Thứ Bảy, 12/10/2024 21:25 CH
Thi dệt thổ cẩm: Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc
Thứ Năm, 16/03/2017 14:00 CH

Hội LHPN xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) vừa phối hợp với Ban Văn hóa - Thông tin xã này tổ chức Hội thi Dệt thổ cẩm xã Suối Trai lần thứ nhất năm 2017. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; tạo điều kiện cho chị em có cơ hội thể hiện tài năng, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm.

 

Phụ nữ xã Suối Trai dệt thổ cẩm tại hội thi - Ảnh: CAO VĨ NHÁNH

 

Trăn trở với nghề

 

Mặc dù đến 8 giờ sáng, Hội thi Dệt thổ cẩm xã Suối Trai mới khai mạc nhưng chưa đầy 7 giờ, chị em tham gia hội thi này đã đem khung dệt, thổ cẩm chưa hoàn thiện đến để chuẩn bị. Các thí sinh ai cũng diện đồ truyền thống do chính tay mình dệt với những hoa văn nhiều màu sắc sặc sỡ trông thật nổi bật. Trò chuyện với chúng tôi, Mí Đút ở thôn Đoàn Kết, tỉ mỉ giải thích từng bộ phận của khung dệt và giới thiệu những thao tác khi dệt thổ cẩm. Mí Đút cho biết thêm: “Một sản phẩm thổ cẩm đẹp thì đường len phải khít đều, họa tiết phong phú, sáng tạo, màu sắc hài hòa. Để làm được điều đó, người dệt phải căng dây, căng sợi đều tay, siết lao thật chặt. Cái khó trong dệt thổ cẩm là tạo hoa văn, chủ yếu hình thoi, zích zắc, hình vuông, đường thẳng hoặc hình một số con vật tiêu biểu gắn với cuộc sống hàng ngày”.

 

Còn Mí Khiêm ở thôn Xây Dựng, đứng bên cạnh nói xen vào: “Xưa kia, tất cả con gái người Ê Đê đều phải biết dệt. Khi còn ở với cha mẹ, các cô gái dệt thổ cẩm để bán hoặc trao đổi vật dụng với người khác, phụ lo kinh tế gia đình. Khi đến tuổi bắt chồng, cô gái ấy càng phải biết dệt để phục vụ cho bản thân và gia đình. Hoa văn trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ, sắc sảo thì càng chứng tỏ được giá trị của người phụ nữ”.

 

Sau lễ khai mạc, 15 thí sinh bắt tay thực hiện các thao tác cơ bản để dệt hoàn thành một sản phẩm thổ cẩm đã chuẩn bị trước. Dưới đôi bàn tay khéo léo của các chị, những họa tiết mang tính cách điệu như: bông hoa, con chim, chiêng, ché dần hiện ra. Vừa luôn tay dệt, Mí Trơi ở thôn Đoàn Kết, tâm sự: “Những năm trước đây, do nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong cộng đồng người Ê Đê còn nhiều nên công việc dệt thổ cẩm mang lại thu nhập ổn định. Bây giờ, người dân đã chuyển sang sử dụng trang phục giống như người Kinh nên nhu cầu về thổ cẩm giảm đi rất nhiều. Vì không thể sống được bằng nghề nên ngày càng có nhiều người ngậm ngùi chia tay với việc dệt thổ cẩm”.

 

Nét đẹp truyền thống cần gìn giữ

 

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, trước đây, khi trưởng thành, các thiếu nữ Ê Đê thường được người thân trong gia đình, dòng họ dạy cách dệt thổ cẩm ngay trên khung theo phương pháp vừa học vừa làm hết sức tỉ mỉ, kiên trì. Người truyền nghề và người học nghề đều quyết tâm bền bỉ, không hạn chế thời gian, sao cho đạt kết quả. Bởi mỗi phụ nữ Ê Đê nhất thiết phải biết dệt thổ cẩm, ít ra cũng làm được váy áo, khăn, túi cho bản thân. Thành thạo nghề là một yêu cầu, một tiêu chuẩn của bất cứ cô gái Ê Đê nào ở tuổi sắp lấy chồng. Còn ngày nay, trong thời kỳ kinh tế thị trường, hàng hóa phong phú và đa dạng, nhiều phụ nữ Ê Đê không được học nên không biết cách dệt và không tự làm ra được những đồ dùng thiết yếu cho mình. Trước tình hình trên, xã Suối Trai đã tổ chức hội thi dệt thổ cẩm.

 

Liên quan đến điều này, chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Trai, cho hay: “Thông qua hội thi dệt thổ cẩm, chúng tôi mong muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê Đê trên địa bàn xã và kêu gọi các nghệ nhân hãy ra sức gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống; qua đó giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình”.

 

Đôi tay nhanh nhẹn móc từng sợi chỉ đưa qua đưa lại thoăn thoắt, vừa làm, Mí Nga ở thôn Thống Nhất, vui vẻ nói: “Cũng đã hơn 45 mùa rẫy từ khi mình biết dệt, đến giờ mình quen với công việc này rồi. Hồi nhỏ nhìn mẹ dệt thổ cẩm mình thích lắm. Lớn lên, mẹ bắt đầu dạy cho những bước cơ bản, thành quen tay. Giờ già rồi, mắt kém nhưng việc dệt thổ cẩm này chẳng có gì khó khăn với mình”.

 

Thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của người đồng bào Ê Đê. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều mang nét đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng những người biết dệt thổ cẩm không còn nhiều. Chính vì thế, việc xã Suối Trai tổ chức hội thi dệt thổ cẩm là việc làm đáng hoan nghênh. Chúng tôi hy vọng địa phương sẽ tiếp tục duy trì hội thi này để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa

 

NGỌC TÂN - VĨ NHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek