Hiện đạo diễn quốc tế người Pháp Trần Anh Hùng là nhà làm phim gốc Việt hiếm hoi gặt hái thành công tại các liên hoan phim danh giá của thế giới. Tính duy mỹ trong phim của Trần Anh Hùng như những món quà ban tặng cho khán giả yêu nghệ thuật thứ 7. Và đó là lý do Trần Anh Hùng truyền được cảm hứng sáng tạo cho các nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ
Những bộ phim đẹp
Gần 30 năm làm phim, Trần Anh Hùng ra mắt khán giả 6 tác phẩm điện ảnh. Không nhiều về số lượng nhưng mỗi bộ phim đều giàu giá trị nghệ thuật. Từ phim điện ảnh đầu tay - “Mùi đu đủ xanh” (năm 1993) đã đạt giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá như Cannes và César của Pháp. Đặc biệt, “Mùi đu đủ xanh” là phim nói tiếng Việt duy nhất cho tới thời điểm hiện tại lọt vào tốp đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar lần thứ 66. Sau thành công rực rỡ của “Mùi đu đủ xanh”, Trần Anh Hùng ra mắt 2 bộ phim khác là “Xích lô” (năm 1995) và “Mùa hè chiều thẳng đứng” (năm 2000). Bộ ba phim chu du khắp các liên hoan phim quốc tế, công chiếu ở các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, đem đến cho khán giả quốc tế những thước phim đẹp, phản ánh hồn cốt của lối sống và văn hóa Việt.
Sau thành công của bộ ba phim mang đậm dấu ấn của người Việt Nam, Trần Anh Hùng tiếp tục ra mắt phim: “Và anh đến trong cơn mưa” (năm 2009). Đây là phim đánh dấu bước ngoặt mới thể hiện cái nhìn riêng của Trần Anh Hùng về những đề tài phổ quát chi phối hành vi con người trong các mối quan hệ xã hội như: tôn giáo, tình dục, bản năng… Đây cũng là phim thứ 4 Trần Anh Hùng kiêm nhiệm vai trò biên kịch và đạo diễn. Rồi, trong những năm gần đây, vị đạo diễn này ra mắt khán giả yêu điện ảnh hai bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học là: “Rừng Na Uy” (2010) và “Vĩnh cửu” (2016). Trần Anh Hùng đã tiết lộ rằng, ông là một người yêu văn chương. Hai tác phẩm văn học này như cách mà ông thổ lộ với báo chí, chúng đã làm xáo trộn tâm hồn ông. Và vì vậy, Trần Anh Hùng cũng muốn khán giả của mình bị tác động về cảm xúc. Trả lời tạp chí Đẹp gần đây, Trần Anh Hùng cho biết: “Hùng nghĩ công việc của Hùng là làm sao xáo trộn được cảm xúc của người xem, “làm loạn” nó lên. Đó mới là mục đích cuối cùng của nghệ thuật”.
Nặng lòng với nhà làm phim trẻ
Đã 4 năm qua, khóa đào tạo điện ảnh mang tên “Gặp gỡ mùa thu” trở thành ngày hội được chờ đợi đối với các nhà làm phim độc lập Việt Nam, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Sự kiện “Gặp gỡ mùa thu” kéo dài đến hết ngày 16/11 này đang diễn ra tại phố cổ Hội An với 12 nhà làm phim trẻ châu Á theo học. Sở dĩ khóa học thu hút nhiều học viên quốc tế là do có đạo diễn Trần Anh Hùng đứng lớp. Phan Đăng Di, đạo diễn trẻ Việt Nam được biết đến qua tác phẩm điện ảnh “Bi đừng sợ!”, là người chủ xướng khóa học “Gặp gỡ mùa thu”.
Trả lời Vnexpress, Phan Đăng Di nói: Ngành công nghiệp điện ảnh đã thay đổi nhiều trong 10 năm trở lại đây. Số lượng phim tăng nhanh theo từng năm; có nhiều phim ăn khách và được khán giả yêu thích. Nhưng nhìn chung nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn sơ khai. Tiếng nói điện ảnh của Việt Nam so với các nước trên bản đồ điện ảnh thế giới vẫn còn rất mờ nhạt. Bằng cách hỗ trợ nhau, chúng ta có thể thay đổi được điều này.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng khẳng định, đạo diễn Trần Anh Hùng có thể chỉ thẳng cho sinh viên những vấn đề thuộc về bản chất của điện ảnh trong thời gian rất ngắn. Anh ấy vừa là người Việt Nam với những hiểu biết sâu sắc về truyền thống Việt, đồng thời là một nghệ sĩ quốc tế trong dòng chảy uyên bác của điện ảnh đương đại. Tất cả yếu tố đó rất quý cho những gợi mở khoáng đạt và trí tuệ với các nhà làm phim trẻ.
Trở về Việt Nam giảng dạy trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ mùa thu” 2016, đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ với truyền thông rằng, anh rất vui khi được gặp các bạn trẻ đam mê điện ảnh. Năm nay, lớp đạo diễn khá đông học viên nước ngoài. Trong 12 người chỉ có 4 bạn Việt Nam, còn lại là 2 học viên Hàn Quốc, 3 học viên đến từ Đài Loan, 2 học viên đến từ Nhật và 1 người từ Singapore. Tư duy điện ảnh của họ cũng giống như bao người nhưng đang ở giai đoạn lúng túng. Họ có những suy nghĩ chưa rõ ràng về điện ảnh, về làm phim, về định nghĩa “Nghệ thuật là gì?”. Những điều này cần phải trao đổi với nhau thật kỹ để tìm ra bản chất của nghệ thuật.
DIỆU ANH