Sau 3 năm ấp ủ và chuẩn bị, bộ phim truyền hình Phật hoàng Trần Nhân Tông dự kiến sẽ được bấm máy vào tháng 9 tới tại non thiêng Yên Tử. Phim xoay quanh cuộc đời, phẩm hạnh của vị vua tài hoa, lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam, vị tổ sư Phật giáo phái Trúc Lâm được nhân dân tôn kính lên bậc Phật hoàng.
Phim Phật hoàng Trần Nhân Tông do đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Văn Lượng - Giám đốc Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng (HFS) - thực hiện với sự phối hợp của Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa, dựa trên 15 tập phim tài liệu Phật hoàng Trần Nhân Tông được sản xuất vào tháng 11/2011.
Đạo diễn Văn Lượng cho biết: “Làm phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng tôi muốn tái hiện một triều đại vẻ vang nhất trong lịch sử nước nhà. Không khí của thời Trần 700 năm trước giống như những gì chúng ta vừa trải qua và có thể phải đối mặt trong những ngày sắp tới”.
45 tập phim Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ xoay quanh cuộc đời, phẩm cách của vị vua hiền minh này, góp phần khắc họa hình ảnh một trong những vị vua lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Để chuẩn bị thật kỹ càng cho bộ phim này, vào tháng 10/2012, tại khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), đạo diễn Văn Lượng đã cùng Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa phối hợp với HFS tổ chức tọa đàm “Hướng tới bộ phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông”, cùng sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử với mong muốn có được một bộ phim sử thi đúng tầm. Ngoài những ý kiến đóng góp cho bộ phim, ê-kíp làm phim còn cùng các nhà sử học, các chuyên gia… tham quan, khảo cứu các di tích, các câu chuyện, sự tích liên quan đến vua Trần Nhân Tông cũng như sinh hoạt, phục trang, bối cảnh thời kỳ đó.
Lý giải về tên phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, đạo diễn Văn Lượng nói: Sau khi vua Trần Nhân Tông lên ngôi một thời gian, thế sự đã thành, đất nước trên đỉnh cao oanh liệt đang bước sang phồn vinh thì ông lại nhường ngôi vào năm 1293 rồi chọn đường hướng Phật. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Tháng 7, năm Kỷ Hợi, dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử. Tháng 8, xuất gia tu khổ hạnh…”. Tại đây ông ngộ được niềm đạo: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xa hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, (dịch nghĩa là: Sống giữa phàm trần/ Hãy tùy duyên mà vui với đạo/ Đói thì ăn, mệt thì ngủ/ Trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác/ Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa). Ý nghĩa giáo lý “Phật ở tại tâm” của Trúc Lâm Yên Tử do ông sáng lập dường như hiển hiện hết cả ở bài thơ Cư trần lạc đạo này.
Trước những băn khoăn của nhiều người về phim lịch sử đang yếu và thiếu, vậy có cơ sở nào để tin rằng bộ phim truyền hình Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ hấp dẫn khán giả, đạo diễn Văn Lượng tự tin cho rằng: Chúng ta chưa có nhiều phim lịch sử nên chưa thể khẳng định rằng phim về đề tài lịch sử không hay. Và đã ít thì lấy gì mà so sánh? Không ít người hỏi tôi rằng phim cổ trang, lịch sử đang kém, các nhà làm phim lỗ to sao tôi lại “đâm đầu vào”? Nếu chúng ta không lao vào làm thì cứ chịu kém mãi hay sao? Vấn đề không chỉ là các đạo diễn, các nhà làm phim phải làm sao để phim của ta không còn kém, không lỗ nữa chứ. Quan điểm của tôi là muốn có phim hay thì phải làm. Không còn cách nào khác. Mong rằng phim này là phim của chúng ta chứ không chỉ của riêng chúng tôi…”.
Phim Phật hoàng Trần Nhân Tông được chuẩn bị từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2015. Nhằm phục vụ dự án này, nhà sản xuất mở lớp đào tạo diễn viên cổ trang từ 20/8 đến 20/9/2014 tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
N.LAN (tổng hợp)