Thứ Sáu, 24/01/2025 16:39 CH
Đề tài người lính từ một cuộc thi văn học
Chủ Nhật, 14/06/2015 14:39 CH

Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng vũ trang Phú Yên (12/6/1945-12/6/2015), Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang Phú Yên.

 

Ban tổ chức cuộc thi trao giải nhất cho tác giả đoạt giải - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Sau gần 5 tháng phát động (từ ngày 23/12/2014 đến 30/4/2015), cuộc thi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của 82 tác giả trong và ngoài lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh với trên 100 tác phẩm dự thi và hưởng ứng cuộc thi; có nhà văn, nhà thơ, cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh; có giáo viên, sinh viên, học sinh tạo nên các tác phẩm văn học với nội dung phong phú và sinh động.

 

Cuộc thi nhằm phản ánh truyền thống đấu tranh cách mạng, thể hiện đậm nét hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” của cán bộ chiến sĩ bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong hai cuộc kháng chiến trước đây, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trong các hoạt động, cuộc sống đời thường gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tạp chí Văn nghệ Phú Yên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là người bạn đồng hành trong suốt cuộc thi, đã chuyển tải hầu hết những tác phẩm qua vòng sơ khảo và tiếp tục đăng trong số tới nhằm phục vụ bạn đọc cùng các tác giả quan tâm theo dõi cuộc thi. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của Ban giám khảo, Ban tổ chức đã chọn trao 10 giải về thơ, 10 giải về văn xuôi, bút ký, ghi chép cho 17 tác giả có tác phẩm xuất sắc.

 

Hầu hết các tác phẩm đoạt giải đã khắc họa rõ nét, sinh động hình ảnh người lính Cụ Hồ trong chiến tranh cũng như trong thời bình, với cuộc sống đời thường giản dị, khiêm tốn và luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán; những người lính Cụ Hồ với hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và luôn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Cuộc chiến tranh đã đi qua từ lâu, hòa bình lập lại trên đất nước ta tròn 40 năm nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn đọng lại. Chúng ta trân trọng quá khứ và nhìn về tương lai để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Ở mảng văn xuôi, truyện ngắn Hoa bằng lăng tím của nhà báo Phan Thế Hữu Toàn viết về người lính đi qua cuộc chiến thật trong sáng, giản dị; hoài niệm chiến tranh đã làm cho người lính trăn trở với đồng đội năm xưa và có những nghĩa cử đậm tình người. Nội dung cốt truyện thì ta thấy nhiều, nhưng cách xử lý tình huống mà tác giả đặt ra đầu và kết truyện thật cảm động, hợp lý từng chi tiết gợi cho người đọc sự bâng khuâng, day dứt. Truyện ngắn Một trận chống càn của tác giả Nguyễn Văn Viễn, hay Về làng của Nguyễn Ngọc Thạnh đầy hoài niệm cùng sự tàn khốc của chiến tranh mà người lính phải đối mặt, song song đó là sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Truyện đan cài nhiều chi tiết, và hay nhất là trong anh hùng ca này có một tình ca thật đẹp. Với hai tác giả trẻ Nguyễn Thị Bích Nhàn và Mộc Miên, thì Bộ đồ cũ của ba hay Giọt ngọc trời ban đều đi thẳng vấn đề và xử lý vấn đề hợp lý; tình cảm của một cựu binh và tình cảm của một người lính đương thời đều đẹp, đáng trân trọng.

 

Ở mảng bút ký và ghi chép, các tác phẩm hầu như đều nghiêng về cuộc đời của những cựu binh, trong chiến tranh thì rất anh hùng và trong thời bình cũng vô cùng trong sáng, vượt qua bao hoàn cảnh. Tác giả Trịnh Văn Đạt viết về cựu binh Đào Khắc Nhạn ở Đông Hòa, Nguyễn Thị Kim Phượng ghi lại hình ảnh cựu binh Lê Hoa Sen ở TP Tuy Hòa, Phan Thế Hữu Toàn viết về người anh hùng của tàu Không số Hồ Đắc Thạnh, Nguyễn Đắc Tấn viết về cựu chiến binh Nguyễn Văn Thơ… Có thể nói, mỗi trang viết là một trang đời rất đẹp dành cho những người lính Cụ Hồ một thời và mãi mãi.

 

Ở phần thơ, các tác giả dự thi rất đông và nhiều bài được qua vòng sơ khảo, độ chênh lệch điểm không cao nhưng giải thưởng thì có hạn. Tác giả Võ Ngọc Quang Huy với bài thơ Trăng tuổi hai mươi vô cùng da diết, viết về hai thế hệ cha con đều là lính Cụ Hồ: “Trăng Trường Sơn/ Tuổi hai mươi thuở ấy/ Cha mũ tai bèo xanh lá… Trăng Trường Sơn/ Tuổi hai mươi hôm nay/ Con tiếp bước mùa xuân rộng mở…”. Tác giả Vũ Trung Uyên thì đau đáu tự sự về những anh hùng liệt sĩ trong bài Viếng mộ anh hùng: “Anh không chết - đã thành ngọn lửa/ Nên mồ anh là một khoảng trời xanh”. Họ vẫn sống trong trái tim đồng đội, trong lòng đất nước. Tác giả nữ trẻ Phan Thị Hà Tuyên đang là sinh viên, có bài Băng con nước cả viết về những người lính trong vùng lũ với dân, bên dân. Bài thơ này có những hình ảnh thật sinh động về người lính hôm nay - một hình ảnh cao đẹp mà không cần sự tôn vinh: “Trong làng xóm kia/ Không có huy chương/ Không có sự tranh giành thành tích/ Chú bộ đội băng về phía trước/ Vì lẽ giản đơn/ Máu chảy ruột mềm/ Lai láng/ Thẳm sâu”. Đây là bài thơ tạo nên sự rung động không chỉ ở người lính mà còn ở các tầng lớp nhân dân.

 

Không thể nói hết, ghi hết về cuộc thi với rất nhiều tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Ta thấy các tác giả quen thuộc đã từng góp mặt trong nhiều cuộc thi và cũng đã có mặt lần này: Lê Văn Hảo, Lê Anh, Nguyễn Văn Cư, Quang Ngự, Xuân Sinh, Y Nguyên, Đỗ Nhất Trí, Thu Hồng, Ngô Sao Kim, Lê Đình Tâm, Nguyễn Bá Thuyết… làm cho cuộc thi thêm khởi sắc.

 

Trong cuộc thi lần này có một số cây bút mới, lần đầu tham gia và đạt kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn sẽ góp phần vào sự phát triển của nền văn học tỉnh nhà và hòa vào dòng chảy chung của văn học đất nước.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek