấn tượng sâu sắc và tôi cảm thấy tự hào khi được phỏng vấn là GS Ngô Bảo Châu. Trong lần đầu tiên đến Phú Yên tham dự một sự kiện đặc biệt do Trường phổ thông Duy Tân tổ chức, vị giáo sư danh tiếng đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Đó là một cuộc trò chuyện ngắn nhưng rất thú vị về… văn chương, về sách. Không chỉ là nhà toán học lừng danh, GS Ngô Bảo Châu còn là người say mê sách, thích đọc, thích viết và dịch sách. Một năm sau khi nhận giải thưởng Fields, nhà toán học này đã “bắt tay” với nhà văn Phan Việt, cùng Nhà xuất bản Trẻ lập tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, nhằm đem đến cho người đọc những tác phẩm giàu tính nhân văn trong kho tàng văn học thế giới, triết học và một số sách về khoa học thường thức. “Ý nghĩa cơ bản nhất của tủ sách là tinh thần khai sáng”, giáo sư nói.
Lần sau trở lại Phú Yên, trong buổi lễ ra mắt chi nhánh Vườn ươm tài năng, nhà toán học Ngô Bảo Châu chia sẻ với các giáo viên và học sinh bài viết dung dị của mình Những tiệm sách ấy, bây giờ ở đâu. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết một trong những lý do GS Ngô Bảo Châu chọn về dạy học tại Chicago, nơi rất lạnh ở nước Mỹ, là bởi… chung quanh Đại học Chicago có nhiều tiệm sách! “Lớn nhất là tiệm sách Seminary Coop. Tiệm này có hai chi nhánh. Chi nhánh lớn có thể nói là thiên đường của sách hàn lâm. Mỗi khi có ít phút sau giờ ăn trưa, tôi lại rẽ qua đó để đắm đuối. Có rất nhiều đầu sách nhân văn có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết nếu không nhìn thấy ở Seminary Coop…”, GS Ngô Bảo Châu viết.
Mỗi khi có dịp về Hà Nội, một trong những nơi mà tôi không thể bỏ qua là “phố sách” Đinh Lễ. Có rất nhiều quầy sách dọc theo con phố này, bày bán từ những quyển sách mới xuất bản, sách được độc giả “săn lùng” nhiều nhất cho đến các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, đã được tái bản hàng chục lần. Trong không gian của sách, bạn sẽ vui sướng biết bao khi tìm được quyển sách mà mình say mê nhưng đã lạc khỏi tủ sách của gia đình tự bao giờ. Nếu may mắn thì còn tìm được cả bộ sách của một nhà văn mà bạn yêu thích. Rồi nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy rằng còn nhiều người trẻ vẫn chưa quên sách, vẫn thích đọc sách.
Mới đây, tôi gặp và trò chuyện với Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2013 Phan Hoàng Thu. Cô ấy đẹp, tất nhiên rồi, nhưng cô ấy khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên khi chia sẻ ước mơ của mình: có một ngôi nhà nho nhỏ bên biển để sau này ở đó và… viết văn. Tôi tin rằng Phan Hoàng Thu có một tâm hồn đẹp, nếu quả thật cô ấy yêu sách và ấp ủ ước mơ viết văn.
Lại nhớ đến nhà toán học Ngô Bảo Châu, người mà cựu học sinh dở toán như tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ông viết: “Tôi thành thật tin rằng cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ dễ chịu hơn, nhân văn hơn nếu nơi đó có nhiều tiệm sách… Con người cần có cái gì đó cao cả mà bám vào, để đu người lên để có thể nhìn về quá khứ và tương lai mà không nuối tiếc, không sợ hãi. Bạn có thể tìm thấy cả sự tuyệt vọng, sự cao cả của tâm hồn con người trong những trang sách…”.
YÊN LAN