Chủ Nhật, 02/02/2025 03:51 SA
Tình bạn bốn phương tiếp “lửa” thơ núi Nhạn
Chủ Nhật, 15/03/2015 14:00 CH

Nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đọc thơ trong đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên lần thứ 35 - Ảnh: L.MINH

Nếu như Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức lần thứ 13 thì Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên trên núi Nhạn đã bước sang tuổi thứ 35. Đây là lễ hội thơ đương đại xuất hiện sớm nhất sau ngày đất nước thống nhất, luôn quy tụ đông đảo các nhà thơ và người yêu thơ trong, ngoài tỉnh. Tình bạn thơ ấm áp bốn phương tiếp thêm “lửa” cho thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn.

 

Đã nhiều năm mơ ước đến Phú Yên, bây giờ nhà thơ Đặng Huy Giang từ Hà Nội mới đặt chân đến đây và đúng vào dịp hội thơ Nguyên tiêu. Anh bày tỏ: “Tôi không tham dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 và từ chối đọc thơ ở Văn Miếu để lần đầu được về với Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Tôi thật sự ấn tượng về cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, con người chân tình mến khách và đặc biệt là hai đêm thơ đầy ắp khán giả trên núi Nhạn. Ngay cả khi đêm thơ chấm dứt mà người yêu thơ vẫn còn ở lại rất đông. Khó ở đâu được như vậy. Tôi rất vui và tự hào khi được đến đỉnh núi này nghe thơ, đọc thơ và gặp gỡ bạn bè từ khắp nơi về hội tụ. Tôi mong có dịp sẽ trở lại với lễ hội thơ độc đáo và có bề dày truyền thống nhất nước này”.

Vào đêm rằm Nguyên tiêu Ất Mùi 2015, sau khi tham gia tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, tôi lập tức lên tàu về Phú Yên.

 

Tôi lần lượt gặp gỡ bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh, thành phố về dự hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn. Xe đưa đón “khách thơ” tấp nập. Những cái bắt tay, cái ôm chào hỏi thân tình. Thật sôi động và xúc động!

 

Chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm về lễ hội Nguyên tiêu trên núi Nhạn những lần trước, với rất nhiều gương mặt thơ quen thuộc từng hội tụ về đây như: Giang Nam, Bằng Việt, Thanh Quế, Mai Phương, Thanh Tùng, Hoàng Vũ Thuật, Cao Duy Thảo, Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh, Trần Vạn Giã, Bùi Công Minh, Triệu Từ Truyền, Lê Xuân Đố, Trần Chấn Uy, Văn Công Hùng, Phạm Dạ Thủy, Nguyễn Hoàng Thu… cùng nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ từ TP Hồ Chí Minh và những nơi khác, đặc biệt là những nhà thơ đã mất như Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Phương; cái tình của họ với thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn vẫn còn mãi.

 

Như mọi năm, đêm Nguyên tiêu trên núi Nhạn luôn chật kín người. Núi Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng (tức hạ nguồn sông Ba) và “lọt” trong lòng trung tâm TP Tuy Hòa, cao gần 60m, chu vi khoảng hơn 1km, trên đỉnh có một ngôi tháp Chăm cổ và một đài tưởng niệm hình cánh nhạn, bao bọc xung quanh bởi vườn thực vật khổng lồ đủ loại cây nhiệt đới quý hiếm. Con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi dài khoảng 250m, xưa là đường đất sỏi, sau này đã được trải bê tông, hai làn xe ô tô có thể xuôi ngược, vào đêm thơ được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ và poster in thơ. Một không gian thơ kỳ ảo và hoành tráng giữa mênh mông sóng nước sông Đà Rằng và biển khơi xa xa phía đông.

 

Không như Ngày thơ ở những nơi khác, Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống trên núi Nhạn đã trở thành một lễ hội văn hóa thực sự của người dân đất Phú. Họ đến đây để được sống trong không khí thiêng liêng của cái đẹp mà thơ mang lại. Và không chỉ có các nhà thơ cùng đông đảo người dân yêu thơ, mà hầu hết các lãnh đạo tỉnh đầu năm nào cũng đều leo bộ lên núi Nhạn nghe thơ. Họ là những nhà chính trị yêu thơ, có người còn làm thơ, trong đó Văn Công là nhà thơ trưởng thành từ đầu kháng chiến chống Mỹ, từng giữ chức quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh.

