Khi các loại hình giải trí “trăm hoa đua nở”, sân khấu truyền thống - trong đó có tuồng - gặp rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để thu hút khán giả đến với tuồng và yêu thích tuồng? Đó là một câu hỏi khó, song vẫn có lời giải.
Biểu diễn tuồng tại TP Tuy Hòa - Ảnh: Y LAN |
Dưới đây là những chia sẻ của nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn - người có gần 40 năm duyên nợ với tuồng.
* Thưa ông, trước tình hình có quá nhiều sân chơi, loại hình giải trí thu hút khán giả, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có bí quyết gì để sân khấu thường xuyên sáng đèn, thưa ông?
- Để khán giả đến với mình thì trước hết mình phải trau dồi nghệ thuật và có những tác phẩm tốt. Nếu không sáng tạo mà cứ giữ nguyên những gì đã có thì chỉ thu hút được khán giả lớn tuổi, còn để chinh phục khán giả thanh thiếu niên và trung niên thì rất khó. Vì vậy, nhà hát vừa bảo tồn vừa phát triển nghệ thuật tuồng sao cho đúng hướng, đi vào lòng người và không lai căng, pha tạp. Chúng tôi luôn băn khoăn trăn trở tìm cách đưa nghệ thuật tuồng đi vào đời sống của người dân và không bị mất gốc.
Nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện sinh năm 1957, tại Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, ông làm việc tại dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Chỉ huy tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vào năm 1991, ông chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Tuồng Đào Tấn ở Bình Định và hiện là giám đốc nhà hát này. Các tác phẩm được nhiều người biết đến của nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện: Vua Hùng kén rể, Trời Nam, Nữ tướng Tây Sơn, Mộng bá vương, Mênh mang vó ngựa cung đàn... Ông đã đoạt nhiều huy chương tại các hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam... |
* Tuồng là một loại hình nghệ thuật bác học. Khán giả phải hiểu tuồng thì mới xem và thích thú. Tuy nhiên, lớp khán giả đó tuổi ngày càng cao, còn lớp trẻ thì rất ít người hiểu vẻ đẹp và những giá trị đặc biệt của tuồng. Theo ông, làm thế nào để khán giả trẻ yêu thích tuồng, từ đó sẽ cùng các nghệ sĩ gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này?
- Đưa sân khấu vào học đường là chủ trương hết sức đúng đắn để đào tạo khán giả mới. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nếu mình cứ giữ nguyên những từ Hán - Việt, những điệu bộ nặng nề, khó hiểu…, mình cứ cho rằng đó là bác học, cao siêu thì khán giả hiện nay sẽ không tiếp cận được. Vì vậy, kết hợp với việc đưa sân khấu vào học đường, cần có những buổi nói chuyện, giới thiệu đặc trưng, đặc điểm của nghệ thuật tuồng, sau đó thì biểu diễn để giới trẻ xem, từ đó họ sẽ hiểu. Khi viết kịch bản, chúng tôi chú trọng những đề tài gần gũi với công chúng hiện nay. Và đặc biệt, trong những kịch bản tuồng gần đây, chúng tôi không dùng từ Hán - Việt; cách hát cũng không thiên về ngân nga luyến láy nhiều mà phải có sáng tạo, trên cơ sở giữ được chất tuồng song gần gũi với đời sống hơn. Những vở tuồng mà chúng tôi biểu diễn trong thời gian qua, trong đó có vở Tình yêu và khát vọng về danh nhân Lương Văn Chánh đã được khán giả đón nhận và rất thích.
* Trong hành trình vừa sáng tạo vừa gìn giữ vốn quý của người xưa, đâu là thử thách lớn nhất đối với các nghệ sĩ tuồng, thưa ông?
- Thử thách lớn nhất là phát triển theo hướng nào cho phù hợp. Tôi lấy ví dụ như tiết mục song tấu bộ gõ Nhịp phách tương giao mà các nghệ sĩ Bình Định vừa biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ V do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức. Tiết mục song tấu đó hoàn toàn là chất tuồng nhưng hình thức biểu diễn có sự sáng tạo, chứ không phải cắm cúi hòa tấu, thể hiện kỹ thuật trên đôi tay; tiết tấu cũng gần gũi với đời sống hơn. Tôi nghĩ trống không chỉ ồn ào mà còn có những phút giây sâu lắng, nhẹ nhàng tinh tế.
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tuồng ở Phú Yên và Bình Định?
- Tôi thấy Phú Yên có nhiều tiềm năng về tuồng. Có những lần Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã vào Phú Yên để tuyển sinh. Ở Bình Định, chúng tôi tìm diễn viên hội đủ cả thanh lẫn sắc, kết hợp với các thầy giỏi để cùng nhau tìm cách thể hiện mới cho tuồng. Hiện nay, cách phát triển tuồng ở Bình Định là khả quan, có những ngày Nhà hát Tuồng Đào Tấn diễn đến 3 suất, bà con rất thích. Nhà hát không bán vé mà hợp đồng với địa phương. Người dân sẵn sàng góp tiền để đi xem tuồng. Đây là những tín hiệu vui, tuy nhiên cơ chế để động viên nghệ sĩ, diễn viên và phát triển nghệ thuật tuồng vẫn còn ít; lương và chế độ bồi dưỡng của nghệ sĩ, diễn viên còn thấp nên chưa khích lệ, thu hút họ. Nếu có sự quan tâm nhiều hơn nữa thì tôi tin khán giả trẻ sẽ đến với tuồng.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)