Phú Yên có 3 vùng đất và cũng tạm phân chia thành 3 vùng văn hóa (dưới góc nhìn địa văn hóa - lịch sử). Đó là văn hóa miền rừng thuộc 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; văn hóa đồng bằng có dải đồng bằng ven biển thuộc hạ lưu sông Ba và văn hóa miền biển trải dài suốt 189 km bờ biển với 27 xã, phường, thị trấn, thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố.
LƯU GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO
Phú Yên là vùng phụ cận của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tỉnh đã tham gia sưu tầm, biên soạn sử thi Tây Nguyên, hiện sưu tầm được gần 100 sử thi của 3 dân tộc Ê Đê - Mthur, Chăm H’roi và Ba Na. Một số bộ sử thi Phú Yên gồm có: A Ma Vứ, Chơ Lơ Kooc (tộc người Chăm H’roi), Tiếng cồng hờ bia đá…
Nhà nghiên cứu người Chăm H’roi Ka Sô Liễng hiện ở tại xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) đã sưu tầm, biên khảo gần 30 bộ sử thi của các dân tộc ở huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, trong đó có những bộ sử thi gần cả nghìn trang giấy bằng hai thứ tiếng Chăm - Việt. Chính ông đã ghi âm, dịch, khảo cứu và có nhiều công trình sưu tầm đã được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhà văn Y Điêng (tộc người Ê Đê, sinh năm 1928, đang sống tại huyện miền núi Sông Hinh) cũng đã sưu tầm, biên dịch, khảo cứu nhiều sử thi trên vùng đất này. Ông đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cách đây gần 10 năm. Ngoài hai nhà nghiên cứu trên, Phú Yên có hơn 50 nghệ nhân thuộc các tộc người Chăm, Ê Đê, Ba Na biết và còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca, đặc biệt là sử thi… Các nghệ nhân này tuổi đời cũng đã cao, có người sinh năm 1923, người ít tuổi nhất sinh năm 1957. Họ là những “báu vật sống” trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
Hàng năm, vào tháng 3, đồng bào miền núi Phú Yên thường tổ chức lễ hội, mỗi lễ hội diễn ra khoảng 2 đến 3 ngày. Việc chuẩn bị cho lễ hội thường cầu kỳ, phần lễ và phần hội được phân định rõ ràng. Bao giờ trong lễ hội cũng sử dụng cồng chiêng, các loại kèn, trống - tùy đặc điểm của mỗi dân tộc - mà có cách sử dụng khác nhau. Điểm chung là khi đám cưới hoặc đám tang, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng cơm mới…, đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên đều sử dụng bộ cồng chiêng, a ráp.
Trước đây, hầu như ở thôn buôn nào bà con cũng có cồng chiêng. Do cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình đã bán đi để mua những thứ cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” bắt nguồn từ đó. Hiện tại, Phú Yên có 41 bộ cồng chiêng của 3 tộc người Ba Na, Chăm H’roi, Ê Đê - Mthur. Nhiều buôn làng khi tổ chức lễ hội phải đi mượn cồng chiêng của các buôn làng khác. Đây là điều chẳng đặng vì cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà còn chứa đựng yếu tố tâm linh. Vì vậy, bà con thường làm lễ cúng trước khi đem cồng chiêng đi sử dụng. Yếu tố văn hóa tâm linh là vô cùng quan trọng đối với đồng bào các tộc người thiểu số.
BÁO CHÍ GÓP PHẦN GIỮ GÌN VỐN QUÝ VĂN HÓA
Trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa và các cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Tạp chí Trí thức Phú Yên) đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó thể hiện rõ nét qua các chương trình truyền thông về phối hợp tuyên truyền, quảng bá việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và các lễ hội của đồng bào miền núi Phú Yên. Ngành Văn hóa - Thông tin trước đây và VH-TT-DL hiện nay đã phối hợp triển khai nhiều dự án điều tra, sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hệ thống truyền thông đại chúng của tỉnh luôn bám sát các hoạt động lễ hội và các hoạt động văn hóa của 3 huyện miền núi, thông tin đầy đủ, kịp thời.
Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản gần 50 đầu sách về điều tra, sưu tầm, biên dịch, biên soạn các loại sử thi, nghiên cứ nhận diện văn hóa người Chăm H’roi, Ê Đê, Ba Na ở Phú Yên. Trên các báo hiện nay ở Phú Yên đều có mục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đăng tải nhiều tác phẩm báo chí về bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể). Nguồn ngân sách địa phương cũng ưu tiên một phần cho việc sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa truyền thống.
Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Tạp chí Trí thức Phú Yên và tạp chí của Trường đại học Phú Yên cũng mở chuyên mục về văn hóa truyền thống. Đây là lợi thế bằng tuyên truyền trong giới văn nghệ và giới học thuật nghiên cứu về văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, các hội thảo, điều tra, sưu tầm, khảo cứu văn hóa dân gian cũng được các ngành, đơn vị chức năng tổ chức.
Phú Yên đã và đang đi sâu vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo Nghị quyết Trương ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
HỮU BÌNH