 

Vốn là đất trấn biên từ thời minh quân Lê Thánh Tông thân chinh lên tận ngọn Đá Bia cho khắc thơ phân định ranh giới Việt - Chiêm, thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, vùng đất Phú Yên còn là ranh giới phía nam của vùng giải phóng tự do Liên khu 5. Nhiều tên tuổi của nền thi ca Việt Nam từng gắn bó với vùng đất này và sáng tạo nên nhiều tác phẩm bất hủ, như Trần Mai Ninh với Tình sông núi Nhớ máu, Hữu Loan với Đèo Cả, Trần Vũ Mai với Trường ca làng Phước Hậu… Đây cũng là nơi sinh ra những văn nghệ sĩ: Võ Hồng, Nhật Lai, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Chí Trung, Thanh Quế, Liên Nam, Mai Phương, Trần Huiền Ân, Đàm Liên, Văn Dương Thành, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Kim Ngân…

 

Quang cảnh chung khảo cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật - một hoạt động trong khuôn khổ hội thơ Nguyên tiêu - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Kể từ năm 2003, Ngày Thơ Việt Nam ra đời, các địa phương trên cả nước cùng tổ chức thơ Nguyên tiêu. Tuy nhiên, không phải ở tỉnh thành nào cũng có được những đêm thơ diễn ra đều khắp ở các huyện, thành phố, thậm chí đến cấp xã, phường như Phú Yên xuyên suốt những ngày tết cổ truyền. Thơ đã thực sự thành “món ăn” tinh thần của người dân đất này. Mà hiện tượng ấy đã diễn ra từ lâu, chứ không phải đợi có Ngày Thơ Việt Nam thì các địa phương ở Phú Yên mới tổ chức. Ngay từ mùng 4 tết hàng năm, Đêm thơ truyền thống xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) đã khởi đầu lễ hội thơ xuân toàn tỉnh, là dịp quy tụ những người con xa quê thành đạt, hỗ trợ cho các học sinh nghèo hiếu học. Đêm thơ mùng 4 Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, 40 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng, đã được tặng cho học sinh nghèo. Đó là món quà đầu năm rất có ý nghĩa đối với các em nhỏ ở một vùng quê còn khó khăn. Một sự khích lệ lớn lao mà thơ làm cầu nối.

 

Việc làm đó chứng tỏ người Phú Yên không chỉ có trái tim nồng nàn đối với “nàng thơ”, mà còn sớm biết cách tôn vinh thơ, biến thơ trở thành một nghi lễ, một sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính nghệ thuật, nhân văn lẫn giải trí sau một năm cật lực lao động và chống chọi thiên tai. Không phải ai leo lên núi Nhạn đêm Nguyên tiêu cũng thực sự yêu thơ, nhưng tôi tin rằng không người Phú Yên nào không mong một lần được đến với đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn để thưởng thức không gian thơ kỳ ảo dưới ngọn tháp cổ kính linh thiêng. Đó là nét đẹp, sức hút, động lực văn hóa kỳ lạ mà chỉ có đêm thơ trên Nhạn tháp mới có được.

 

Không dừng ở đó, tiếng vang từ hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên cùng với đêm thơ Nguyên tiêu Quảng Ninh còn là nguyên nhân quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chọn rằm Nguyên tiêu hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Nhạc sĩ Ngọc Quang - Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, cho biết, những người tổ chức luôn cố gắng đổi mới Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Ngoài những nhà thơ địa phương và trong nước, mấy năm gần đây, ban tổ chức còn mời các nhà thơ quốc tế, chủ yếu là Hàn Quốc sang tham gia. Chương trình gồm 2 đêm mới “tải” hết thơ và giao lưu với các nhà thơ. Đã 5 năm qua, hội thơ này còn có thêm cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật dành cho các thiếu nữ tuổi đôi mươi, mà phần thi ứng xử đêm chung kết được thay bằng tiết mục đọc thơ. Cuộc thi này càng thu hút thêm đông đảo người dân đến với đêm thơ.

 

Từ khi ra đời đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có tỉnh từng bỏ cuộc, đêm thơ chỉ có vài người đọc mà không thu hút được người yêu thơ đến nghe. Mới thấy việc giữ được truyền thống 35 năm như Phú Yên rất khó. Nhà thơ Nguyễn Việt Nga, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương, cho biết: “Phú Yên là tỉnh kết nghĩa với Hải Dương từ thời gian khó chiến tranh. Tôi đến đây như trở về ngôi nhà mình. Người Phú Yên chân thành, nhiệt tình. Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn đủ sức chinh phục những người yêu thơ khó tính nhất. Được về đây đọc thơ dưới chân tháp cổ thiêng liêng, tôi được tiếp thêm mạnh mẽ cảm hứng sáng tạo”.

 

Sự quy tụ bạn thơ bốn phương đã tiếp thêm “lửa” cho hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn có bề dày truyền thống bền lâu nhất nước, để chúng ta cùng hướng tới một festival thơ hoành tráng trong tương lai. Tại sao không?

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek