Hơn 40 năm qua, có một phụ nữ vẫn âm thầm kiếm sống bằng vốn nghệ thuật truyền thống. Đó là bà Trương Thị Hằng (SN 1959), ở thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). Với vốn am hiểu sâu rộng về dân ca, cổ nhạc, bà Hằng đã góp phần gìn giữ và đưa bài chòi, tuồng của Phú Yên đến gần công chúng thông qua các vai diễn tuyệt vời.
Hẳn khán giả TP Tuy Hòa vẫn còn rất ấn tượng với vai diễn của bà Hằng trong các vở bài chòi cổ Lâm Sanh - Xuân Nương và Thoại Khanh - Châu Tuấn tại Nhà Văn hóa Diên Hồng nhân dịp Nghệ thuật bài chòi Phú Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Liên tiếp xuất hiện tại các buổi công diễn bài chòi lớn của tỉnh, bà Hằng đã chinh phục khán giả mộ điệu đất Phú bằng giọng hát truyền cảm, nét diễn sinh động, nổi bật và riêng có của mình.
Hỏi ra mới biết, bà Hằng hiện đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Tuồng huyện Tuy An. Điều thú vị hơn cả là bà Hằng mưu sinh bằng chính cái tài ca diễn nghệ thuật truyền thống đã hơn 40 năm qua, một điều mà rất ít nghệ sĩ không chuyên đất Phú có thể làm được.
Bà Hằng tâm sự: “Cha tôi vốn là diễn viên trong các đoàn nghệ thuật tuồng địa phương. Thuở nhỏ, tôi đã tiếp xúc với âm nhạc truyền thống. Và như một cái duyên định sẵn, năm lên 9 tuổi, tôi theo thầy học ca, học diễn đến năm 15 tuổi bắt đầu kiếm sống bằng nghề ca hát cho đến nay”.
Theo Sở VH-TT-DL Phú Yên, hiện nay, bà Hằng là người duy nhất ở Phú Yên biết hát làn điệu lạch nô trong bài chòi cổ. Bà Hằng cho biết, hát bài chòi có rất nhiều làn điệu, nhưng bài chòi cổ thường có 3 làn điệu là xàng xê, xuân nữ và lạch nô. Xuân nữ thường được thể hiện tinh thần bi quan, thảm, nản. Xàng xê thể hiện tinh thần vui mừng, hoan hỉ. Còn lạch nô có tiết tấu vui nhộn, thường do các kép đóng vai quan, quân ca diễn trong các câu hát đối thoại. Chính vì tiết tấu vui nhộn mà trong trò chơi dân gian bài chòi vào các dịp tết đến xuân về, làn điệu lạch nô cũng được sử dụng để hát chúc xuân. Hiện nay, bà Hằng vẫn còn nhớ khoảng hơn 20 pho (kịch bản) bài chòi cổ.
Với lối kết hợp 3 cách hát bài chòi, cải lương, dân ca trong một buổi diễn, bà Hằng đã cùng anh em diễn viên trong các gánh hát “tung hoành” khắp mọi miền đất nước. Bà Hằng tâm sự: “Hồi xưa, trước lúc hát bao giờ khán giả cũng bảo hát cho hay thì có bao nhiêu gạo cũng mang đến cho, còn hát không hay thì đừng hòng có được thứ gì. Tôi nhớ cứ sau một lần hát, tôi nhận được rất nhiều gạo, mắm, đường... Tiếc rằng, sau giải phóng, bài chòi dần bị lãng quên và mất hẳn ở nhiều nơi. Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi không còn sống được với nghề hát bài chòi nữa. Phần lớn, họ bỏ ngang đi làm chuyện khác mưu sinh. Riêng tôi vẫn rong ruổi đến khắp mọi nơi trên dải đất Nam Trung Bộ theo nghề mưu sinh nhưng chuyển sang hát tuồng trong các dịp cúng ông Nam Hải. Đều đặn hằng năm, bắt đầu từ mùng 2 tết, tôi đã có lịch diễn. Và cũng may mắn là tôi có thể mưu sinh với cái nghề hát tuồng này”.
Trong câu chuyện kể của bà Hằng thì một diễn viên bài chòi, hát bội muốn thành công phải trải qua khổ luyện. Trong khoảng 25 trò theo học, có chừng 4 học trò có thể thành công. Trước lúc thành tài, mỗi người đều phải mất 6 năm theo thầy, ăn ở nhà thầy, dày công học hành. Ban ngày gánh lúa, gánh củi trả công cho thầy, nửa đêm, không gian yên tĩnh, dễ dàng tiếp thu bài học, học trò thức dậy thắp đèn, pha trà, thầy thảo bài pho, “cầm tay, bẻ ngón” tập ca, tập diễn cho học trò đến được mới thôi.
Bà Hằng nói: “Nghệ thuật truyền thống hay là thế, ý nhị là thế nhưng rất tiếc ngày càng có nhiều bạn trẻ không thích nghe, không cảm, không hiểu được. Ngay cả các con tôi cũng cho rằng hát bài chòi lạc hậu so với âm nhạc của thời đại”.
Ông Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Phú Yên hiện còn rất ít người am tường về bài chòi cổ như bà Hằng. Bằng các phần trình diễn độc đáo của mình, bà Hằng đã góp phần bảo tồn, quảng bá nét đặc sắc của nghệ thuật bài chòi cổ Phú Yên và làm phong phú thêm hồ sơ di sản “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sở VH-TT-DL sẽ sử dụng vốn hiểu biết của bà Hằng trong kế hoạch truyền dạy bài chòi cổ Phú Yên trong thời gian sắp tới”.
TUYẾT TRẦN