Thứ Năm, 06/02/2025 08:51 SA
Hướng đi nào để hồ Tây trở thành danh thắng quốc gia?
Chủ Nhật, 02/11/2014 15:09 CH

Hồ Tây với đường Thanh Niên chạy qua - Nguồn: VOV

Nhiều chuyên gia đồng ý với việc hồ Tây đủ điều kiện để trở thành một danh thắng quốc gia, nhưng để bảo tồn, phát triển thế nào thì vẫn là câu hỏi.

 

Hà Nội không chỉ tạo ấn tượng với du khách bởi 36 phố phường, chùa chiền và kiến trúc cổ mà còn là cây xanh, mặt nước. Và trong số hàng chục hồ tự nhiên còn lại ở Hà Nội thì nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn cả vẫn là hồ Gươm, hồ Tây.  

 

Nếu hồ Gươm được ví như một viên ngọc tại trung tâm Hà Nội và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thì hồ Tây là một địa danh văn hóa có vẻ đẹp bao la, hệ sinh thái đa dạng cùng các di tích lịch sử bao quanh. Đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử của thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500ha với chu vi 18km, ở phía tây bắc trung tâm thủ đô. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.

 

Từ lâu lắm, hồ Tây đã là thắng cảnh. Thời Lý - Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa và Từ Hoa thời Lý, nay là khu vực chùa Kim Liên, điện Hàm Nguyên thời Trần nay thuộc khu vực chùa Trấn Quốc. Tương truyền, chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của công chúa Từ Hoa là con vua Lý Thần Tông. Để phát triển cơ sở tằm tang, công chúa Từ Hoa đã đưa các cung nữ ra khu vực hồ Tây khai hoang, lập ấp và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này.

 

Hồ Trúc Bạch cũng là một phần của hồ Tây, có từ thế kỷ XVII khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam hồ Tây để nuôi bắt cá. Đường Thanh Niên có từ năm 1957-1958, trước gọi là đường Cổ Ngư, hình thành từ con đê xưa kia.

 

Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa - du lịch nổi tiếng của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu… đã đưa ra những yếu tố cho thấy hồ Tây hoàn toàn đủ điều kiện để được công nhận là danh thắng quốc gia. Quanh hồ có tới 64 di tích, trong đó có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng và có giá trị văn hóa, lịch sử cao như: chùa Trấn Quốc, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ… Bên cạnh đó, xung quanh hồ Tây còn có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển trở nên nổi tiếng như: nghề làm giấy ở An Thái, Bưởi, nghề nuôi tằm ở Nhật Chiêu, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã…

 

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết, sở rất tán thành với đề xuất xây dựng hồ sơ đưa hồ Tây trở thành danh thắng quốc gia và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là hồ Tây quá rộng, mà phạm vi trong hồ sơ trình xếp hạng phải chỉ rõ được trong bản đồ địa chính đâu là khu vực một, đâu là khu vực hai. Bởi khi đã trở thành danh thắng cấp quốc gia thì mọi thứ đều phải được quản lý theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Khu vực một ở đây là phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu vực hai, là khu vực phụ trợ thì chỉ được xây dựng những công trình để phát huy giá trị của di tích. Trong khi, cuộc sống dân sinh và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở hồ Tây vẫn diễn ra hàng ngày. Vì vậy, các cấp lãnh đạo đang xem xét, cân nhắc… thu thập tài liệu, ý kiến, có những tính toán hợp lý nhất để khi hồ Tây trở thành danh thắng cấp quốc gia được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một cách tốt hơn.

 

Theo ông Nguyễn Đình Thành, một chuyên gia truyền thông văn hóa, việc hồ Tây có trở thành danh thắng cấp quốc gia hay không thực ra không quá quan trọng bởi đó chỉ là việc danh nghĩa. Trên thực tế, hồ Tây đã đang và sẽ là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Vấn đề là cần bảo vệ môi trường, phát huy và khai thác một cách bền vững các giá trị văn hóa lịch sử của hồ trước khi chúng biến mất vĩnh viễn.

 

Y. LAN (tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek