Gần đây, truyền thông thường xuyên phản ánh tình trạng người Việt lười đọc sách và văn hóa đọc ngày càng xuống cấp. Phát triển phong trào đọc sách được xem là giải pháp thiết thực nhằm mang đến niềm yêu thích sách rộng rãi trong cộng đồng.
Nhiều người thờ ơ với sách
Văn hóa đọc sách đang ngày càng mai một do sự phát triển của internet và phương tiện nghe nhìn. Theo số liệu từ Bộ VH-TT-DL, người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng hiện nay chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm. Tệ hơn, người nông dân nói không với sách. Một thống kê khác từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), tỉ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%; người thỉnh thoảng đọc sách chiếm 44%; bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số.
Thư viện tỉnh đã triển khai các hoạt động khuyến đọc trong dịp hè như: tăng cường bổ sung tài liệu, sách, báo, tạp chí, dành cho lứa tuổi thiếu nhi; trưng bày, giới thiệu sách mới, sách chuyên đề nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6… Ngoài ra, thư viện còn tổ chức các hoạt động giải trí khác thu hút độc giả như: tô tượng, tô tranh, xếp hình giải trí, chơi cờ vua, cờ tướng… Tuy nhiên, theo thống kê từ Thư viện tỉnh trong 2 tháng hè 6 và 7, lượng độc giả chỉ tăng 10,6%. Hơn một tháng nay, Nhà sách Nguyễn Văn Cừ tỉnh Phú Yên đã đóng cửa. Vậy là độc giả chỉ còn một lựa chọn để tiếp cận với sách đọc giải trí là Nhà sách Văn hóa Phú Yên. Nhưng nhà sách này vẫn thưa vắng độc giả. Các kệ sách văn học cho tuổi teen, kỹ năng sống thỉnh thoảng còn có độc giả. Các kệ sách pháp luật, lịch sử, khoa học dường như không ai quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Nga, độc giả thường xuyên của Nhà sách Văn hóa Phú Yên (TP Tuy Hòa), cho biết: “Đang vào mùa nghỉ hè nhưng theo quan sát của tôi, độc giả đến với nhà sách vẫn rất ít. Nếu có đọc các bạn cũng chỉ chú ý đến tiểu thuyết dễ đọc dễ quên chứ không thấy quan tâm đến các tác phẩm kinh điển có giá trị học thuật cao”.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt với sự hấp dẫn từ mạng xã hội khiến giới trẻ ngày nay quên dần khái niệm đọc sách.
Chia sẻ trong trong khuôn khổ Tọa đàm giao lưu Thư viện tỉnh Phú Yên và bạn đọc vừa qua, nhà báo Hữu Bình (Sở TT-TT Phú Yên), cho hay: “Hệ lụy của việc ít và lười đọc sách là thiếu kiến thức, hiểu biết thấp, tâm hồn khô cứng, thiếu kỹ năng sống… Tôi cho rằng sách vừa là thầy vừa là bạn. Việc đọc sách là cần thiết với mỗi người. Tôi đã viết và in 4 quyển sách cũng là nhờ nhiều vào thói quen đọc sách được duy trì thường xuyên”.
Cần chú trọng hoạt động khuyến đọc
Theo bà Trần Thị Ngọc Tuyết, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện (Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), thực tế cho thấy, giáo dục vẫn chưa gắn liền với việc khai thác sách đa dạng từ kênh thư viện mà chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và giáo trình. Hơn nữa, hệ thống thư viện trong trường học, đặc biệt là ở các cấp dưới đại học, cao đẳng vẫn chưa được chú trọng. Mỗi trường học có vài trăm sách. Thêm vào đó, số học sinh khai thác sách ở thư viện cũng rất hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hệ thống thư viện ở các trường học nếu có thư viện hay tủ sách lớp học thì càng tốt hơn.
Các hoạt động khuyến đọc đến cấp thôn, xóm sẽ tạo bước tiến vững chắc trong việc tạo thói quen đọc sách trong quần chúng. Bởi phần lớn người dân Phú Yên đều sống ở vùng nông thôn. Bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho rằng: Nếu các địa phương đều có tủ sách cấp xã, cấp thôn để khuyến đọc thì sẽ thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách. Hiện nay, ở một số địa phương trên địa bàn cấp huyện, Thư viện tỉnh đang triển khai hoạt động hỗ trợ tủ sách và thư viện cấp xã.
Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Xã Xuân Lãnh đã phối hợp với Thư viện tỉnh phổ cập toàn bộ các điểm đọc sách đến cấp thôn trên địa bàn xã. UBND xã quyết tâm nâng cao chất lượng các điểm đọc sách, tăng cường hoạt động thanh tra giám sát, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, nhất là đối với học sinh và các bạn trẻ”.
Tuy nhiên, công tác quản lý sách phục vụ cộng đồng miễn phí còn gặp nhiều khó khăn. Theo chị Đào Thị Thanh Thúy, cán bộ thư viện xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), thực tế thư viện xã vẫn chậm trong công tác bổ sung và luân chuyển các đầu sách mới nên chưa thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, gây ảnh hưởng đến hoạt động khuyến đọc trên địa bàn xã. Một số tủ sách ở các địa phương hoạt động không hiệu quả cũng do nguyên nhân này là chủ yếu.
Để tiến tới việc học sinh nông thôn được đọc sách, yêu thích đọc sách, hình thành thói quen đọc sách cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cấp, ngành có liên quan để tủ sách cấp dòng họ, cấp thôn, xã, cấp trường học và lớp học có thể phủ khắp ở vùng nông thôn.
DIỆU ANH