Tháng 9/2015, cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong cuộc thi này, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đoạt huy chương vàng toàn đoàn; một trong hai huy chương vàng tiết mục của chương trình là đơn ca Lê Mỹ Như với bài hát “Gió Tuy Hòa”. Cuộc thi với hàng chục ca khúc do các ca sĩ của hơn 20 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc thể hiện, nhưng có lẽ không quá lời khi nói “Gió Tuy Hòa” là tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất với ban giám khảo và khán giả Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh giọng ca nồng nàn, cách xử lý tinh tế của Lê Mỹ Như, nhạc sĩ Đức Trịnh (thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là người có công lớn khi đã đưa chất dân ca Chăm huyền hoặc vào để nhảy múa, bay lượn cùng ngọn gió cồn cào, nghiêng ngả rất riêng của vùng đất Phú Yên.
Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến nguồn gốc xuất xứ của bài hát. “Gió Tuy Hòa” là một bài thơ được in trong tập “Hương gió” của Trần Cao Trí, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Năm 2009, trong một chuyến đi làm việc tại Phú Yên, nhạc sĩ Đức Trịnh tình cờ đọc được bài thơ “Gió Tuy Hòa”. Sau khi đọc xong bài thơ, nhạc sĩ Đức Trịnh đã bắt tay ngay vào viết ca khúc “Gió Tuy Hòa” trên cơ sở phổ nhạc theo lời của bài thơ. “Trong bài thơ đã có nhạc, nên không khó để đưa nhạc vào thơ, hay nói cách khác là sự đồng điệu. Tôi rất thích bài thơ này”. Sau khi hoàn thành nhanh chóng tác phẩm, nhạc sĩ Đức Trịnh đã nói như vậy.
Giờ đây, ca khúc “Gió Tuy Hòa” đã được người yêu nhạc trong toàn quốc biết đến. “Gió Tuy Hòa” cũng là một trong những ca khúc mà Lê Mỹ Như hát phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức trong dịp cuối năm 2015. “Gió Tuy Hòa” đã chắp thêm đôi cánh cho ca sĩ Lê Mỹ Như được bay cao hơn trong bầu trời âm nhạc với chiếc huy chương vàng danh giá của một cuộc thi chuyên nghiệp. “Gió Tuy Hòa” cũng đã giúp cho nhạc sĩ Đức Trịnh trả được món nợ từ một lời hứa với người Phú Yên.
TẤN PHÁT