Thứ Năm, 03/10/2024 16:16 CH
Những triển vọng Sao Mai 2007
Thứ Sáu, 15/06/2007 15:38 CH

Sao Mai 2007 đang dồn sức cho chặng đua cuối cùng. Dù chưa có ngôi sao nào lấp lánh, nhưng cũng đã “ló dạng” những triển vọng thành sao.

Cả ba khu vực, chỉ duy nhất miền Nam lấy được có 8 thí sinh vào chung kết toàn quốc, mỗi miền còn lại chia nhau 9 giọng ca trẻ vào tranh tài. Nhìn tổng thể, Sao Mai 2007 sẽ ở dạng “so bó đũa chọn cột cờ” bởi chưa nhìn thấy những giọng ca “kiểu” Trọng Tấn hay Ngọc Khuê của những mùa Sao Mai trước.

070615- chung ket Sao Mai.jpg
Chung kết Sao mai 2007 khu vực phía Nam

Trong tình trạng có quá nhiều cuộc thi hát trong một năm thì việc tìm thấy một “ngôi sao” sáng thật sự đúng nghĩa quả là khó khăn. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ “vạch lá tìm sao” thì Sao Mai 2007 cũng “lấp ló” vài gương mặt đáng để người ta kỳ vọng.

Những ’’tay ngang’’ đáng yêu

Gọi họ là những kẻ “tay ngang” bởi những giọng hát này không hề học một trường lớp thanh nhạc nào. Hoàng Thị Thuỳ Dung đang theo học chuyên ngành Event Manager tại Học viện Việt nam Marcom (TP Hồ Chí Minh), Phạm Hà Linh là sinh viên Học viện quan hệ quốc tế Hà Nội.

Trong đêm chung kết khu vực miền Nam, thí sinh được đánh giá cao nhất ở phần biểu diễn là Nguyễn Ngọc Thuỷ Tiên, nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy rằng, Hoàng Thị Thuỳ Dung mới chính là thí sinh mang nhiều “ẩn số” khó đoán nhất, và cô có thể sẽ là “kẻ phá bĩnh” các bảng xếp hạng, những dự đoán cũng như sự cân nhắc của ban giám khảo.

070615- Thuy dung.jpg
Thuỳ Dung

Chọn Sau bão (Lê Minh Sơn) đã là một sự dũng cảm đáng khích lệ vì đó là một ca khúc mới rất khó hát, mà ca khúc này yêu cầu có sự trải nghiệm để thẩm thấu và đồng cảm được với tác giả.

Tuy nhiên, Thuỳ Dung đã thể hiện sự vượt trội của mình qua việc xử lý “sắc thái” ca khúc và truyền tải cảm xúc tới khán giả. Có vẻ nhiều người cho là khập khiễng khi so sánh Sau bão giữa phần trình bày của “diva” Thanh Lam và Thuỳ Dung, nhưng nếu ai đã được nghe lại hai bản “live” này trên mạng đều thấy rõ ràng Thuỳ Dung đã làm tốt hơn Thanh Lam ít nhất là ở việc đưa được cái “tinh thần” của bài hát đến với công chúng, cho dù về kỹ thuật cô còn kém xa Thanh Lam.

Phạm Hà Linh được báo chí nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua sau khi chung kết khu vực miền Bắc kết thúc. Có thể nói Hà Linh là gương mặt nổi trội nhất trong đêm chung kết này. Sở hữu giọng hát dày, khoẻ và nhiều “lửa”, Linh đã cuốn được khán giả vào câu chuyện cô kể bằng âm nhạc. Biết mình “ngoại đạo”, Linh rất chú trọng đến việc chuẩn bị kỹ lưỡng phần dự thi của mình. Sự tìm tòi, sáng tạo và khả năng tư duy khá tốt cùng với sự nghiêm túc, Linh đã thành công ở vòng chung kết khu vực.

Nhưng Phạm Hà Linh cần có sự lựa chọn thông minh hơn nữa khi cô bước vào vòng chung kết, bởi khi đã vào tới vòng này, chỉ một sơ xảy nhỏ sẽ rất dễ dẫn đến thất bại. Chúng ta còn nhớ “bài học” của Phạm Đăng Minh tại Sao Mai 2005, dẫn đầu vòng chung kết phía Bắc với số điểm gần như tuyệt đối nhưng lại vô tình “gục ngã” trong đêm chung kết toàn quốc dòng nhạc nhẹ, bởi sự lựa chọn bài vở sai lầm.

Cả Thuỳ Dung và Hà Linh còn rất trẻ, và thật ngẫu nhiên đây là hai thí sinh được giới chuyên môn đánh giá là ứng viên “nặng ký” nhất ở chức quán quân nhạc nhẹ năm nay lại “chia đều” cho hai miền Nam Bắc. Điều quan trọng nhất với cả Thuỳ Dung và Hà Linh ở thời điểm hiện tại là nên chọn những ca khúc mới và dành thời gian để tập luyện về kỹ thuật thanh nhạc. Dung bị chê nhiều cũng là ở kỹ thuật hơi non nên xảy ra những lỗi như “chênh”, “phô”, “mờ” trong phát âm. Hà Linh thì lại bị “đóng khung” trong một kiểu hát, dù cô vẫn nên tiếp thục theo đuổi dòng dân gian đương đại - sở trường của Hà Linh.

