Chủ Nhật, 09/02/2025 08:24 SA
Lời thương gửi đảo xa - tấm lòng người đất Tổ
Thứ Ba, 12/08/2014 14:00 CH

Lính hải quân hát các ca khúc về biển đảo - Ảnh: L.HẢO

Trong thời gian vừa qua, khi chủ quyền quốc gia bị thách thức, biển Đông lại một lần nữa đối mặt với bão giông thì cũng là lúc lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trào dâng hơn sóng bể. Mỗi người dân Việt đều thể hiện lòng yêu nước của mình theo cách riêng, song một điều chung nhất là dù ở rừng sâu, núi cao hay ở đồng bằng, rừng đước, tất cả đều hướng về biển đảo thân yêu. Ca khúc Lời thương gửi đảo xa là một trong muôn vàn cách thể hiện đã đến với tôi trong những ngày như thế!

 

Tôi nhanh chóng bị cuốn vào ca khúc Lời thương gửi đảo xa không chỉ bởi giai điệu mượt mà, da diết mà còn vì những ca từ chất chứa yêu thương. Với cấu trúc 2 đoạn đơn phát triển, ca khúc là một chỉnh thể gọn, chứa chan tình cảm của người hậu phương nói chung và người đất Tổ nói riêng dành cho chiến sĩ nơi đảo xa.

 

Sự hòa quyện những cung bậc tài hoa của nhạc sĩ Ngọc Quang (người con tỉnh Phú Yên) với lời thơ giàu hình ảnh của tác giả Ngô Thái (người con đất Tổ Hùng Vương) đã tạo nên nét độc đáo của ca khúc. Hai tác giả ở hai vùng đất xa xôi đã gặp nhau ở tình yêu biển đảo, hai trái tim đồng điệu rung lên thành những thanh âm đằm thắm: “Cho em gửi về Trường Sa nỗi nhớ, tình trung du tha thiết, bồi hồi”. Nhạc sĩ Ngọc Quang đã mở đầu ca khúc giọng thứ của mình như thế để rồi nỗi nhớ ấy, tình yêu ấy trải ra cùng biển đêm, cùng “con tàu vượt sóng gió ra khơi”. Niềm “khao khát sao trời” của biển hay chính là niềm khát khao tình yêu đôi lứa, là khát vọng tự do, khát vọng hòa bình? Ánh trăng trên biển mênh mông hơn, bao la hơn với bậc V ngân dài cuối câu hát, một nỗi nhớ đằm sâu, dịu dàng cứ lắng mãi vào trái tim người nghe. Tự ngàn xưa, biển vẫn khao khát sao trời, trăng vẫn rải ánh bạc lấp lánh trùng khơi và nhịp thở quê hương vẫn thì thầm theo từng đợt sóng. Song đêm nay, “cánh hải âu dập dờn trên biển vắng” và nơi “đất Tổ yêu thương” có một trái tim không ngủ, trái tim núi đồi “nghe trong lòng sóng dậy phía biển Đông”. Tôi không biết có phải do giai điệu được viết từ chính những con sóng lòng của nhạc sĩ hay là do những hình ảnh thơ đẹp mà mỗi câu hát cứ quyện lấy trái tim mình? Cảm ơn tác giả thơ Ngô Thái đã nói hộ lòng tôi - người con gái đất Tổ, nói hộ lòng biết bao người dân Việt trong những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của ta và nhạc sĩ Ngọc Quang đã chắp cánh cho những vần thơ ấy bằng giai điệu mang đậm chất dân ca, giản dị mà không kém phần tinh tế! Như những con sóng dạt dào, nỗi nhớ của người con gái đất Tổ dành cho đảo xa lúc dâng trào, lúc lắng sâu, lúc được ví như cánh hải âu thân thuộc vượt qua ngàn trùng sóng đến bên người chiến sĩ. Chính vì thế, ngay sau những “nhịp thở quê hương” đằm thắm đó, giai điệu nhảy quãng 8 liên tiếp cùng các dấu luyến trước khi về âm chủ. Tôi nghe thấy trong hòa âm điều trăn trở, tôi cảm thấy trong giai điệu nỗi lòng ngồi đứng không yên. Chắc hẳn nhạc sĩ Ngọc Quang đã nhiều đêm hướng về đảo xa nên mới cho ra đời giai điệu cồn lên như “sóng dậy phía biển Đông” như thế!

 

Nếu ở đoạn 1, âm nhạc dịu dàng, đằm thắm, ý tứ như tình cảm của người con gái thì sang đoạn 2, âm thanh dồn lên, mãnh liệt như ý chí kiên hùng của người lính đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền biển đảo: “Tổ quốc ơi chưa một ngày yên nghỉ”… Bất giác, tôi lại nhớ một câu thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên khi viết về đất nước: “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, mấy ngàn năm rồi Tổ quốc chưa một phút bình yên! Việt Nam được mệnh danh là đất nước nơi đầu sóng, từng tấc đất, từng tấc biển cha ông tự bao đời vẫn được toàn dân, toàn quân ta ngày đêm canh giữ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu”, bởi vì “Biết bao người nằm lại phía đảo xa”. Tiết tấu đẩy lên cùng với làn sóng giai điệu được giãn rộng hơn tạo nên âm hưởng vững chãi, mạnh mẽ; một niềm tin vào truyền thống yêu nước từ “sóng Bạch Đằng cuồn cuộn sóng Hoàng Sa”. Trong những ngày Tổ quốc bão giông từ biển, hơn bao giờ hết, sóng Bạch Đằng giang lại cuộn lên, trào dâng trong lòng mỗi người dân nước Việt để rồi không chỉ “biển Đông dậy sóng” mà trên khắp dải đất hình chữ S, “triệu triệu trái tim muôn người như một”. Không còn nữa tình cảm riêng tư, âm nhạc ở đây bừng lên những đợt sóng của muôn lòng yêu nước, cái riêng đã hòa vào tình cảm chung của dân tộc, nhiều con sóng nhỏ đã góp thành đợt sóng lớn: “Quyết giữ gìn biển đảo quê hương”. Ca khúc đã khép lại song âm hưởng của câu cuối như lời hiệu triệu, như lời khẳng định cứ ngân vang mãi.

 

Lời thương gửi đảo xa ngan ngát hương vị của hai miền quê Phú Thọ và Phú Yên. Những lời thơ mộc mạc, chất chứa tình người đất Tổ hòa quyện với giai điệu giàu sức biểu cảm mang đậm chất dân ca miền Trung đã tạo nên nét tinh tế riêng biệt cho ca khúc. Đó chính là món quà tinh thần vô giá, là nguồn động viên của hậu phương gửi tới các chiến sĩ đang từng phút, từng giờ đối mặt với sóng dữ.

 

Nếu chủ đề biển đảo là mảnh đất thì những vần thơ của tác giả Ngô Thái là hạt giống để rồi nhạc sĩ Ngọc Quang thổi vào đó cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển. Những mạch nguồn vĩnh cửu của lòng yêu nước đã đẩy mầm cây bừng lên sức sống mới dạt dào như biển cả. Với sức sống ấy, tin chắc rằng Lời thương gửi đảo xa sẽ tiếp tục vượt qua không gian, thời gian, vượt qua ngàn trùng sóng bể, mang tình cảm thiêng liêng của người đất Tổ nói riêng, của đất liền nói chung đến với các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi!

 

PHẠM THỊ THU HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek