Dòng phim tác giả hay phim độc lập là dòng phim gắn liền với tên tuổi của một nhà làm phim mà trong đó từ khâu biên kịch, đạo diễn, đến tìm kiếm nguồn kinh phí đều do chính tác giả đảm nhận. Trong thị trường điện ảnh của một đất nước có rất ít các nhà làm phim độc lập, họ lại là nhân tố tạo nên dấu ấn của nền điện ảnh dân tộc trên trường quốc tế.
Mới đây, bộ phim Cha, con và… của đạo diễn Phan Đăng Di đã có mặt trong vòng tranh giải phim chính thức tại Liên hoan phim (LHP) danh giá Berlin (Đức) năm 2015. Trước đó, bộ phim Bi đừng sợ! của vị đạo diễn này cũng đã giành giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế. Cuối năm 2014, bộ phim Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giành giải thưởng tại LHP Venice (Ý). Có thể thấy rằng, chính các tác giả này đã ghi dấu ấn phim Việt trên trường quốc tế.
Trả lời với báo chí, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: “Hẳn ai làm phim cũng sẽ mong ngoài việc được khán giả quê nhà đón nhận, phim của mình sẽ đi xa hơn. Tôi thấy vui và tự hào vì mục tiêu phim Việt mình phải vào được các khu vực quan trọng nhất của những LHP quan trọng nhất thế giới mà nhóm nhỏ những nhà làm phim độc lập chúng tôi vẫn nhắc nhau mỗi khi gặp mặt đã thành hiện thực”.
Tham vọng của các nhà làm phim độc lập trong nỗ lực khẳng định bản thân thường tạo ra các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao. Có thể thấy trong khu vực châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc là hai cường quốc điện ảnh. Nhưng khi nói tới điện ảnh Hàn Quốc, thế giới sẽ nghĩ ngay tới phim của Kim Ki Duk với các tác phẩm như: Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, Pieta. Nói tới nền điện ảnh Hoa ngữ, giới mộ phim nghĩ ngay tới Vương Gia Vệ với các tác phẩm như: Xuân quang xạ tiết, Tâm trạng khi yêu…
Tại sao dòng phim tác giả lại trở thành đại diện nền điện ảnh của một đất nước? Vương Gia Vệ đã từng trả lời truyền thông rằng, ông không nhìn những bộ phim dưới góc nhìn riêng lẻ. Ông nghĩ bộ phim giống như là những chương khác nhau của một quyển sách dài. Và nhân vật được đặt trong bối cảnh toàn cầu với những sự kịch tính trong bối cảnh đó. Nó cũng có thể là bối cảnh cho bi kịch hay hài kịch, tùy vào cách khán giả đánh giá bộ phim. Vậy là khán giả thưởng thức theo nhiều hướng rất khác nhau.
Để ca ngợi vẻ đẹp của một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Kim Ki Duk, báo chí phương tây diễn tả phim của ông đẹp như một bài thơ và chứa đầy ý nghĩa. Trong phim của Kim Ki Duk, các yếu tố, kỳ dị, bạo lực, lãng mạn đều thể hiện mãnh mẽ nhất. Âm nhạc, nhịp điệu như một thủ pháp ẩn dụ ám ảnh và đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Đối với dòng phim độc lập, tác giả phải đương đầu với khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí đầu tư cho bộ phim. Chính vì thế, có nhiều nhà làm phim độc lập đến cuối sự nghiệp của mình, số lượng tác phẩm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng phim của họ vẫn được giới am hiểu điện ảnh trông ngóng, bạn làm phim học hỏi, cộng đồng hâm mộ kiên nhẫn chờ xem.
DIỆU ANH