Thứ Sáu, 24/01/2025 13:56 CH
Ngọt ngào giọng hát dân ca
Thứ Ba, 16/06/2015 14:00 CH

Trầm Huyền Trang trên sân khấu giải Sao Mai 2011 - Ảnh: CTV

Lớn lên bên lũy tre xanh và cánh đồng dạt dào hương lúa, cô gái trẻ ấy tha thiết yêu những câu hò điệu lý man mác tình quê. Và từ sân khấu có phần mộc mạc ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), cô gái trẻ bước lên các sân khấu rực rỡ, ru lòng người bằng những giọng dân ca ngọt ngào.

 

Nghệ nhân Bình Thảng - Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca bài chòi huyện Đông Hòa, cho biết: “Trầm Huyền Trang cảm âm rất tốt, dạy đến đâu hiểu đến đó. Cô gái trẻ này biết vượt lên khó khăn, sống tự lập và rất cần kiệm”.

Bốn năm trước, những ai theo dõi đêm chung kết giải Sao Mai Phú Yên hẳn đều ấn tượng với cô gái trẻ hát Câu đợi câu chờ - một ca khúc thấm đẫm chất dân ca của nhạc sĩ Ngọc Thịnh. Cô gái ấy không “mình hạc xương mai”, thậm chí vóc dáng hơi tròn, nhưng giọng hát thì ngọt ngào quá đỗi! Đó là “chất” ngọt ngào trời phú, rất tự nhiên, chưa được trui rèn bởi trường lớp, kỹ thuật nên vẫn còn thuần phác. Trên sân khấu Sao Mai, tiếng hát ngân lên da diết: “…Nay anh trở về bên dòng sông La/ Con đò vẫn nguyên dòng sông còn đó/ Câu hò quê mình mộc mạc mà thương/ Ngày xưa anh mang đi khắp nẻo đường/ Câu hò ví dặm… anh thương trọn đời/ Cay gừng mặn muối đừng quên… hỡi người”.

 

Cô gái có giọng hát ngọt ngào đó là Trầm Huyền Trang - người lớn lên bên ruộng đồng cùng niềm đam mê văn nghệ. Cô đoạt giải nhì Sao Mai Phú Yên năm 2011.

 

“Tôi thích dân ca từ nhỏ, lúc mới học lớp 2, lớp 3. Ngày ngày đi học về, tôi bật máy nghe các cô, các chú hát dân ca rồi bắt chước hát theo”, Trầm Huyền Trang vui vẻ kể. Hóa ra, một khi có niềm đam mê thì người ta có thể bước lên sân khấu từ những “lớp học” đơn giản như thế.

 

Trầm Huyền Trang là con út trong một gia đình nông dân có bốn người con, sống bầu bạn với ruộng đồng. Cha Huyền Trang được trời phú cho chất giọng và niềm đam mê ca hát, từng có thời gian gắn bó với Đoàn cải lương Hoa Biển ở Hòa Bình. Có lẽ Huyền Trang được thừa hưởng “gen” ca hát từ cha.

 

Cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nuôi dưỡng niềm đam mê một cách bài bản, Trầm Huyền Trang đưa những câu hát điệu hò xao xuyến tình quê đến với người dân Tây Hòa qua các liên hoan văn nghệ ở địa phương. Điều thú vị là trong khi đa phần các bạn trẻ hào hứng với dòng nhạc thịnh hành thì Trầm Huyền Trang vẫn mê đắm dân ca và những ca khúc mang âm hưởng dân ca.

 

Năm 2009, sau khi Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên khởi động giải Sao Mai, Trầm Huyền Trang đăng ký dự thi. Sân chơi này hoàn toàn không giống với các liên hoan văn nghệ ở Tây Hòa, và giọng ca sinh năm 1988 chưa có kinh nghiệm thi thố. Trong đêm chung kết giải Sao Mai năm đó, Trầm Huyền Trang dừng lại ở giải khuyến khích.

 

Hai năm sau, Trầm Huyền Trang tiếp tục tham gia sân chơi này và đoạt giải nhì Sao Mai Phú Yên. Cùng Sô Chăm Huy - giọng ca đoạt giải nhất, cô được chọn để tranh tài ở vòng chung kết giải Sao Mai 2011 khu vực miền Trung - Tây Nguyên, diễn ra tại TP Đà Nẵng năm đó. Trong khi Sô Chăm Huy đăng ký ba bài hát theo phong cách nhạc nhẹ thì Trầm Huyền Trang đăng ký ba bài hát theo phong cách dân gian: Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo), Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh) và Vỗ bến lam chiều (Trần Hoàn). Rất tiếc là tại sân chơi khu vực, giọng ca chân quê, thuần phác của Trầm Huyền Trang không thể vượt qua các thí sinh được đào tạo bài bản về thanh nhạc để có mặt ở vòng chung kết toàn quốc. Cô gái trẻ chỉ có thể gởi gắm tình yêu dân ca vào những câu hát ngọt ngào, bằng giọng hát bản năng, mộc mạc của mình. Và giải Sao Mai 2011 khu vực miền Trung - Tây Nguyên trở thành kỷ niệm khó quên, khi lần đầu tiên cô thôn nữ ở vùng quê Hòa Bình bước lên sân khấu lớn.

 

Trở về bên ruộng đồng, Trầm Huyền Trang tiếp tục góp mặt trong phong trào văn nghệ ở địa phương. Năm 2012, cô gái trẻ tham gia biểu diễn ca kịch tại một sân chơi của bộ đội biên phòng. Giọng hát truyền cảm của cô được nghệ nhân Bình Thảng, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca bài chòi huyện Đông Hòa, chú ý. “Tôi tham gia CLB và được chú Bảy Thảng tận tình chỉ dạy cách thể hiện các làn điệu dân ca, đặc biệt là cách hát dân ca bài chòi”, Trầm Huyền Trang chia sẻ. Năm sau, cô gái trẻ không ngần ngại thử sức mình tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ nhất, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức. “Tôi tham gia liên hoan vì thấy đây là sân chơi bổ ích. Đến đây, tôi được giao lưu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức về dân ca của quê hương mình”, Trầm Huyền Trang thổ lộ. Giải ba của liên hoan có thể xem là sự khích lệ đối với cô gái trẻ mê dân ca bài chòi.

 

Rời các cuộc thi, Trầm Huyền Trang vẫn là cô thôn nữ mộc mạc bên ruộng đồng Tây Hòa, vẫn làm MC đám cưới, tham gia các hoạt động văn nghệ ở xã, ở huyện và vẫn chung thủy với tình yêu dân ca.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek