Đẽo tượng nhà mồ cho lễ bỏ mả vốn là phong tục lâu đời của người Ê Đê. Ở thôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) có ông Ksor Y Viên (SN 1957), người dân nơi đây vẫn gọi ông là Ma Viên, là một người thợ đẽo tượng nhà mồ giỏi có tiếng trong xã. Hễ nhà nào làm lễ bỏ mả mà nhờ Ma Viên đẽo tượng, ông đều nhiệt tình làm giúp. Vì thế mà ông được nhiều người trong xã quý mến.
Ma Viên giải thích ý nghĩa của tượng nhà mồ do ông làm ra - Ảnh: T.DIỆU |
Men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo, đến một khoảng đất rộng, rồi đi hết khoảng cỏ may cao quá gối tới chỗ lùm cây mọc um tùm, Ma Viên dừng chân trước cụm ngôi nhà mồ. Ma Viên tiến lại gần một trong số chúng, rồi bảo: “Đây chính là ngôi nhà mồ mà tôi đã đẽo tượng dựng thành 2 cái cột nhà mồ vào ngày lễ bỏ mả”. Rất tiếc 1 trong 2 trụ tượng ngôi nhà mồ được dựng lên đã bị ngã đổ, phần tượng người chỉ còn phần thân. Ma Viên tặc lưỡi: “Lâu ngày quá, mưa gió làm hư hỏng tượng nhà mồ”.
Ông K Pắ Y Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, cho biết: “Lễ bỏ mả là phong tục truyền thống trong tín ngưỡng của người Ê Đê. Và tượng nhà mồ là lễ vật quan trọng nhất trong ngày lễ bỏ mả, vì vậy mà người thợ đẽo tượng nhà mồ rất có uy tín. Những khi Ma Viên ốm đau, người dân trong xã đến thăm hỏi chu đáo, người dân rất quý mến Ma Viên. Ma Viên đã góp phần lớn trong việc giữ gìn bản sắc của người Ê Đê ở xã Ea Chà Rang”. |
Ma Viên chỉ lên cây cột còn lại, giới thiệu về bức tượng. Phần tượng người cao khoảng nửa mét. Tượng người được đẽo từ những nhát rìu lớn, tạo ra những mảng khối vì thế mà hình dáng tượng người trông thô, mộc. Gây ấn tượng cho người xem nhất là khuôn mặt của tượng người. Trên khuôn mặt tượng người, đôi mắt được khoét thành 2 lỗ tròn, gắn vào đó là 2 hòn bi xanh biếc. Khuôn miệng như đang mỉm cười. Đôi tay đặt ngay ngắn trên đầu gối trong tư thế ngồi. Nhìn tổng thể, đây là một bức tượng người ngồi trong tư thế thanh thản, gợi cảm giác yên bình. Phần thân cột nối liền với phần tượng người dài khoảng 2,5m, được đẽo thành mảng dẹp có đường kính khoảng 30cm. Trên thân được chia thành nhiều ô nhỏ khác nhau. Mỗi ô, người thợ khéo léo đẽo nên hình dáng của chim muông, con thú, ngôi sao, hình vuông, hình thoi…, nhiều hình chạm đẽo được sơn màu bắt mắt.
Ma Viên chia sẻ: “Không phải nhà nào có người chết cũng đẽo tượng nhà mồ đâu. Chỉ những gia đình nào khấm khá mới nhờ mình đẽo tượng nhà mồ làm vật phẩm tặng người chết. Trong phong tục của người Ê Đê, chết chưa phải là hết, người chết và người sống vẫn còn liên hệ với nhau. Người sống muốn làm người chết vui lòng thì đẽo tượng nhà mồ làm vật phẩm tặng người chết vào ngày lễ bỏ mả. Vào ngày lễ bỏ mả, người sống và người chết mới cắt đứt liên hệ với nhau”.
Ma Viên vẫn còn nhớ, năm 1985, lúc đó ông 28 tuổi, lần đầu tiên làm thợ chính đẽo tượng nhà mồ cho người chết trong buôn. Lúc nhỏ, Ma Viên cũng thường theo người lớn trong xã đi đẽo tượng nhà mồ. Cũng giống như bây giờ, thanh niên biết làm mộc theo ông ra nhà mồ bắt chước người lớn đẽo tượng. Ma Viên có kinh nghiệm nên đẽo tượng tinh xảo, thanh niên bắt chước làm theo, đứa “sáng” thì học nhanh, đứa “tối” thì học lâu hơn. Nhưng không phải muốn là làm được, chỉ những thanh niên có năng khiếu và thích thú với việc tạo ra những bức tượng độc đáo mới đẽo được tượng.
Trước khi đẽo tượng, Ma Viên phải làm lễ cúng thần rồi mới dám thực hiện công việc này. Việc đẽo tượng nhà mồ nhanh thì cũng mất 2 ngày, chậm thì cũng đến cả tuần. Thế nhưng, ông không tính công. Ma Viên quan niệm, mình biết đẽo tượng thì làm giúp người làng thôi. Nhưng theo lệ thường, sau lễ bỏ mả, người nhà sẽ mang một con heo và 3 ché rượu cần làm lễ vật hậu tạ ông.
Gần 30 năm được người trong xã tín nhiệm, Ma Viên đã đẽo rất nhiều tượng nhà mồ khác nhau. Ma Viên nói: “Người lớn làm sao tôi làm lại như thế. Tượng được đẽo phỏng theo nét sinh hoạt diễn ra thường ngày của người làng: Hình ảnh người phụ nữ địu con, nhảy múa; chàng trai đánh chiêng; muông thú núi rừng từ con nai, con voi, con khỉ đến chú chó giữ nhà vừa quen thuộc và gần gũi… Tùy theo hình dáng của khúc gỗ và trí tưởng tượng của mình mà đẽo nên hình dạng của bức tượng”.
Điều giúp Ma Viên luôn tận tâm góp công sức tạo nên những bức tượng tinh xảo trong ngày lễ bỏ mả của người làng chính là việc được nhìn thấy người thân viên mãn khi dâng tặng tượng vật cho người chết.
DIỆU ANH