Chủ Nhật, 06/10/2024 07:22 SA
Ốc, sò, đất, đá... nên tranh!
Thứ Sáu, 30/09/2005 13:15 CH

Hơn mười năm rồi, nghệ nhân Trần Văn Thuấn đã lặng lẽ làm nên những bức tranh từ... bất cứ chất liệu gì! Đó là những bức tranh nổi sống động sắc màu tự nhiên từ mo cau, dừa, rễ cây, ốc, sò, điệp, đất, đá...

 

Đề tài thì muôn hình vạn trạng, từ những cảnh truyền thống như cô gái xõa tóc, ngôi chùa, dòng sông, dáng cây, thế núi,... cho đến những bức tranh tĩnh vật do anh tự sáng tác đầy chất chuyên nghiệp. Xưởng tranh của ông bây giờ đặt tại căng-tin Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Phú Yên tại làng biển Đông Tác, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa.

 

Năm nay tròn 50 tuổi, nghệ nhân Trần Văn Thấn xuất thân từ con nhà võ. Cha anh là một võ sư nổi tiếng và bản thân thân anh cũng được truyền thụ nghề võ nhưng lại rẽ sang nghiệp làm tranh. Bởi như anh tâm sự: “Cha tôi rất đông học trò nhưng vì gặp chuyện tình nghĩa thầy – trò chẳng mấy tốt đẹp nên ông chán nản, không muốn tôi theo nghiệp võ. Tôi cũng thấy cần phải tìm một con đường đi cho riêng mình...”. Duyên cơ đến với nghề làm tranh nổi là thế này: “Sau khi lang bạt nhiều nơi, làm nhiều nghề, năm 1991 tôi về Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Phú Yên hợp đồng làm bảo vệ. Công việc này khá rảnh rỗi nên tôi bèn mày mò học hỏi, nghiên cứu... chắp tranh; được nhiều người chấp nhận, thế là tôi... lấn tới làm luôn...”.

 

Nghệ nhân Trần Văn Thấn bên một góc xưởng mỹ nghệ

 

Ban đầu, trong một dịp đi chơi ở thắng cảnh đầm Ô Loan (huyện Tuy An), anh Thấn chợt thấy những con ốc, mảnh sò, vỏ điệp,... vương vãi bỏ không thì lặng lẽ nhặt về, ngồi xếp lại thành những hình thù theo trí tưởng tượng. Tiến thêm một bước, anh dùng keo dán chặt lên giấy, thế là thành hình một bức “nhìn được” và rồi nung nấu ý định... sản xuất tranh với nhiều chất liệu khác. Anh đã bỏ công đi lùng sục, tìm thầy học nghề mỹ thuật; chủ yếu chỉ từ việc “truyền miệng, chỉ tay”, anh phải căng ra đọc sách và tự thực hành, bởi lúc đó chưa ai làm tranh từ những chất liệu... kỳ khôi như vậy. Giai đoạn anh Thấn làm tranh nổi nhiều nhất là những năm 1993, lúc ấy ở huyện Tuy Hòa (cũ) nổi lên phong trào mở quán cà phê và anh đi làm tranh tre để trang trí. Những bức tranh từ thân, gốc, lá tre,... được phối cảnh bắt mắt, thân thuộc nhưng sang trọng, được anh lồng kính hoặc mica đã trở nên một “cơn sốt”. Anh bắt đầu có nhiều khách đặt hàng từ đó.

 

Tuy nhiên, tranh nổi từ tre thì hạn chế về màu sắc, anh bèn chuyển sang phối hợp với các loại đá, vậy là một mình lặng lẽ lên núi tìm đá làm tranh. Đá làm tranh của anh không phải là đá quý nhưng cũng hội đủ nhiều màu như: trắng, hồng, xanh, tím, vàng,... đủ sức cho anh thỏa chí sáng tạo. Mỗi lần chuyển sang một chất liệu mới là mỗi lần anh phải trăn trở, thử nghiệm hàng tháng ròng. Nhớ lại những bức tranh đầu tiên làm từ đá và vỏ sò, anh nói: “Đó là mấy bức tranh tôi làm cảnh chùa chiềng, cây cỏ,... Mặc dù được Việt kiều từ Úc về mua nhưng giờ nghĩ lại cứ thấy mắc cỡ, vì làm chưa nhuyễn...”. cách đây mười năm, tranh nổi của anh chỉ vài chục nghìn đồng một bức nhưng giờ thì thường vài trăm nghìn đồng, có bức cao nhất cũng chỉ một triệu đồng. về chuyện bán tranh, anh tâm sự: “Khách hàng ở đây không nhiều tiền nên tôi chỉ lấy công làm lời, nhiều bức chấp nhận lỗ vốn vì trong lúc... kẹt tiền, vợ chồng tôi có tới 5 đứa con. Chủ yếu là tôi làm theo sự đặt hàng của khách”.

 

Không chỉ chuyên làm tranh, tôi thấy anh còn nhận làm nhiều bức liễn, câu đối, tranh thờ cúng,... của người dân trong vùng. Hay ai đó thích kiểu làm tranh của anh, nghĩ ra một đề tài gì đó thì anh cũng có thể đáp ứng được. Lặng lẽ và cần mẫn, lượng tranh nổi anh Thấn làm ra nay đã đạt con số trên 500 bức với đủ kích cỡ, lặng lẽ theo nhiều duyên cớ đã có mặt khắp nới trong nước và cả nước ngoài. Ví như nhiều giảng viên từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh,... đến Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Phú Yên giảng dạy đã tỏ ra rất tâm đắc, mua tranh về rồi giới thiệu cho nhiều người, thế là tiếng lành đồn xa. Người viết bài này đến thăm cũng là lúc anh đang cho xây thêm một xưởng nhỏ để làm tranh, chứ cơ sở lúc này không thể đặt mãi trong khu vực căng-tin trường. Ý tưởng mới tiếp theo của anh là sẽ bắt tay vào làm tranh từ những búp san hô mà nhiều người khai thác còn bỏ vương lại dọc bờ biển, và tôi biết chắc chắn nghệ nhân Trần Văn Thấn sẽ còn thành công hơn nữa với niềm đam mê chân chính của mình...

                                                                                                                        HÙNG PHIÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek