Những cung đường “nát bem, náo loạn”, những sự kiện đòi hỏi tác nghiệp quên ăn. Mỗi ngày làm báo như đời ngựa rong ruổi giữa chốn hồng trần…
Nhà báo Hùng Phiên tác nghiệp tại hiện trường vụ lũ quét ở khu vực núi Hòn Chúa - Mũi Thuyền (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) năm 2013 - Ảnh: Y.LAN |
Một trường trải nghiệm khi tôi về Báo Nông thôn Ngày nay, nhận chân phóng viên thường trú hai tỉnh xứ Nẫu là Phú Yên - Bình Định. Hai tỉnh Nam Trung Bộ này có nhiều nét tương đồng, nhất là về giọng nói, chữ “ôi” thành “âu”. Nhiều anh em ở xa, chẳng biết tỉnh nào “Nẫu” hơn, tranh luận một hồi rồi thống nhất: tỉnh nào cũng Nẫu cả, bắc Nẫu là Bình Định, nam Nẫu là Phú Yên…
Nhà ở Tuy Hòa nên tôi phải thường xuyên lại qua chặng đường trên trăm cây số giữa hai tỉnh xứ Nẫu yêu thương. Ở miền Tây, phóng viên thường trú có thể phụ trách địa bàn vài tỉnh khỏe re, còn đất miền Trung dằng dặc, lắm đèo nhiều dốc, “quản” một tỉnh đã bở hơi tai, huống hồ… cả xứ Nẫu! Một mình một xe đôi khi thấy buồn, mà cảnh vật hai bên đường thì quá đẹp, những con người sắp gặp thì quá tuyệt, nhiệm vụ lại canh cánh trong lòng…
Chạy xe máy kèm túi đồ nghề, quần áo bó chặt, chợt ví mình như một kiếm sĩ trên lưng ngựa, vậy là hào hứng bon bon. Cung quốc lộ 1 bề bộn công trình, mà xe cộ thường không coi người đi xe máy là cái… lá gì! Nhủ lòng, phải luôn giữ tỉnh táo để lái xe mà về viết bài. Thế nhưng cũng lắm đận dở khóc dở cười, bởi những cuộc hội ngộ chí tình. Lại phải gửi “ngựa”, bắt xe khách cho tăng độ an toàn. Cũng không ít lần phải một mình căng mắt chạy xe máy trong đêm, giữa tưng bừng náo loạn các loại xe chen chúc trên đường. Nhất là vào mùa tết, người xe như nước, quốc lộ 1 oằn mình với những ổ gà, ổ voi…
Nếu làm nghề khác, tần suất đi lại của tôi sẽ không dày như thế. Nghề phóng viên không thể không đi. Đôi khi, nỗi lo tai nạn xe cộ chỉ là thứ yếu, sự phòng bị “đối trọng chơi ngẵng” luôn căng thẳng hơn nhiều, ví như khi mình vừa điều tra bóc trần một vụ nào đó…
May, nhiệm vụ thường trú thường đa dạng đề tài, trong đó những câu chuyện xung quanh con ngựa xứ Nẫu là điều hết sức hấp dẫn đối với tôi. Còn nhớ, hội đua ngựa Gò Thì Thùng mùng 9 tháng Giêng ở xã An Xuân (huyện Tuy An). Anh em cưỡi xe máy cứ rì rì ghì tay lái ngước lên, ngước lên, cho đến khi chạm mặt bình nguyên. Đêm uống rượu ở nhà anh bạn là dân địa phương, câu chuyện về ngựa thồ, ngựa chiến cứ tiếp nối không thôi. Truyền thống nuôi và sử dụng ngựa một thời, giờ vẫn còn duy trì nơi đây. Dẫu đã bị xe cộ “thế vai” khá nhiều nhưng ngựa thồ vẫn còn đắc dụng trên những chặng đường núi cao ngất, khúc khuỷu suối khe. Sản vật được lưu chuyển ngược xuôi, “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” vẫn lặc lè trên lưng những đoàn ngựa thồ.
Tuy An cũng chính là vùng hậu cứ cung cấp ngựa cho nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó dễ thấy nhất là khởi nghĩa Tây Sơn. Những thành công rạng rỡ luôn gắn với vó ngựa trường chinh. Kể cả khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ngựa cùng dân binh trở lại nhà, vùng cao nguyên An Xuân giờ vẫn còn in bóng dáng quân tướng một thời trôi dạt lánh nạn. Vẫn còn đó địa danh Phú Xuân được đặt cho cái hồ lớn trên đất này, như nhắc nhớ một thời anh em nhà Tây Sơn đóng đô ở kinh thành Huế…
An Xuân rộn ràng vó ngựa xuân giữa cái lạnh non ngàn ở vùng nhiệt đới. Từng đoàn người ngựa tụ về hội đua, hò reo vang trời. Chụp ảnh ngựa đua, tôi đã bị “trắng sản phẩm” đôi lần bởi thiếu kinh nghiệm cầm máy, cứ để chế độ bình thường mà “tương”. Sau nhờ mấy phóng viên ảnh chỉ dạy, tôi mới có vài bức ảnh ưng ý.
Xuống vùng bán sơn địa Tuy An, vẫn vang lời mẹ ru: “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/ Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/ Cô về chẳng lẽ về không/ Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/ Ngựa ô đi tới Quán Cau/ Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều”. Bảng lảng không khí vừa kiêu sang, vừa quen thuộc một thuở ngựa xe qua núi, qua đèo thời trấn biên. Địa danh Quán Cau bây giờ đặt cho con đèo trên quốc lộ 1, nhìn xuống thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan; Gò Điều giờ thuộc xã An Hòa (huyện Tuy An). Đây vẫn là vùng nuôi ngựa nổi tiếng trên đất miền Trung. Thỉnh thoảng, những chiếc xe thổ mộ gõ móng lóc cóc trên đường cái quan…
Nhắc chuyện ngựa, lại thêm thấm thía một điều: Càng rong ruổi sẽ càng lên tay nghề báo, và còn chức phận phóng viên thường trú là còn để lắng nghe nhịp thở văn hóa của mỗi vùng đất…
HÙNG PHIÊN