Năm 2015, Thư viện tỉnh Phú Yên đã thực hiện bước tiến mạnh mẽ trong việc triển khai hệ thống kho sách tự chọn: Bạn đọc trực tiếp chọn sách, thủ thư không tốn nhiều thời gian quản lý. Cùng với đó, việc xây dựng các điểm đọc sách mới tại các địa phương của Thư viện tỉnh đã góp phần gia tăng số lượng bạn đọc.
KHO SÁCH TỰ CHỌN VÀ ĐIỂM ĐỌC SÁCH
Năm 2015, Thư viện tỉnh thực hiện việc cho mượn sách bằng cách độc giả trực tiếp chọn sách trong kho thay vì viết tên đề mục ra giấy như trước đây. Phương pháp này đã tiết kiệm tối đa thời gian cho cả thủ thư và độc giả. Thủ thư không phải đi tìm sách. Độc giả tự mình xem xét đánh giá nội dung trước khi mượn, sau đó đem sách ra quầy để quét mã sách tự động. Chính thủ tục không rườm rà này đã khuyến khích độc giả, đặc biệt là học sinh tới thư viện. Trong năm 2015, Thư viện tỉnh thu hút hơn 100.000 lượt bạn đọc, đạt 112% kế hoạch đề ra.
Độc giả Hồ Hoàng Vy, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa), cho biết: “Đến Thư viện tỉnh em được thoải mái tìm sách mình yêu thích. Thủ tục mượn sách lại rất đơn giản nên tiết kiệm được thời gian”.
Trong năm 2015, Thư viện tỉnh còn hỗ trợ các đơn vị địa phương khai trương thêm bảy điểm đọc sách mới, vượt 350% kế hoạch đề ra. Các điểm đọc sách được khai trương chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện để người dân tiếp cận với tài liệu cần thiết, nhất là sách về nuôi trồng. Ông La Mo Đạt, đọc sách tại điểm đọc sách thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), chia sẻ: “Điểm đọc sách được đặt tại nhà văn hóa sinh hoạt thôn. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các buổi họp của thôn nên thuận tiện cho người dân đọc sách. Thanh niên cũng tổ chức sinh hoạt tại đây nên giúp các bạn trẻ tiếp cận và hình thành thói quen đọc sách”.
Với năm thư viện và bốn điểm đọc sách, huyện Phú Hòa là đơn vị đã đưa hệ thống thư viện tới từng xã. Ông Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Việc đưa sách về tận cơ sở đã làm tăng nhu cầu đọc sách trong người dân. Chính vì thế mà các thư viện và điểm đọc sách trên địa bàn huyện đều hoạt động hiệu quả”.
Áp dụng khoa học công nghệ, “tự động hóa” công tác quản lý thư viện và mở rộng hệ thống thư viện cơ sở là hai điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển phong trào đọc sách của ngành Thư viện trong năm qua.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẠN ĐỌC
Theo bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh, hiện chỉ có phòng sách mượn mới được lắp cổng từ an ninh. Cổng từ an ninh chống trộm giúp thủ thư tiết kiệm thời gian và nâng cao ý thức mượn sách của độc giả. Do nguồn kinh phí chưa thể đáp ứng, kho sách bạn đọc tại chỗ và kho sách dành cho thiếu nhi vẫn chưa thể trang bị hệ thống này. Đối với hệ thống thư viện, các điểm đọc sách ở tuyến cơ sở đang gặp khó khăn về nhân lực. Phần lớn cán bộ quản lý thư viện làm công tác kiêm nhiệm không lương dẫn đến tình trạng chưa nhiệt tình trong công tác phục vụ.
Xác định nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút bạn đọc là nhiệm vụ trọng tâm của Thư viện tỉnh trong thời gian tới, nên Thư viện tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác phục vụ bạn đọc, tư vấn tài liệu; giới thiệu phương thức kho sách tự chọn của thư viện đến với bạn đọc; tăng cường hơn nữa công tác tổ chức trưng bày triển lãm, tuyên truyền giới thiệu sách báo, tư liệu chào mừng các ngày lễ lớn, đặc biệt là hội báo xuân và ngày hội đọc sách. Thư viện tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra mạng lưới thư viện cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tăng cường luân chuyển tài liệu về các thư viện xã, tủ sách, điểm đọc sách nhằm phát triển vững chắc mạng lưới thư viện cơ sở.
Bà Phạm Thị Kim Anh cho biết thêm: “Năm 2016, Thư viện tỉnh ưu tiên nhóm bạn đọc là người khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính), thiếu nhi và người cao tuổi. Thư viện tỉnh cũng sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh luân chuyển tài liệu phục vụ các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm tạo thêm kênh thông tin, giải trí ở các điểm văn hóa cơ sở này. Ngoài ra, Thư viện tỉnh tiếp tục khảo sát tủ sách gia đình ở các địa phương để tăng cường hỗ trợ về nhân lực và tài liệu nhằm phục vụ tốt cho công tác bạn đọc tại cộng đồng”.
DIỆU ANH