Thứ Ba, 15/10/2024 03:19 SA
Mùa bông gòn nở
Chủ Nhật, 24/04/2016 13:36 CH

Tôi đi làm thường cố ý đi qua đoạn đường này. Hơn hai tháng nay, họ chặn con đường, không cho lưu thông để nâng cấp thành tỉnh lộ. Bẵng đi một thời gian, chiều nay qua ngã ba đoạn đường này, sực nhớ cây gòn, tôi dừng xe lại để tìm chút kỷ niệm. Thế nhưng, nó đã bị chặt đi từ hồi nào rồi.

 

Cây gòn này là chứng nhân còn sót lại từ tuổi thơ của tôi. Với người dân vùng quê Bắc Bộ, mùa hè là bông hoa gạo đỏ rực giữa đồng làng. Còn ở đây, bọn trẻ chúng tôi có cây gòn. Chờ đến tháng tư nắng gay gắt, quả bông gòn sẽ bung vỏ cứng ra, để lộ cái ruột trắng xóa bên trong. Với tôi, đó là mùa hè của những kỷ niệm.

 

Những trái gòn già to như ổ bánh mì, xanh ngắt, lủng lẳng trên những cành cây khẳng khiu. Thân cây gòn nhẵn thín, trơn tuột. Những cây gòn to hơn một người ôm mới cho quả chất lượng. Mẹ tôi thường đi tìm trong làng những nhà có cây gòn, dặn mua trước. Khi quả bông gòn già sẽ đến hái và trả tiền. Mẹ thường thuê chú Tư Khều trong xóm trèo hái trái bông gòn. Chú Tư Khều có nghề trèo cây gòn rất điệu nghệ. Chú cột một hòn gạch vào đầu dây, xong quẳng hòn gạch lên cành cây gòn, rồi vừa nắm dây, vừa ôm thân cây mà trèo lên. Có những cây cao quá, không thể trèo đến đọt, chú Tư Khều dùng cây sào có gắn cái móc, huơ huơ ra phía cành cây, móc gọn vào cuống trái gòn, lôi tuột xuống.

 

Tôi thường xin mẹ cho đi theo mỗi khi mẹ và chú Tư Khều đi hái gòn. Ngồi trong bóng râm chờ chú Tư Khều hái trái gòn, ngóng mãi lên ngọn cây, mỏi cả cổ, cả mắt. Vui nhất là lúc chú Tư Khều hái xong, mẹ cúi lom khom nhặt từng trái dồn lại chỗ tấm bạt đã trải sẵn, tôi được phép nhặt vài trái đã nứt vỏ, Bông gòn được dùng vào rất nhiều việc. Cái thuở còn thắp đèn dầu, có mấy nhà dùng cái que nhỏ, xỏ vào trái gòn, xoa xoa hai bàn tay để cái que xoắn tít, đầu que sẽ lôi ra khỏi vỏ một dây bông gòn. Gập hai đầu lại, xoắn một vòng nữa, nó sẽ thành cái tim đèn.

 

Mẹ tôi thu gom bông gòn xong, về đập vỏ, lấy phần bông trắng, loại bỏ những cái hạt đen như hạt đu đủ, rồi nhận vào ruột gối, thế là sẽ có những cái gối êm như nhung. Những chiếc gối mẹ tôi làm nổi tiếng cả một vùng. Rất êm, dày, mà không bị xẹp trong quá trình sử dụng. Sau mùa thu bông gòn, mẹ sẽ đèo trên xe đạp, đi bán khắp các chợ phiên vùng quê tôi.

 

Mùa bông gòn nở báo hiệu mùa ôn thi của học trò cũng đến. Thi xong, mùa bông gòn cũng hết sạch. Có lẽ ít người để ý đến điều này, chứ lũ học trò chúng tôi ngày xưa thường đi qua đoạn đường đầy bông gòn nên rất nhớ. Có lần con Hương vì mải nói chuyện, bông gòn bay theo gió, bỗng đáp vào miệng làm nó nhắm mắt ho sù sụ, loạng choạng rồi lao xe đạp xuống ao. Thế là tài liệu ôn thi tốt nghiệp ướt sũng, nó phải nhờ chúng tôi chép lại dùm.

 

Trái bông gòn còn xanh là vũ khí chiến đấu của bọn con trai. Một số đứa con gái khéo tay còn biết lấy bông gòn nhồi vào những con búp bê bằng vải xinh xắn.

 

Ngày nay, người ta không còn thắp đèn dầu, gối hơi cũng làm bằng sợi bông nhân tạo, nên chẳng thấy ai thu gom bông gòn nữa, mặc cho trái gòn già, tự nổ vỏ, bông gòn cứ thong thả bay bay theo gió nam. Bọn học trò cũng không còn quan tâm đến trò chơi bông gòn như chúng tôi hồi bé. Mùa thi đến với học trò ngày nay dường như căng thẳng hơn…

 

Tôi xuống xe, tìm nhặt một vài hạt bông gòn còn sót lại, với hy vọng sẽ có những cây gòn được tái sinh. Khi ấy, mùa bông gòn nở - mùa thi và những kỷ niệm ấu thơ trong tôi sẽ tiếp tục bay theo gió, miên viễn thành ký ức. 

 

LA XUÂN YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek