Biết hát bài chòi từ lúc mới 6 tuổi, có 20 năm gắn bó cùng Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V trên đất Bắc và đồng hành với nghệ thuật bài chòi suốt 74 năm qua, có thể nói nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm đã dành cả cuộc đời mình cho loại hình nghệ thuật này.
Nếu như thời trẻ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm ghi dấu ấn bằng những vai diễn: Hồ Tôn Hiến (Kiều), Tương Tử (Thoại Khanh - Châu Tuấn), Lê Duy Hiên (Nguyễn Huệ), già Liêu (Tiếng sấm Tây Nguyên)… trên sân khấu miền Bắc thì sau khi trở về quê hương và tham gia xây dựng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, ông vừa làm quản lý vừa say mê sáng tác, dàn dựng các vở diễn. Bên cạnh đó, ông còn cho ra đời những công trình nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn trong kịch hát bài chòi. Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với nhà nghiên cứu sân khấu bài chòi - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm chung quanh việc cây đàn nguyệt đến với bài chòi và cách thức gìn giữ dân ca cổ nhạc.
* Ông từng nói, với bài chòi, cây đàn nhị như một người vợ thủy chung. Vậy còn đàn nguyệt - một nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt - thì sao thưa ông?
- Đối với dân ca bài chòi, đàn nhị như một người vợ thủy chung, còn đàn nguyệt là người hàng xóm số 1. Nếu dân ca bài chòi không có đàn nhị thì không còn gì, nhưng nếu chỉ có đàn nhị mà không có đàn nguyệt thì ta nghe vẫn còn thấy thiếu, hay thì hay đấy, nhưng chưa tạo nên những sắc tố đẹp cho tác phẩm. Tiếng đàn nguyệt mượt mà nhờ ngón nhấn, khỏe khắn nhờ ngón gảy, vui nhờ ngón vê… Tính năng của đàn nguyệt khá phong phú. Tiếng đàn nguyệt không quấn quýt như đàn nhị nhưng về sự hỗ trợ thì đàn nguyệt hết sức quan trọng.
Trước đây, đệm cho bài chòi có đàn nhị chứ không có đàn nguyệt. Dân mộ điệu bài chòi ngày xưa có câu: “Hai tay ôm chiếu lên rồi/ Không có đàn nhị đành thôi ở nhà”. Đàn nguyệt khác với đàn nhị, chơi rất tài tử, chơi theo bài…
Năm 1954, các nghệ nhân bài chòi ở Liên khu V tập kết ra Bắc, gia nhập vào Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V do Bộ Văn hóa thành lập. Lúc bấy giờ, muốn đưa bài chòi phát triển thành nghệ thuật sân khấu mang tính độc lập, góp với bài chòi là các điệu dân ca Nam Trung Bộ như lý thương nhau, lý năm canh, lý tang tít… trở thành những bản nhạc nhỏ, thì cần có tiếng đàn nguyệt. Bác Cung Nghinh (cố nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Cung Nghinh, người Bình Định, thành viên Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V - PV) ở đoàn tôi là người có công đưa đàn nguyệt vào bài chòi, khi vở ca kịch bài chòi Thoại Khanh - Châu Tuấn ra đời vào năm 1955, cách đây 60 năm. Bác Cung Nghinh sáng tác những bản nhạc trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn. Nói đến việc đưa đàn nguyệt vào bài chòi là nói đến bác Cung Nghinh. Người học trò cưng của bác Cung Nghinh là nhạc sĩ Đinh Văn Nhân, chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.
* Việc gìn giữ dân ca cổ nhạc như cách ta đang làm hiện nay có phát huy hiệu quả, thưa ông?
- Phát huy hay không phụ thuộc nhiều vào những người quản lý. Nếu những người quản lý yêu dân ca cổ nhạc thì quan tâm đến việc đào tạo, đưa nhiệm vụ đào tạo lên hàng đầu. Nếu không quan tâm đến việc đào tạo thì sẽ không có lớp kế cận.
* Theo ông, lớp trẻ có hào hứng, tâm huyết với dân ca cổ nhạc?
- Với cuộc sống hiện nay, lớp trẻ yêu và gắn bó với dân ca cổ nhạc rồi sống như thế nào, sống bằng cái gì, xin thưa tôi không dám trả lời. Làm nghệ thuật thì phải có tình yêu, nhưng đời sống của họ cũng phải được bảo đảm. Nhưng cuộc sống của các nghệ sĩ, nghệ nhân dân ca cổ nhạc hiện nay vất vả quá. Đó là điều mà tôi trăn trở.
* Quả thật, nếu các nghệ sĩ, nghệ nhân dân ca cổ nhạc sống chật vật thì lớp trẻ nhìn vào, dẫu có yêu thích cũng sẽ ngại gắn bó với dân ca cổ nhạc.
- Đó là một thực tế. Ta quay lại với thời kỳ trước. Đời sống của nghệ sĩ ngày trước càng khó khăn vất vả, vậy thì tại sao tài năng lại xuất hiện nhiều như vậy? Cho nên tác động về kinh tế cũng là một phần, nhưng muốn phát triển được thì phải làm sao để các cháu yêu thích dân ca cổ nhạc. Phải yêu, phải làm bằng cái tâm thì mới có khả năng phát triển được. Nếu thiếu tình yêu, thiếu niềm say mê thì cũng như không. Vì vậy phải làm sao để cải thiện đời sống và nuôi dưỡng tình yêu dân ca cổ nhạc trong lớp trẻ. Trước hết là các cháu biết hát, biết yêu dân ca. Và tôi nhắc lại một lần nữa: Nếu không đào tạo nhạc dân tộc thì xin thưa sẽ không có gì hết. Nếu không có nhạc dân ca bài chòi thì sẽ không có dân ca bài chòi; không có nhạc tuồng thì sẽ không có tuồng; không có nhạc chèo thì sẽ không có chèo. Cho nên đã nói đến kịch hát dân tộc thì trước hết phải có âm nhạc chỉ lối cho soạn giả, âm nhạc chỉ lối cho đạo diễn, âm nhạc chỉ lối cho diễn xuất, âm nhạc chỉ lối cho mỹ thuật…
* Xin cảm ơn ông!
YÊN LAN (thực hiện)