Thứ Ba, 04/02/2025 17:59 CH
“Những nắm cơm thừa” được viết hoa - lộng lẫy
Chủ Nhật, 21/12/2014 08:31 SA

Cảm giác đầu tiên khi tình cờ đọc được bài thơ “Những nắm cơm thừa” của nhà thơ Phạm Phát đăng trên Hồn Việt - số tháng 6/2014 là sự ngỡ ngàng đến lạ. Bởi bài thơ vỏn vẹn chỉ 3 câu với 13 từ tròn trịa, rõ ràng, chân chất, không cầu kỳ, không thêu dệt nhưng lại có sức thẩm thấu mạnh mẽ làm cho trong tôi trào lên niềm xúc động mãnh liệt.

 

Một đời anh nuôi

Cứ nhớ

Những nắm cơm thừa sau trận đánh

 

Đấy, bài thơ chỉ có vậy, chỉ có từng ấy câu, từng ấy từ nhưng sức nặng của nó thì khó lòng đong đếm được. Bởi có ai biết có bao nhiêu nắm cơm thừa sau mỗi trận đánh và cũng như thế có ai biết có bao nhiêu nắm cơm thừa sau hàng trăm, hàng ngàn trận đánh và hơn thế nữa có ai biết có bao nhiêu nắm cơm thừa sau cả một cuộc chiến tranh khốc liệt, giằng co, dai dẳng, kéo dài…

 

Những nắm cơm mà những người anh nuôi luôn cần mẫn chuẩn bị cho họ, đợi họ về sau mỗi trận đánh, nhưng họ đã vĩnh viễn không về, những nắm cơm vĩnh viễn không có người nhận và đó là “Những nắm cơm thừa” được viết hoa - lộng lẫy.

 

Nói là bài thơ nhưng theo tôi nó như lời tự tình của những người đã từng là lính - nhưng lại là lính nuôi quân - họ cũng đã từng nằm gai nếm mật, từng đồng cam cộng khổ, từng đội đạn, đội bom… và trong số họ nhiều người cũng đã vĩnh viễn nằm lại, vĩnh viễn không trở về. Chính họ - nói một cách gan ruột nhất - là những người mà hàng ngày, hàng giờ trực tiếp chứng kiến nỗi đau sau từng trận đánh khi đồng đội không về. Cầm nắm cơm trên tay, mắt hướng về nơi lửa khói khấn nguyện vong linh các anh trong đầm đìa nước mắt. Đó đích thực là nỗi ám ảnh, bởi nó như vòng xoay cứ lặp đi lặp lại từng ngày.

 

Hỏi sao không đau, hỏi sao không quặn thắt, khi mới ngày hôm qua là thằng Quân, thằng Thành quê Nam Định, không về. Chiều hôm nay lại là Dũng, là Mạnh quê Hà Nội, Thái Bình cũng vậy. Rồi đứa thì Hải Dương, đứa thì Hưng Yên, đứa tận xứ Thanh, đứa mãi Quảng Bình… cứ thế lần lượt lặng thầm ra đi. Ra đi để đất nước không còn bóng giặc, ra đi để Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Và lại cứ thế, không chỉ đồng đội đã từng quen hơi, quen tiếng mà còn có cả những anh em, những chiến sĩ măng tơ mới được bổ sung từ khắp các vùng miền, chỉ kịp biết mặt mà chưa nhớ tên, chỉ kịp nhớ người mà chưa nhớ quê hương, bản quán… Thế mà họ cũng lại ra đi…

 

Làm sao tính hết những nỗi đau xé ruột, những nỗi đau không chỉ có ở những nơi hàng ngày, hàng giờ đối diện với hy sinh, mất mát mà hơn thế nữa nỗi đau còn đi rất xa, rất xa… nơi biết bao người mẹ ngóng trông và hy vọng dù ngay cả khi con của mẹ đã không về sau trận đánh, thì ở tận quê nhà xa tít mẹ vẫn cứ hướng về con và mong đợi. Và rồi hình ảnh không nguôi ấy mãi đi theo khi các anh trở về với đời thường sau chiến tranh kết thúc và trong bất chợt có ai đó chạm vào nỗi nhớ với câu hỏi rằng: Cả cuộc đời anh nuôi của anh điều gì làm cho anh khó quên nhất? Và thế là những ẩn chứa từ nơi sâu thẳm về đồng chí, đồng đội - những người đã không về sau trận đánh - bỗng sống lại, ấm lại cứ thế trào dâng như một lẽ thường tình…

 

Một đời anh nuôi

Cứ nhớ

Những nắm cơm thừa sau trận đánh

 

Bất giác tôi lại nhớ một câu chuyện tương tự về nắm cơm Thanh gởi lại cho tôi giữ hộ để tham gia trận đánh gần như sau cùng trước khi kết thúc chiến tranh diễn ra ở khu vực thuộc thôn Phú Sơn, xã An Ninh, huyện Tuy An ngày ấy. Thanh nói: Anh Ba giữ nắm cơm dùm em, khi nào đánh xong, về em ăn, vì mang theo sợ bị vướng. Thanh còn nói, khoảng vài ngày nữa, tức sau rằm, ba em ở Phú Tân sẽ gửi cho em bộ quần áo mới, ba em nhắn tin cho em như vậy. Nghe mà cảm thương, nghe thật ấm lòng. Bởi tôi biết rất rõ quê em ở Phú Thịnh, An Thạch, mẹ mất sớm, cả nhà chỉ trông cậy vào người cha. Chiến tranh ác liệt, địch dồn dân, gia đình lại phải chạy vào Phú Tân, An Cư tá túc. Năm 16 tuổi, Thanh thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Em là thành viên của đội du kích xã An Thạch, là một trong những tấm gương chiến đấu kiên cường, dũng cảm, vừa ngoan, vừa hiền. Thanh tình nguyện tham gia trận đánh phối hợp giữa bộ đội huyện và du kích xã An Ninh được xã An Thạch tăng cường theo đề nghị của chỉ huy trận đánh.

 

Thực hiện mệnh lệnh xuất kích, lúc đó chừng 1 giờ sáng, trên cánh rừng nằm sát cửa ngõ vào Phú Sơn, em trao nắm cơm cho tôi để hành quân cùng đơn vị chiến đấu. Tôi nắm tay em thật chặt và chúc thắng lợi. Đáp lại, em hứa với tôi là sẽ cùng đơn vị quyết tâm hoàn thành mục tiêu trận đánh và mang chiến thắng trở về. Nói xong, em bước thật nhanh và cũng chỉ vài bước thôi em mất hút trong rừng đêm dày đặc.

 

Với em, theo đúng nghĩa, đó là trận đánh cuối cùng, em đã không trở về cùng với đồng đội sau trận đánh và trưa hôm đó, mình tôi lặng lẽ đặt nắm cơm em gửi lại trên những chiếc lá khô, thầm khấn về em những điều tốt đẹp nhất.

 

Vậy là nắm cơm dành cho em sau trận đánh, em không kịp ăn. Bộ quần áo mà ba em dự định gửi cho em, em không kịp nhận và còn biết bao ấp ủ, ước mơ khác trong em vẫn còn dang dở… Bây giờ ngồi viết những dòng về Thanh, về cái thời khắc không bao giờ lặp lại ấy, càng ngẫm càng không thể cầm lòng…

 

Tôi nghĩ rằng những ai đã từng đi qua cuộc chiến tranh đầy bi tráng của dân tộc chắc chắn đều đã hơn một lần nuốt nước mắt tiễn đưa đồng đội và cũng đã hơn một lần tận mắt chứng kiến “Những nắm cơm thừa” được kết tinh bằng chính sự hy sinh vô giá của biết bao người lính. “Những nắm cơm thừa” mãi mãi là nỗi nhớ thương chạnh lòng, là ký ức khó phai mờ của những người anh nuôi một đời chân chất, hiền lành, cần cù, tận tụy, hết lòng vì Tổ quốc và nhân dân, hết lòng vì anh em, đồng đội.

 

Như một lời tự tình bình dị - bài thơ ẩn chứa bao nỗi niềm và khát vọng!

 

VŨ VĂN THOẠI

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek