Việc loại bỏ sư tử đá kiểu Trung Quốc cùng các hiện vật không phù hợp trong di tích, vi phạm Luật Di sản đang được tiến hành và nhận được sự đồng thuận.
![]() |
Sư tử đá Việt Nam ở chùa Bà Tấm đội bệ tam thế (bên trái) và sư tử đá kiểu Trung Quốc dùng để canh mộ, với vẻ mặt dữ dằn (bên phải) - Nguồn: VOV |
“TRỤC XUẤT” SƯ TỬ ĐÁ NGOẠI LAI
Dư luận và báo chí đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề tràn lan sư tử đá kiểu Trung Quốc, kiểu phương Tây và các hiện vật lạ trong di tích. Tuy nhiên, phải đến khi Bộ VH-TT-DL ra Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, tình hình mới có nhiều chuyển biến khả quan.
Đây là một trong những động thái được lòng dân nhất của Bộ VH-TT-DL. Ngay khi công văn được ban hành, nhiều chuyên gia văn hóa, người yêu mến di sản cũng như lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa các cấp đã lên tiếng khẳng định sẽ vào cuộc quyết liệt. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định, công văn về “hiện vật lạ” sẽ được thực thi bài bản, đồng thuận và quyết liệt…
10 con sư tử đá kiểu Trung Quốc trong các di tích bị thanh tra đột xuất đã được di dời. Các hiện vật không phù hợp khác trong di tích cũng đã và đang được dọn dẹp trả lại hiện trạng gốc của nơi thờ tự.
Một động thái khiến dư luận hoan nghênh và thêm tin tưởng vào tính khả thi của công văn của bộ, đó là sự vào cuộc của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội vừa ban hành công văn yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.
Theo kế hoạch của Bộ VH-TT-DL, việc di dời các hiện vật không phù hợp trong các di tích sẽ kết thúc trước Tết Nguyên đán. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt và bài bản cùng sự đồng thuận của nhân dân, công việc này sẽ hoàn tất tốt đẹp. Để tránh tái diễn sự việc này, bộ cần có những biện pháp tuyên truyền cũng như cụ thể hóa Luật Di sản đến người dân nói chung và những người làm công việc trông nom trực tiếp các di tích nói riêng.
CẦN HIỂU ĐÚNG GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CỦA SƯ TỬ ĐÁ NGOẠI LAI
Mấy năm gần đây, tại một số đình chùa, công sở Việt Nam xuất hiện cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc được đặt ở hai bên lối vào. Có người cho rằng những con sư tử đá này biểu trưng cho quyền lực, có người nói sư tử đá thể hiện sức mạnh của Phật giáo…
Theo nghiên cứu của Phó giáo sư - tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học: Sư tử đá xuất hiện khoảng 3.000 năm bắt nguồn từ người Ba Tư, thông qua việc các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều đình phong kiến Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật để… canh mộ! Duy nhất đôi sư tử đá trước điện Thái Hòa là biểu tượng cho quyền uy của các vua chúa Minh - Thanh. Đặc điểm chung của sư tử đá canh mộ của Trung Quốc mang hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa.
Còn sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.
Lý giải về sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại các đình chùa, công sở, cơ quan tại Việt Nam, ông Tống Trung Tín cho rằng đây là do sự thiếu hiểu biết của người dân tin vào những thông tin đồn thổi về sự linh thiêng của sư tử đá như: có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sư tử đá giúp phát tài phát lộc…
“Đây là những thông tin sai sự thật, không phải quan điểm chính thống, mà rõ ràng ở Trung Quốc, sư tử đá được dùng để canh mộ. Mọi người cứ đồn như thế, một đồn mười, mười đồn trăm dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại. Nhiều quan chức, đại gia cũng không tiếc tiền mua sư tử đá tặng đình chùa, rồi các cơ quan công sở cũng mua về bày. Nếu thật sự sư tử đá có tác dụng phát tài phát lộc thì cho 5 tỉ người trên thế giới mỗi người một con đi để được giàu có hết” - ông Tống Trung Tín bức xúc.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trong văn hóa truyền thống của mình, người Việt không có lệ đặt sư tử đá rập khuôn kiểu Trung Quốc trong chùa.
Về một số ý kiến cho rằng sư tử đá kiểu Trung Quốc vào chùa là bởi vì sư tử có liên quan đến Phật giáo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định, đây là một sự nhầm lẫn. Hòa thượng giải thích rằng, nơi các nhà sư thuyết pháp được gọi là tòa sư tử - một tên gọi chứ không hề có một con sư tử bằng đá cụ thể nào ở đó cả…
Tại các công sở, khách sạn hay nhà dân, việc sử dụng tượng sư tử đá một cách tùy tiện tưởng như không mấy ảnh hưởng nhưng đó lại tiềm tàng một nguy cơ xấu do sự thiếu kiến thức văn hóa.
Người Việt cần chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trước khi sử dụng một biểu tượng gì, nên chăng hãy tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh vừa mất tiền vừa nhận về những tác dụng không như ý lại ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống dân tộc.
N.LAN (tổng hợp từ VOV)