Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, gia đình tôi sống ở một làng quê nghèo khó; nhà ở chỉ là một mái nhà tranh, vách đất chật hẹp nhưng có tới 3 thế hệ chung sống. Tuy phải sống trong thời chiến tranh loạn lạc nhưng ông bà, cha mẹ luôn quan tâm để cả nhà được quây quần bên những bữa cơm gia đình, nhất là những bữa cơm chiều.
Ông bà tôi thường nhắc nhở con cháu rằng, bữa ăn là để cả nhà vui vầy, chung hưởng, san sớt, sẻ chia sau một ngày làm lụng vất vả. Tới bữa mà vắng đứa này, thiếu đứa nọ thì dù có miếng ngon vật lạ gì cũng khó mà ngon miệng. Ngồi ăn cơm cùng nhau là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau: Con trẻ thể hiện sự kính trọng, chăm chút ông bà qua từng cử chỉ, nói năng, ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han, quan sát việc học hành, chia sẻ những ý tưởng, tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, đỡ đần, săn sóc cho nhau. Đó cũng là tấm gương cho con trẻ mai sau lớn lên được bồi đắp về nhân cách, tình yêu thương, lòng nhân ái, cách giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Bữa ăn sum họp trong không khí vui vầy còn là sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình chứ không chỉ đơn thuần ăn để sống.
Nhưng có lẽ nhớ nhất là những lời bảo ban, nhắc nhở về đối nhân xử thế mà ngay từ nhỏ tôi đã thấm được từ những bữa ăn gia đình. Khi nói “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, bà tôi thường lấy ví dụ thực tế: Ăn trông nồi là phải biết áng chừng nồi cơm còn lưng hay đầy để mà giơ chén xin mẹ bới cơm. Nếu đã vét nồi sồn sột mà còn đòi thêm cho bằng được thì đó là người tham ăn, không biết phải quấy. Tính nhường nhịn, sẻ chia của con trẻ được định hình từ đây. Còn ngồi trông hướng là ý muốn nói tới trật
tự gia đình. Dọn mâm cơm ra, đặt trên nền nhà hay đặt trên chiếc nong giữa sân, bao giờ cha mẹ tôi vẫn là người ngồi đầu mâm. Mẹ là người ngồi bên nồi cơm để bón xới cho từng người. Cha ngồi đối diện với mẹ. Ông bà ngồi đằng giữa cuối mâm nhìn từ cổng vào. Khoảng trống còn lại là dành cho con cháu quây quần. Phận con cháu không được ngồi đầu nồi, như thế là lấn lướt, sau này lớn lên không biết kẻ trên người dưới.
Thời làm ruộng chỉ trông vào nước trời, mỗi năm chỉ có một vụ lúa, để có được hạt gạo, người nông dân phải chịu cảnh “Dẻo thêm mấy hạt, đắng cay muôn phần”. Nồi cơm dọn ra độn đôi ba phần khoai sắn. Bà tôi thường dạy, cơm là “hạt ngọc” trời cho, vo gạo nấu cơm phải chắt nước vào hũ cho heo; ăn cơm phải vén khéo, không để rơi vãi phí phạm của trời. Ai phụ của trời, mai kia thác xuống âm phủ sẽ bị quỷ dữ bắt ăn dòi. Mỗi hạt cơm, gạo rơi vãi là một con dòi đó nghe con! Nghe phát khiếp. Anh em nhà tôi, khi ăn không ai dám để cơm rơi ra ngoài, xong bữa trong chén không còn dính một hạt nào. Và tôi có được bài học phải biết quý trọng từng hạt cơm, bát gạo do công sức mình làm ra từ đó.
Còn nhớ, cái thời cả làng còn ít người trồng mía, tới mùa mía đường, trẻ chăn bò thường kéo vào lò che xin mía để ăn. Gặp phải ông chủ thảo ăn thì cho mỗi đứa một cây. Có chủ keo kiệt đã không cho mà còn xách sào chụm lửa lò rượt đuổi cả bọn chạy thục mạng. Gặp những chủ mía như vậy, chúng tôi thường ra bên ngoài la to với câu đồng dao: Vái ông lò, bà lè/ cháy chảo, hao chè/ bò què che gãy/ gà gáy cháy chòi/ cháy luôn đám mía/ mất cái nòi ham ăn. Nghe chuyện trên, trong một bữa cơm chiều bà tôi nhắc nhở: Nói gì thì nói, câu ca để hát cho vui miệng, đốt mía của người ta là gây thù chuốc oán, phạm phải tội “bất nhân, thất đức”...
Còn rất nhiều bài học từ những bữa cơm gia đình giờ ngẫm lại thật quý giá vô cùng. Bởi ở đó bao giờ cũng chính là chiếc gương soi của hạnh phúc gia đình.
MẠNH MINH TÂM