“Tuyên ngôn Độc lập - giá trị dân tộc và thời đại” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng phối hợp tổ chức ngày 28/8. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Cách đây 70 năm, với lực lượng cách mạng đã được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lập ra chính quyền cách mạng trên toàn quốc. Sau khi cách mạng giành được thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới.
Với dung lượng 1.021 từ, bản Tuyên ngôn Độc lập đã nêu lên những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; đồng thời, lên án đanh thép tội ác của chế độ thực dân, phát xít ở Việt Nam, từ đó khẳng định lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc Việt Nam về quyền được hưởng tự do và độc lập. Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam và mang giá trị thời đại sâu sắc.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tham luận tập trung vào các chủ đề: Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc; Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc; Tuyên ngôn Độc lập - ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và chủ đề Tuyên ngôn Độc lập - kết tinh các giá trị nhân văn cao cả của dân tộc và nhân loại. Các ý kiến cho rằng Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khẳng định và kết tinh giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc từ bao đời; khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thểdân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải đểgiữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Cùng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻvang trong lịch sử Việt Nam, từ đó chấm dứt chính thểquân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa. Theo các nhà khoa học, ra đời đã 70 năm nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc... vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và cả loài người hết sức quan tâm. Tuyên ngôn Độc lập thực sự là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn Độc lập vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc.
* Cùng ngày, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng đã phối hợp khai mạc triển lãm “70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Với trên 200 ảnh và tài liệu, triển lãm giới thiệu khái quát về sự ra đời của nước Việt Nam mới; việc xây dựng, kiện toàn chính quyền các cấp và hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế và văn hóa, chăm lo đời sống của nhân dân; động viên, đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Triển lãm cũng giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong việc tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước ta đểthực sự trở thành Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; từng bước tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Theo TTXVN