Tin vui liên tiếp đến với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Thanh Xuân - hội viên Hội NSNA Việt Nam - trong dịp cuối năm: được phong tước hiệu NSNA có cống hiến xuất sắc; đoạt giải nhất, nhì và ba trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật - báo chí về đề tài “Lực lượng vũ trang Phú Yên 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”.
Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn NSNA Dương Thanh Xuân xoay quanh niềm đam mê của anh: nhiếp ảnh.
* Vừa thắng lớn trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật - báo chí về lực lượng vũ trang Phú Yên, cảm xúc của anh như thế nào?
- Cuộc thi Ảnh nghệ thuật - báo chí về đề tài “Lực lượng vũ trang Phú Yên 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” được phát động trong một năm qua. Cuộc thi mở rộng cho tất cả mọi người từ trong lực lượng vũ trang cho đến các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong tỉnh. Những năm gần đây, phong trào nhiếp ảnh ở Phú Yên phát triển khá tốt với nhiều tác giả đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Con số 432 tác phẩm của 22 tác giả tham gia dự thi năm 2014 đã vượt gấp đôi cuộc thi ảnh về đề tài Công an nhân dân được tổ chức vào năm 2013. Có tác giả đã gửi dự thi gần 60 tác phẩm, cho thấy các tác giả đều nỗ lực để đạt thành công trong cuộc thi này. Việc các giải nhất, nhì, ba được trao cho tôi có phần ngẫu nhiên và may mắn. Hội đồng Giám khảo uy tín do Hội NSNA Việt Nam thành lập đã đánh giá xác đáng những nỗ lực của tôi trong quá trình sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang. Tôi rất vui trước thành công này.
NSNA Dương Thanh Xuân nhận tước hiệu Es.VAPA - Ảnh: P.V |
* Thế mạnh của anh là những tác phẩm ảnh nghệ thuật về đời thường. Khi thực hiện ảnh về đề tài lực lượng vũ trang, anh làm thế nào để tác phẩm của mình mang lại cảm xúc cho người xem?
- Thế mạnh của tôi là những tác phẩm ảnh về cuộc sống thường ngày, từ chuyên môn gọi là ảnh đời thường. Mỗi tuần, trên báo Phú Yên Chủ nhật, tôi mang đến cho bạn đọc một trang ảnh về đời sống muôn màu với tên gọi “Nhịp sống qua ảnh”. Tôi đã đưa dấu ấn mềm mại và hơi thở nhân văn này vào các tác phẩm về lực lượng vũ trang khiến chúng trở nên nhẹ nhàng, gợi lên cảm xúc.
Ở tác phẩm đoạt giải nhất, giữa khung cảnh trang nghiêm của ngày lên đường, một bà mẹ đúng nghĩa Phú Yên, luôn chăm chút cho con từng li từng tí, nét mặt hồ hởi, không ngại sự “quê mùa” cầm trên tay một ổ bánh mì để cho con trai ấm bụng. Đó là hình ảnh không thể đời thường hơn nữa. Ở tác phẩm đoạt giải nhì là ánh mắt bà mẹ sâu thăm thẳm, hướng về nơi xa xôi với nỗi tiếc thương vô tận. Có nhiều cách để thể hiện hình ảnh người lính vượt qua khó khăn, gian khổ khi hành quân. Tôi biết cuộc hành quân về nguồn của Tiểu đoàn BB85 sẽ đi qua xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa là nơi có nhiều sương mù nên đã đi xe máy gần 50 cây số từ sáng sớm để chụp cho được hình ảnh bộ đội hành quân trong sương. Trong ảnh là những bước chân mạnh mẽ, vững chắc của các chiến sĩ, nhưng khung cảnh xung quanh lại là một màu trắng nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ lay động lòng người. Tác phẩm này được trao giải ba.
* Tước hiệu Es.VAPA - NSNA có cống hiến xuất sắc mà Hội NSNA Việt Nam vừa trao cho anh liệu có tạo áp lực cho hành trình sáng tạo sắp tới?
- Tại đại hội toàn quốc diễn ra vào đầu tháng 12/2014, tôi vinh dự được Hội NSNA Việt Nam trao tặng tước hiệu Es.VAPA - viết tắt bằng tiếng Anh của cụm từ “NSNA có cống hiến xuất sắc”. Đây là tước hiệu cao quý dành cho hội viên có quá trình sáng tác và công tác, đóng góp công sức trong việc phát triển Hội NSNA Việt Nam. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là áp lực cho tôi trong quá trình sáng tạo sắp tới. Có nghĩa là, ở đẳng cấp này, mình phải có những việc làm hết sức cẩn trọng, chỉn chu, mang đến cho người xem những tác phẩm có chất lượng xứng đáng. Nếu không như vậy thì mọi người sẽ có cái nhìn khác. Tuy nhiên, thực tế thu nhập từ tác phẩm ảnh của mình hiện nay chưa có gì khác lúc trước. Nếu trong lĩnh vực ca hát, một ca sĩ ngôi sao nhận cát-xê hoàn toàn khác với một ca sĩ làng nhàng thì ở lĩnh vực nhiếp ảnh, chưa ai trả tiền chênh lệch cho ảnh của NSNA đẳng cấp quốc tế với ảnh của ông thợ ảnh bờ biển cả. Do vậy mà trong tình hình chung hiện nay, bài toán đầu tư để có sản phẩm chất lượng cao và thu nhập sẽ khó có lời giải thích đáng.
* Phú Yên có những NSNA kỳ cựu đã gặt hái được nhiều thành công như NSNA Lê Châu Đạo và anh. Còn những người cầm máy trẻ tuổi thì sao?
- Tôi khá lạc quan về những người cầm máy trẻ tuổi hiện nay ở Phú Yên. Không như thế hệ chúng tôi phải mày mò tự học, tự “bơi” để có kinh nghiệm, vài năm gần đây, ở Phú Yên đã xuất hiện nhiều gương mặt với thành công ban đầu nhưng hứa hẹn những “mùa thu hoạch” tốt cho sau này. Đáng kể có Huỳnh Lê Viễn Duy - đang làm việc tại VietinBank chi nhánh Phú Yên - với một số tác phẩm tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên, Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc và mới đây đã thành công vang dội với tác phẩm chụp gành Đá Đĩa; Đoàn Cao Liêm ở TP Tuy Hòa với những tác phẩm mạnh về kỹ thuật; Nguyễn Phong Hoàng, Nguyễn Thanh Bảo ở TX Sông Cầu với những tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng và được triển lãm tại các cuộc thi ảnh trong tỉnh, trong khu vực… Điểm chung của các tay máy trẻ này là nắm vững về kỹ thuật xử lý ảnh và phương tiện tốt. Ngoài ra, tôi cũng phát hiện nhiều em, nhiều cháu chụp ảnh khá tốt, góp mặt ở các diễn đàn ảnh trên mạng nhưng vì nhiều lý do chưa tham gia vào hoạt động chung của nhiếp ảnh Phú Yên. Tôi nghĩ, nếu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chú trọng chăm sóc giới trẻ nhiều hơn nữa, chúng ta sẽ có một lớp kế thừa xứng đáng.
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)