CLB Nhạc cụ dân tộc do Đoàn phường 2 (TP Tuy Hòa) quản lý, đang dần trở thành sân chơi âm nhạc bổ ích, là môi trường phát triển niềm đam mê của bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc ở Phú Yên.
UBND phường 2 đã tạo các điều kiện về cơ sở vật chất để CLB Nhạc cụ dân tộc có điều kiện sinh hoạt. CLB Nhạc cụ dân tộc cũng là nhân tố góp phần quan trọng trong việc phát triển phong trào văn nghệ phường 2. Chúng tôi vui mừng vì sân chơi văn nghệ bổ ích này lại ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ đam mê, theo đuổi. (Ông Đặng Vũ Hỷ, Phó chủ tịch UBND phường 2) |
NHỮNG BUỔI BIỂU DIỄN THÚ VỊ
Công viên Diên Hồng (TP Tuy Hòa) vào buổi chiều đẹp trời, tiếng đàn hòa tiếng sáo tha thiết vang lên thu hút sự chú ý của nhiều người. Một số người chạy xe ngang qua, nghe tiếng đàn, tiếng nhạc, mỉm cười rồi chạy về phía trước. Những người tập thể dục trong công viên thấy tò mò, vây lại xem rồi say mê nghe nhạc. Thậm chí họ còn yêu cầu được nghe một bản nhạc mình vẫn hằng yêu thích. Không chỉ ở công viên Diên Hồng, cảnh tượng sống động ấy vẫn thường được bắt gặp ở quảng trường 1 Tháng 4 hay trong một quán cà phê có sân vườn đủ rộng. Đó là những không gian luyện tập quen thuộc của CLB Nhạc cụ dân tộc.
Không dừng ở việc tập luyện, hiện CLB Nhạc cụ dân tộc còn có những buổi giao lưu đầy ý nghĩa ở nhiều đơn vị. Trước tiên là tại phường 2, CLB đã trở thành “đơn vị nghệ thuật” biểu diễn trong tất cả các dịp lễ lớn của phường. Ngoài ra, CLB còn biểu diễn giao lưu ở nhiều đơn vị như: Trung đoàn Bộ binh 888 và Tiểu đoàn Bộ binh 85 (thuộc trung đoàn này), chương trình từ thiện Đèn đom đóm và giao lưu văn nghệ tại các trường học trên địa bàn tỉnh…
Tiền thân là một nhóm chơi sáo trong nhà trường, CLB Nhạc cụ dân tộc chính thức được thành lập vào năm 2013 do Đoàn Thanh niên phường 2 quản lý. Hiện CLB có hơn 50 thành viên tham gia duy trì sinh hoạt bằng cách chia sẻ các video chơi nhạc cụ, các bài viết mang tính học thuật và trao đổi lẫn nhau qua mạng xã hội. Vào dịp cuối tuần, hội viên luyện tập tại cơ sở hoạt động thanh thiếu niên phường 2 hoặc các địa điểm phù hợp khác do các thành viên thỏa thuận từ trước.
Sở dĩ CLB Nhạc cụ dân tộc có thể duy trì sinh hoạt và ngày càng phát triển là nhờ vào Nguyễn Hoàng Thùy Liên, chủ nhiệm CLB này. Cô gái trẻ Nguyễn Hoàng Thùy Liên mới 27 tuổi nhưng đã có 16 năm miệt mài với nhạc cụ. Đàn tranh, sáo trúc, sáo mèo, tiêu…, Liên đều chơi tốt. Ngoài khả năng chơi nhạc cụ giỏi, Thùy Liên còn là một “thủ lĩnh” đầy nhiệt huyết với việc phát triển niềm đam mê nhạc cụ trong giới trẻ. Thùy Liên chia sẻ: “Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ tôi là nghệ sĩ đàn tranh Hoàng Hường (Trung tâm Văn hóa tỉnh Phú Yên). Từ nhỏ, tôi đã được sống trong cái nôi âm nhạc và được học nhạc. Hiện nay, với vai trò là cán bộ Đoàn phường 2, tôi lại có cơ duyên gặp gỡ và tập hợp các bạn yêu nhạc cụ dân tộc sinh hoạt tại CLB nên tôi luôn cố gắng truyền nhiệt huyết và niềm đam mê chơi nhạc cụ dân tộc cho các bạn trẻ”.
ƯỚC MƠ CHƠI NHẠC CHUYÊN NGHIỆP
Nguyễn Kiều Khánh, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, hiện là thành viên tích cực tham gia sinh hoạt tại CLB Nhạc cụ dân tộc. Khánh đam mê chơi các loại sáo như: sáo mèo, sáo trúc và tiêu. Anh chia sẻ: “Tôi muốn tự làm được một cây sáo chuẩn âm nên đã lặn lội lên tận vùng núi Sơn Hòa hỏi thăm, một mình vào rừng tìm nơi lấy trúc. Sau đó, tôi miệt mài làm sáo; làm hỏng, làm lại, làm chưa ưng ý, làm lại, đến nay tôi đã sở hữu cây sáo ưng ý”. Không chỉ chú tâm đến niềm đam mê của mình, Khánh còn truyền đam mê và phát triển phong trào chơi sáo tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa - quê hương của Khánh.
Còn thành viên Lê Chí Nguyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tôi đã bị tiếng sáo mê hoặc lại có duyên sinh hoạt và phát triển niềm đam mê tại CLB. Từ môi trường này, tôi ước mơ sau này được chơi nhạc chuyên nghiệp”.
Hiện nay, các tiết mục trình diễn của nhóm ngoài độc tấu còn có hòa tấu đàn tranh, sáo. Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ dân tộc, Thùy Liên cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng “chiêu mộ” thêm các bạn chơi đàn cò, đàn nhị… tham gia sinh hoạt CLB. Khi có nhiều bạn yêu mến nhạc cụ dân tộc vào nhóm, chắc chắn chúng tôi sẽ có những tiết mục hòa tấu nghệ thuật đặc sắc hơn. Cơ hội được khán giả đón nhận sẽ cao hơn. Chúng tôi rất hy vọng CLB sẽ là nơi truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc đến với khán giả yêu nhạc”.
DIỆU ANH