Bên cạnh đó còn có những “đối thủ” khác cũng được đánh giá cao như Y Garia Nuol, Nguyễn Ngọc Thuỷ Tiên, Nguyễn Xuân Hương, Trần Hoàng Nghiệp… những gương mặt này cũng sẽ là những “ẩn số” khó đoán cho vòng chung kết nhạc nhẹ năm nay.

Những gương mặt ’’chính quy’’ nổi trội

Họ là những thí sinh được học hành bài bản tại các trường nhạc danh tiếng. Và vì vậy, việc họ có tên trong danh sách nhưng người bước tiếp vào vòng chung kết toàn quốc không có gì là lạ.

Trần Thị Thu Hà, Bùi Thu Huyền và Nguyễn Đăng Thuật là ba gương mặt được đánh giá cao nhất ở mảng nhạc dân gian. Cả ba giọng hát này đều đang là sinh viên nhạc viện Hà Nội cho dù Đăng Thuật có về tại quê mình (Hà Tĩnh) để đăng ký dự thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

070615- phuc tiep.jpg
Phúc Tiệp

Cả ba giọng hát này đều là những giọng “thuần” dân ca, chính vì vật họ hát thường rất ngọt, tinh tế nhưng để tạo dấu ấn cá nhân thật rõ nét thì lại rất khó. Với Thu Hà, cô khá thông minh khi biết vận dụng những yếu tố “ngoại lai” để đem vào ca khúc tạo ra một cách hát mới một bài đã cũ. Hà còn chinh phục khán giả ở lối diễn xuất rất nữ tính, dịu dàng hợp với dòng nhạc và giọng hát của cô. Nguyễn Đăng Thuật có lẽ là giọng nam dân gian hay nhất năm nay.

Chỉ có điều Thuật hát rất “monotone” mà không hề có sáng tạo. Khu âm cao trong sáng và những “ngân, rung” dân ca rất đẹp là ưu điểm của chàng trai này. Bùi Thu Huyền gây nhiều tranh cãi hơn cả khi cô là “đối thủ” trực tiếp với Trịnh Thị Vân ở vòng chung kết phía Bắc. Tuy nhiên, với lợi thế kinh nghiệm và sự khôn ngoan trong việc lựa chọn bài hát mà cô đã chiến thắng. Giọng Bùi Thu Huyền có chút phảng phất Hồng Năm, lại pha chút âm sắc của Minh Huyền - những giọng dân ca nổi tiếng. Có lẽ đó chỉ là vô tình nhưng Bùi Thu Huyền cần tỉnh táo để điều chỉnh cách hát trở về đúng “quỹ đạo” của mình nếu như cô muốn thành công ở sân chơi Sao Mai này.

Ở mảng thính phòng - phong cách âm nhạc thường được kỳ vọng nhất tại giải Sao Mai, các thí sinh trường nhạc vẫn chiếm ưu thế. Nổi trội có Nguyễn Phúc Tiệp (Hà Nội), Lê Anh Dũng (Thanh Hoá), Nguyễn Minh Hải (Hà Tây) và Lê Xuân Hảo (Quảng Trị). Bốn giọng hát này đều có có “e” thính phòng bẩm sinh trong giọng hát, lại được đào tạo bài bản nên cơ hội trở thành “sao” của họ khá lớn, cho dù giọng hát chưa có ai nổi trội một cách ấn tượng như Trọng Tấn năm nào.

Nhược điểm mà Phúc Tiệp cần phải ngay lập tức điều chỉnh đó là cách hát dễ bị cuốn theo cảm xúc, mà người hát thính phòng thì cần đủ độ “tỉnh táo” cần thiết để xỷ lý những kỹ thuật thanh nhạc đôi khi rất khó. Tiệp hát thường bị “nuốt” lời một cách ngoài tầm kiểm soát những lúc lên cao trào, điều này gây khó chịu cho người nghe.

Lê Anh Dũng có giọng nam trung khá ấm và cảm xúc. Nhưng Dũng hát hơi “nguội” và nhiều khi bị “ê a” chưa biểt làm chủ tiết tấu. Nguyễn Minh Hải cùng nhược điểm với Dũng nhưng Hải hát “khôn” hơn. Lê Xuân Hảo có lẽ ổn định hơn cả nhưng nhược điểm của Hảo lại quá “đóng khung” ở một kiểu hát mà dân trong nghề thường nói vui là “nghe trò hát biết thày dạy”, điều này rất dễ dẫn đến “bệnh ì” của “dân” thính phòng.

Con đường chinh phục Sao mai 2007 không còn dài, những dự đoán của chỉ là tương đối. Điều quan trọng mà cả 26 thí sinh cần hiểu rằng, cơ hội xuất hiện trên truyền hình tại giải Sao Mai không nhiều nên việc thể hiện mình như thế nào mới là điều đáng quan tâm. Hãy đầu tư thật sự nghiêm túc cho những phần thi của mình, bởi cơ hội trở thành những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời âm nhạc luôn được chia đều cho tất cả mọi người.

Việt Tùng – VNN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek