Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 284/QĐ-TTg về Ngày Sách Việt Nam. Cũng như nhiều ngày ý nghĩa khác trong năm, Ngày Sách Việt Nam được ghi vào lịch và trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư.
Năm nay là năm thứ 3 các tỉnh, thành thực hiện Ngày Sách Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách; tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản - in và phát hành sách, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa đọc ở Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm vào 21/4 (thế giới cũng có Ngày Sách, đó là ngày 23/4 hàng năm). Nói là ngày song thực tế trong 3 năm qua, một số địa phương đã phát động tháng đọc sách, tuần lễ sách, hội sách… Các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam thường diễn ra trong tuần chính, từ 19-23/4 hàng năm.
Ngày 26/3/2014, Bộ TT-TT, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản - in và phát hành, đã có Văn bản 892/KH-BTTTT về tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc. Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong xã hội là một yêu cầu vô cùng cần thiết, bởi sách là nguồn tri thức phong phú, sinh động. Ngày Sách Việt Nam thực sự trở thành ngày hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, nhi đồng.
Để Ngày Sách Việt Nam thực sự là ngày hội sách, Bộ TT-TT cũng đã đưa ra nhiều nội dung hoạt động mang tính định hướng như: tổ chức đường phố sách, trưng bày giới thiệu sản phẩm sách... Nhiều địa phương còn tổ chức hội chợ sách, trao giải thưởng cho sách hay, sách đẹp, quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, tặng sách cho các bưu điện văn hóa xã, phát động các tủ sách theo chuyên đề, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ… Nhiều địa phương đã làm tốt hoạt động này như TP Hồ Chí Minh (tổ chức 9 lần hội sách), Hà Nội (đã tổ chức lần thứ 4), Đà Nẵng (tổ chức lần thứ 3 với quy mô lớn). Tại Phú Yên, nhiều năm qua cũng đã tổ chức Ngày Sách Việt Nam tại Thư viện tỉnh, song quy mô nhỏ, các hoạt động chưa phong phú. Sự phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ, kinh phí chi cho hoạt động này còn ít và lượng bạn đọc chưa nhiều. Để trở thành “Ngày hội đọc sách” thì cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, và các cấp, ngành phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Nâng tầm văn hóa đọc lên một bước là nhiệm vụ không chỉ của một số ngành, mà phải là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Muốn xây dựng một xã hội tri thức, nền kinh tế phát triển, cần phải có kiến thức mà sách chính là nhịp cầu đưa ta đến chân trời tri thức của nhân loại. Trên địa bàn Phú Yên, với hàng ngàn học sinh, sinh viên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, hàng chục thư viện trường học cũng như các điểm bưu điện văn hóa xã phải là những nơi đi đầu trong việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam; đồng thời cần trang bị đầy đủ sách và cơ sở vật chất phục vụ việc đọc sách. Nhiều cá nhân, gia đình, dòng họ đã xây dựng được tủ sách; nhiều cơ quan, đơn vị đã có tủ sách pháp luật, song hiệu quả phục vụ còn thấp, còn mang tính hình thức. Vậy nhân Ngày Sách Việt Nam, hãy làm sống dậy những tri thức đã bị bụi thời gian che phủ. Lênin dạy: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không xây dựng được chủ nghĩa xã hội”.
HỮU BÌNH