Tối 25/9, chung kết Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II năm 2014 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên) và Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định đồng tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định. Sân chơi này diễn ra khi Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Bình Định, Sở VH-TT-DL Bình Định cùng các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2015.
Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn nhà báo Trần Thanh Hưng - Phó giám đốc VTV Phú Yên, Phó ban Tổ chức Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II năm 2014 về sân chơi đầy ý nghĩa này.
* Liên hoan năm nay được tổ chức tại Bình Định, ngoài lý do đưa sân chơi này ra các địa phương khác trong khu vực Nam Trung Bộ để quảng bá còn có nguyên nhân nào khác, thưa ông?
- Việc tổ chức Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II năm 2014 tại Bình Định năm nay có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là sự kiện do VTV Phú Yên tổ chức hàng năm nhưng cũng là sự kiện đồng hành với Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Bình Định, Sở VH-TT-DL Bình Định cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2015. Điều ý nghĩa hơn, Bình Định là một trong những cái nôi của bài chòi tại các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng có lẽ là địa phương mà sức sống của bài chòi còn mãnh liệt nhất. Ngoài Đoàn Dân ca Bài chòi Bình Định, tỉnh này còn có rất nhiều CLB, nhóm, điểm hát bài chòi từ thành thị đến nông thôn, sôi động nhất là vào dịp tết. Chính vì lẽ đó mà Bình Định được Bộ VH-TT-DL ủy quyền đại diện các tỉnh Nam Trung Bộ phối hợp với Bộ VH-TT-DL làm hồ sơ tiến hành đề cử UNESCO xem xét, công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
* Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II có những nét mới nào so với lầnđầu tiên tổ chức tại Phú Yên?
- Nét mới của liên hoan năm nay là diễn ra trong tuần lễ Bộ VH-TT-DL, Viện Âm nhạc Việt Nam cùng đại biểu từ 30 tỉnh, thành phố đang tập trung về Bình Định để tham dự hội thảo về bài chòi, tiến hành khảo sát, nghiên cứu về bài chòi phục vụ những công việc trước mắt cũng như vấn đề bảo tồn, phát huy một cách dài lâu những giá trị độc đáo của bài chòi. Đặc biệt, đêm chung kết còn có sự hiện diện của đại diện UNESCO Việt Nam và Bộ VH-TT-DL sẽ trao quyết định công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thái Nhơn, bài chòi có 3 cách thức diễn xướng: hô bài chòi (có thể hô trong các buổi sinh hoạt), chơi bài chòi (có chòi, có thẻ bài, có người chơi) và hát bài chòi (có kịch bản, có sân khấu, có diễn viên, có đạo diễn và có người xem). Bước đầu, VTV Phú Yên đã đồng hành với các địa phương khôi phục thể loại sinh hoạt bài chòi bằng hình thức Liên hoan Dân ca bài chòi là điều rất có ý nghĩa. Nếu tổ chức được nhiều hoạt động phong phú để 3 loại hình diễn xướng bài chòi được tổ chức đầy đủ, thường xuyên hơn, giúp cho người dân, nhất là lớp trẻ, có điều kiện thưởng thức thì vô cùng quý giá. Đây cũng là tiêu chí “trao truyền, vai trò, ý nghĩa trong đời sống cộng đồng” mà UNESCO căn cứ khi xem xét, công nhận một di sản văn hóa phi vật thể nào đó của nhân loại.
* Dân ca bài chòi có khán giả riêng vàphạm vi không rộng như tân nhạc. VTV Phú Yên làm thế nàođểthu hútđôngđảo khán giảđến với sân chơi của mình?
- Đúng là dân ca bài chòi có khán giả riêng vàphạm vi không rộng như tân nhạc. Xác định được điều này, VTV Phú Yên đã ban hành thể lệ dự thi từ rất sớm đểthu hútđôngđảo thí sinh và khán giảđến với sân chơi này. Cụ thể, Ban tổ chức đã gửi thông báo liên hoan, thể lệ dự thi thông qua phòng Văn hóa, trung tâm Văn hóa, CLB, nhóm, điểm đàn hát dân ca bài chòi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Qua vòng sơ tuyển, Ban giám khảo đã chọn được 1 tiết mục song ca từ 11 tiết mục đăng ký dự thi của thí sinh Khánh Hòa, 7 tiết mục từ 37 tiết mục dự thi của thí sinh Phú Yên và 9 tiết mục từ 36 tiết mục dự thi của thí sinh Bình Định vào chung kết. Trong đó, thí sinh nhỏ tuổi nhất là em Hà Diệu Linh Chi, 12 tuổi, ở Bình Định; thí sinh lớn tuổi nhất là ông Trương Văn Duyệt, 79 tuổi, ở Phú Yên.
* Thưa ông, Ban tổ chức kỳ vọngđiều gìở Liên hoan Dân ca bài chòi diễn ra trênđất võ?
- Đêm chung kết liên hoan diễn ra lúc 20 giờ, được truyền hình trực tiếp trên 2 kênh VTV Phú Yên và BTV Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định. Chương trình cũng sẽ biên tập từ 45 đến 60 phút để phát lại sau đó trên kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài phần dự thi của thí sinh, tiết mục mở màn Rủ nhau đi đánh bài chòi (sáng tác: nhạc sĩ Duy Tài, VTV Phú Yên) với phần biểu diễn của gần 30 diễn viên chuyên nghiệp và các danh ca bài chòi ở Bình Định hy vọng sẽ tạo được ấn tượng với người xem.
Được sự chuẩn bị chu đáo của 2 đơn vị, đêm chung kết diễn ra ngay trên vùng đất được xem là cái nôi của bài chòi, Ban tổ chức hy vọng sẽ góp phần vào việc giới thiệu, làm lan tỏa những giá trị nhiều mặt của bài chòi không chỉ cho công chúng trong nước mà cả bạn bè quốc tế để bài chòi xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Bình Định nói riêng cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung từ thế hệ này qua thế hệ khác.
* Xin cảm ơn ông!
YÊN LAN (thực hiện)