Trưa 29/1, tại một hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, trái tim của nhà văn nữ Colleen McCullough ngừng đập. Bà ra đi ở tuổi 77, để lại cho đời 25 tác phẩm văn học đồ sộ, trong đó có tiểu thuyết lừng danh The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai).
Với nhiều người cầm bút và không cầm bút, Tiếng chim hót trong bụi mận gai là cuốn tiểu thuyết “gối đầu giường”. Say mê tác phẩm này, họ yêu mến Colleen McCullough dù chưa biết nhiều về nữ văn sĩ người Úc.
Colleen McCullough chào đời tại Wellington (bang New South Wales) vào năm 1937, là con gái đầu của một người đàn ông chặt mía thuê với một phụ nữ nội trợ. Cha mẹ Colleen McCullough thường xuyên cãi vã. Và theo Sydney Morning Herald, ông cha chỉ muốn con gái mình nghỉ học, còn người mẹ thì đốt những tác phẩm đầu tay của con. Tình cảm ấm áp yêu thương mà cô bé Colleen McCullough nhận được là từ cậu em trai. Tuy nhiên, em trai bà đã rời bỏ cuộc đời khi đang học lấy bằng thạc sĩ. Tin em trai chết đuối tại Hy Lạp là đòn đau khủng khiếp đối với Colleen McCullough.
Kiếm sống bằng cách viết báo và làm việc ở thư viện, coi việc học là niềm vui, Colleen McCullough học rất tốt. Năm 1955, bà vào Đại học Sydney với khát khao trở thành bác sĩ phẫu thuật - một công việc không dành cho phụ nữ lúc bấy giờ. Nhưng Colleen McCullough lại dị ứng với hóa chất phẫu thuật nên đã chuyển sang lĩnh vực thần kinh học.
Ra trường, Colleen McCullough giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ). Trong hơn 10 năm làm việc ở đây, bà ra mắt hai tác phẩm: Tim (1974) và Tiếng chim hót trong bụi mận gai (1977). Nếu như tác phẩm đầu tay chưa tạo nên tiếng vang thì Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã nhanh chóng nổi tiếng khắp toàn cầu, bán ra hơn 30 triệu bản, được dựng thành phim điện ảnh lẫn truyền hình và tiếp tục tạo tiếng vang trên màn ảnh. Cuốn sách viết về tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy trái ngang, ám ảnh của cô gái Meggie với linh mục Ralph - người sau này trở thành Hồng y - được xếp ngang hàng với Cuốn theo chiều gió của Mỹ. Chính Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã đưa cuộc đời Colleen McCullough rẽ sang hướng khác: rời giảng đường cùng công việc nghiên cứu khoa học để theo đuổi nghiệp văn chương. Bà chuyển đến sống trên đảo Norfolk ngoài khơi Thái Bình Dương. Rồi ở tuổi 46, bà kết hôn với một người đàn ông địa phương, sống khá kín tiếng và tiếp tục sáng tác.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Colleen McCullough đã xuất bản cả thảy 25 tác phẩm, song chẳng có tác phẩm nào vượt qua được cái bóng quá lớn của Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Những năm cuối đời, dù thị lực giảm sút và bị đau nhức khớp nhưng bà vẫn sáng tác. Năm 2013, Colleen McCullough giới thiệu với độc giả tác phẩm Bittersweet.
Theo cảm nhận của những người từng tiếp xúc với Colleen McCullough, bà là một phụ nữ tự tin, thẳng thắn, thậm chí hơi kiêu ngạo. Tuy vậy, tác giả Tiếng chim hót trong bụi mận gai chưa bao giờ ảo tưởng về mình. Colleen McCullough từng được người dân Úc bầu chọn là “Báu vật sống của quốc gia”.
Sự ra đi của Colleen McCullough để lại nhiều tiếc nuối cho hàng triệu người từng say mê Tiếng chim hót trong bụi mận gai và yêu mến nhà văn nữ tài năng này. Tiễn biệt bà, Richard Glover - người dẫn chương trình của Đài truyền hình Úc - nói: “Hãy an nghỉ Colleen McCullough. Tôi không nghĩ ai có tuổi thơ khốn khổ nhưng lại có một cuộc đời rực sáng với những thành tích huy hoàng như thế”.
YÊN LAN