Du lịch là một ngành tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có giá trị kinh tế cao và sức tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh tác động tích cực, du lịch cũng có những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến văn hóa xã hội và môi trường. Chính điều này đã đặt ra vấn đề nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan về Du lịch có trách nhiệm.
TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Theo tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dù đôi khi có những biến cố bất lợi, lượng du khách trên toàn thế giới vẫn không ngừng tăng trưởng. Về mặt kinh tế, thu nhập xuất khẩu từ dịch vụ du lịch quốc tế đón khách lên tới 3 tỉ USD mỗi ngày và ngành công nghiệp không khói này chiếm gần 1/3 tỉ lệ xuất khẩu dịch vụ thương mại trên toàn cầu. Đối với Việt Nam những năm gần đây, du lịch nổi lên như một ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Theo Tổng cục Du lịch, đến năm 2015, du lịch và lữ hành được kỳ vọng trở thành ngành tuyển dụng nhân lực lớn nhất, sẽ đóng góp khoảng 15% lực lượng lao động quốc gia với 1,4 triệu việc làm trực tiếp và một khối lượng đáng kể việc làm gián tiếp.
Rõ ràng, du lịch là ngành có mức tăng trưởng mạnh mẽ, là cỗ máy quan trọng thúc đẩy chi tiêu, đầu tư, tạo ra thu nhập ngoại tệ, việc làm và tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái với những tác động tiêu cực đến xã hội, môi trường tạo nên những thách thức thật sự nếu không có quy hoạch khoa học và hành động có trách nhiệm. Ông Vũ Quốc Trí, Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế (Tổng cục Du lịch), phụ trách Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ phân tích: Các tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường do sự yếu kém trong quy hoạch và quản lý gồm phát triển quá mức hoặc không đồng đều. Chúng ta có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng trị giá hàng triệu đô la dọc theo bờ biển, nhưng phía sau nó là các khu ổ chuột. Bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ của khách du lịch cũng có thể làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương, khiến họ mất đi không gian riêng tư gây cảm giác ngột ngạt. Một tác động tiêu cực nữa là hạn chế và phá hủy môi trường tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, mất đi tính đa dạng sinh học, gây xói mòn và tạo ra các tác động xấu khác đến môi trường tự nhiên.
DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM
Theo UNWTO và Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, cốt lõi của Du lịch có trách nhiệm là các nguyên tắc du lịch bền vững hướng đến 3 mục tiêu chính. Đó là sử dụng tối ưu các nguồn lực môi trường tạo nên thành tố chính cho phát triển du lịch, duy trì các tiến trình sinh thái thiết yếu và góp phần bảo tồn di sản tự nhiên và đa dạng sinh học. Tôn trọng bản sắc văn hóa - xã hội của cộng đồng, bảo tồn các di sản văn hóa, giá trị truyền thống và nâng cao hiểu biết về chúng. Đảm bảo các lợi ích kinh tế khả thi, lâu dài được phân phối công bằng cho tất cả các đối tác, bao gồm tình trạng việc làm bền vững, cơ hội cải thiện thu nhập, các dịch vụ xã hội cho cộng đồng và góp phần giảm nghèo.
Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi tất cả các bên liên quan từ khách du lịch đến các nhà quản lý, nhân viên làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tích cực tham gia vào quá trình tạo ra các thay đổi tích cực qua việc đưa ra các quyết định và hàng ngày thực hiện các hành động giúp tối đa hóa các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực. “Do đó, yếu tố then chốt quyết định sự thành công của Du lịch có trách nhiệm là sự đón nhận trách nhiệm của tất cả các đối tác. Mỗi quyết định của chúng ta đưa ra hàng ngày đều có thể tác động tới con người và môi trường xung quanh. Khi đưa ra các quyết định chúng ta cần đặt mình ở vị thế của nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm du lịch, nhằm mang lại lợi ích tích cực nhất cho con người và môi trường xung quanh” - ông Vũ Quốc Trí phân tích thêm.
Khi thực hiện Du lịch có trách nhiệm thì lợi ích của nó mang lại là rất lớn cho cả doanh nghiệp, khách du lịch và toàn xã hội. Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Vì lợi ích và phát triển bền vững của du lịch có trách nhiệm, nên ngành Du lịch Phú Yên muốn tất cả mọi người, mà trước hết là cán bộ quản lý của ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần hiểu rõ và nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, từ đó có quyết định và hành động trách nhiệm hơn. Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Tuy Hòa, một trong những người được tập huấn về Du lịch có trách nhiệm, chia sẻ: “Qua lớp tập huấn, chúng tôi hiểu rõ hơn về khái niệm Du lịch có trách nhiệm và những ích lợi mà nó mang lại, từ đó có những quyết định và hành động có trách nhiệm hơn với xã hội và môi trường; đồng thời tuyên truyền cho nhiều người biết và cùng thực hiện”.
QUỲNH MAI