Thứ Sáu, 24/01/2025 07:20 SA
GS-TS Trần Văn Khê từ trần
Thứ Năm, 25/06/2015 09:51 SA

Cố GS-TS Trần Văn Khê

GS-TS Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2 giờ 55 ngày 24/6 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 94 tuổi.

  

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cho biết nhiều ngày qua GS-TS Trần Văn Khê có dấu hiệu hồi tỉnh, thầy nhận biết các con cháu và học trò nhưng không nói chuyện được.

 

“Vì tuổi cao lại mắc phải nhiều bệnh nội khoa do bệnh tiểu đường gây biến chứng khiến tim, phổi, thận của thầy đều bị thương tổn. Tôi và mẹ tôi - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan xúc động khi vào thăm thầy. Trong những ngày nằm viện, các bác sĩ Khoa Hồi sức đặc biệt, điều trị cách ly Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã chăm sóc thầy Khê rất chu đáo”, nghệ sĩ Hải Phượng cho biết.

 

Chị Nguyễn Thị Na - người đã tận tình chăm sóc GS-TS Trần Văn Khê suốt 10 năm qua, khóc: “Thầy còn nhiều hoài bão chưa làm, mà nay đã ra đi”.

 

Theo bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông - GS-TS Trần Quang Hải. Tuy nhiên ông Hải đã về lại Pháp vì công việc quan trọng cách đây vài ngày.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết gia đình sẽ làm lễ phát tang cho GS-TS Trần Văn Khê vào 10 giờ sáng 26/6. Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ ngày 26 đến hết đêm 28/6. “Đám tang của thầy Khê sẽ được tổ chức tại nhà của thầy ở số 32 đường Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh trong ba ngày chứ không phải 7 đến 10 ngày như một số cơ quan truyền thông đã đưa tin”, nghệ sĩ Hải Phượng cho biết.

 

Dù không theo một tôn giáo nào nhưng GS-TS Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu của GS-TS Trần Văn Khê và các môn sinh, trong đó chủ yếu là CLB Tiếng hát quê hương - Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.

 

Cũng theo nghệ sĩ Hải Phượng, chi phí tang lễ sẽ được sử dụng từ tiền mặt của giáo sư và trích từ sổ tiết kiệm của ông tại Việt Nam. Ngoài ra, ông mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hàng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 

GS Vĩnh Bảo đã từng nói, ngôi nhà GS-TS Trần Văn Khê sinh sống khi ông còn sống tại Việt Nam sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Những tâm hồn đồng điệu sẽ có dịp lui tới để nhớ về ông - người bạn, người có tâm hồn yêu âm nhạc dân tộc và làm rạng danh âm nhạc Việt.

 

GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.

 

Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ Khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.

 

Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.

 

Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25/5, trước khi giáo sư ngã bệnh.

 

Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.

 

Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của những người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.

 

BTV (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek