Quanh năm theo nghề biển, nhưng cuộc mưu sinh nhọc nhằn gắn với đại dương mênh mông vẫn không làm vơi niềm đam mê trong họ. Đi qua hơn nửa đời người, họ nhận ra cái hay, cái đẹp ẩn trong những câu hát mộc mạc, dung dị của người xưa nên nhắc nhau gìn giữ…
Tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ 2 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức ở thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào cuối tháng 9 vừa qua, có hai thí sinh đã chinh phục khán giả bằng tiết mục song ca rất ngọt và cũng rất dí dỏm. Hóa ra đó là hai vợ chồng đến từ xã đảo Nhơn Châu, cách TP Quy Nhơn chừng 13 hải lý. Vượt đường xa đến đây, họ mang theo niềm đam mê những câu hát mộc mạc, dung dị mà độc đáo của người xưa.
Ông Trần Hữu Phước - một trong ba giọng ca đến từ xã đảo Nhơn Châu - thổ lộ: “Tôi mộ bài chòi. Hồi tôi còn nhỏ, ông bà nội rất hay hô bài chòi. Tôi nghe và rất thích, cũng biết hô sơ sơ. Đến năm 2011, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn tổ chức tập huấn hát bài chòi cổ. Tôi tham gia mấy buổi, thấy hay và ham mê luôn. Về nhà, tôi truyền đạt lại cho vợ con, rồi cả nhà ai cũng thích hát bài chòi”.
Ở Nhơn Châu, gia đình ông Phước làm nghề biển. Ngư dân chưa bao giờ thôi vất vả, “trông trời, trông đất, trông mây”, muối mặn mồ hôi. Nhưng cuộc mưu sinh nhọc nhằn và ẩn chứa nhiều bất trắc gắn với đại dương bao la vẫn chẳng thể làm vơi niềm đam mê văn nghệ ở người đàn ông 46 tuổi này. Có thể nói, ông Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu là một hạt nhân văn nghệ ở đảo. Sau những tháng ngày cần mẫn lao động, mỗi khi xuân về tết đến, người dân nơi xã đảo lại rộn ràng với hội bài chòi, mà ông Phước là một trong những thành viên tích cực. “Bài chòi đã chìm lắng ở xã đảo hơn nửa thế kỷ, từ năm 2011 mới bắt đầu được khôi phục. Có hội bài chòi rất vui; người dân xã đảo cùng nhau gìn giữ một di sản quý báu của người xưa” - ông Phước chia sẻ.
Nếu như với ông Phước, bài chòi đã thấm vào máu thịt thì với người bạn đời của ông - bà Lê Thị Hoa, sức hút của bài chòi cũng rất lớn. Bà Hoa kể: “Hồi nhỏ, má tôi hay hát bài chòi và tập cho tôi hát. Dù hát không hay nhưng tôi cũng biết nhịp nhàng và thích môn này. Lớn lên lập gia đình, tôi quên bẵng bài chòi. Đến khi ông xã đi tập huấn về, hát, tôi thấy hay và thích nên tập hát theo”. Rồi thì các con ông Phước bà Hoa cũng mến mộ loại hình nghệ thuật này, nhất là bài chòi cổ với những tuồng tích đề cao nhân nghĩa, tấm lòng son sắt thủy chung. Những câu hát gói gém trong đó lời dạy của ông bà xưa về đạo làm người, những làn điệu sao mà gần gũi với đời sống! Bà Hoa cho biết: “Bốn đứa con của vợ chồng tôi, đứa nào cũng hát bài chòi được”.
Biết hát, biết hô nhưng gia đình ông Phước bà Hoa chưa từng bước lên sân khấu thi thố, cho đến khi Liên hoan Dân ca bài chòi được tổ chức ở TP Quy Nhơn. “Vợ chồng tôi không định đi thi vì công việc nhà bận rộn, hơn nữa từ đảo vô TP Quy Nhơn cũng xa, đi thuyền mất 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhưng mấy anh chị ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phố gọi điện động viên, ông xã nói: Thôi nhà mình đi thi cho vui. Cứ ngỡ đi thi một đêm rồi về, ai ngờ vô chung kết nên ở luôn đến mấy ngày” - bà Hoa cười giòn, kể lại.
Tại kỳ liên hoan đó, gia đình ông Phước “đóng góp” 3 giọng ca. Vợ chồng ông song ca Nỗi lòng vợ ghen, còn con trai đầu Trần Huệ Thiện - giáo viên dạy nhạc ở Trường THCS Nhơn Châu - hát bài về Bác Gởi lòng con đến cùng Cha. Không chỉ được chọn vào chung kết, vợ chồng ông Phước bà Hoa còn “rinh” được giải nhì (thể loại song ca), con trai thì nhận giải ba (độ tuổi từ 18 đến 45). Lần đầu tiên đi thi, kết quả của cả nhà phải nói là ấn tượng.
Trở về xã đảo, ông Phước bà Hoa về với công việc thường ngày, anh Thiện về với học trò và bục giảng. Tất bật giữa đời thường nhưng trong máu thịt của họ luôn có bài chòi. Những làn điệu ấy, những câu hát ấy như mạch ngầm thao thiết chảy trong sâu lắng đam mê.
YÊN LAN