Những ngày giáp Tết Bính Thân, tại làng Liên Trì (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) có một ông già lo chăm chút vườn mai hàng trăm chậu của mình để bán trong dịp tết đến. Ông già ấy cũng chính là người có hơn 20 năm tham gia đọc thơ trên đỉnh núi Nhạn mỗi độ xuân về.
HAI THẬP KỶ MANG THƠ LÊN NÚI NHẠN
Ở Phú Yên, đêm thơ Nguyên tiêu được hình thành từ đêm thơ xuân 1980 tại Thư viện Hải Phú. Lúc đó, những người trong ban tổ chức bàn bạc và thống nhất chọn ngày rằm tháng Giêng để tổ chức đêm thơ. Tuy nội dung đêm thơ chỉ điểm các bài thơ xuân được đăng trên báo, tạp chí ở Trung ương, địa phương và người ngâm là những “nghệ sĩ” nghiệp dư tại địa phương nhưng đêm thơ đã thành công rồi được duy trì hàng năm.
Đến năm 1991, đêm thơ được chuyển lên núi Nhạn - một địa điểm “chơi thơ” độc đáo không tỉnh nào sánh được. Từ đó, Hoàng Ngọc Anh là một trong những người được ban tổ chức chọn thơ và mời ông đọc thơ tại ngày hội này. Nhớ lại những ngày đầu có thơ được chọn đăng trong tuyển tập “Thơ Nguyên tiêu”, ông tâm sự: “Tôi rất vui và xúc động vì được ban tổ chức chọn thơ rồi mời đọc, ngâm thơ trong ngày hội này”. Thơ Hoàng Ngọc Anh nhẹ nhàng, đượm tình, chắt lọc ý lời. Giọng ông khỏe, trong nên thể hiện được thần thái, hồn cốt và chuyển được nội dung của bài thơ đến bạn yêu thơ nên được mọi người yêu thích. Chính vì thế, ông đứng đọc thơ bên chân tháp cổ trong đêm rằm tháng Giêng lồng lộng gió sông Chùa đã hơn 20 năm. Rồi tuổi tác ngày một cao, giọng vỡ khàn nên có những đêm thơ Nguyên tiêu, ông chưa vừa ý trong cách thể hiện của mình.
Ông Hoàng Ngọc Anh đã nhiều năm là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, có nhiều thơ in trên các báo, tuyển tập thơ và ông vẫn miệt mài sáng tác. Ông mong sao mình luôn khỏe để có thể tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật của địa phương.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Yên, thành viên Ban tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên nhiều năm qua, nhận xét: “Thơ Hoàng Ngọc Anh chất lượng. Anh cũng là một người có công xây đắp bề dày đêm thơ Nguyên tiêu. Chúng tôi trân trọng anh”.
ÔNG GIÀ TRỒNG MAI
Cây bút thơ Hoàng Ngọc Anh năm nay đã bước sang tuổi 65. Tuổi “nghề” làm thơ hơn nửa tuổi đời. Trước năm 1975, ông tốt nghiệp Ban Xã hội học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau đó, vì điều kiện gia đình mà ông không sống ở Sài Gòn, về quê Phú Yên phụng dưỡng cha mẹ già rồi làm nghề xây dựng. Nhà ở quê, sau khi làm tròn trách nhiệm của một người con, ông chuyển về TX Tuy Hòa sống cùng vợ và 3 đứa con. Cách đây hơn 15 năm, khi các con đã lớn, chi phí trang trải việc học của con ngày một cao buộc ông nghĩ cách làm thêm. Thế là ông đánh liều vay ngân hàng, ra Liên Trì mua 3 sào đất nông nghiệp trồng mai. Những năm đầu, ông vừa làm vừa học nghề nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cái khó đã qua, công việc trồng mai lại trở thành nghề chính từ đó đến nay. Hiện vườn mai của ông phát triển tốt, có nhiều chậu loại 12, 16 cánh, tạo thế đẹp được nhiều người ưa thích, được xem là một trong những vườn mai đẹp của tỉnh.
Với ông Anh, trồng mai trước là làm kinh tế nhưng cũng phải là người yêu cái đẹp mới làm được. Ông nói: “Muốn trồng và chơi mai, trước tiên mình phải biết yêu cái đẹp. Yêu cái đẹp mới làm ra cái đẹp và sau đó gửi đến mọi người cùng thưởng thức”. Với phương châm gối đầu, mỗi năm ông vô chậu khoảng 200 cây mai con, 3 năm sau, vườn mai nhà ông đã có gần 600 chậu, trong đó những chậu mai lứa đầu đã cho hoa. Cứ thế, sau 15 năm, số lượng mai của ông khá nhiều. Những ngày giáp tết, các con đều làm ăn ở xa, vợ chồng già ra vườn chăm mai, tỉa nụ, tưới nước, chờ mai hé nụ mang niềm vui về. “Mấy năm nay, mỗi năm tôi bán 100 chậu mai, thu được trên 50 triệu đồng, phần để chi tiêu, phần còn lại đắp vào nuôi cây mai nhỏ”, ông cho biết. Hiện tại vườn mai của ông có nhiều lứa, cây lớn nhất đã hơn 15 năm tuổi, cây đẹp có giá lên đến vài chục triệu đồng. Ông muốn cây mai phát triển như ý mình: “Cây mai có thể nở ngược mùa, theo ý mình bất kỳ thời điểm nào trong năm, để trưng trong các lễ hội, đám tiệc… Có như vậy mới làm giàu được”.
ĐÀO TẤN TRỰC