“Ra mắt” giới dịch thuật vào năm 1986, với tác phẩm dịch đầu tay Đức mẹ mặc áo choàng lông, đến nay dịch giả Đào Minh Hiệp đã đưa khoảng 15 tiểu thuyết, tập truyện ngắn của các tác giả nước ngoài đến với người đọc Việt Nam. Nhà văn “3 trong 1” này có những chia sẻ thú vị về việc dịch các tác phẩm văn học.
Các tác phẩm dịch của nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp (sinh năm 1950, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên): Tiểu thuyết Đức mẹ mặc áo choàng lông (X.Ali), tiểu thuyết Sếu đầu mùa (Ts.Aitmatốp), tiểu thuyết Khát vọng đổi đời (S.Xvai), tiểu thuyết Thám tử buồn (V.Axtaphiép), tiểu thuyết Một đêm huyền ảo (C.Jaunier), tiểu thuyết Vĩnh biệt Machiôra (V.Raxputin), tiểu thuyết Một cuộc điều tra (G.Bôrôvích), tiểu thuyết Tiểu thư Vichtoria (K.Hamsun), các tuyển tập truyện ngắn thế giới: Nô lệ của tình yêu, Con của mặt trời, 2 tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua và Thế giới trẻ em (Chechnya Kanta Khamzatovich Ibragimov)… Nhà văn Đào Minh Hiệp còn được biết đến với việc dịch các bộ phim truyền hình nhiều tập: Người giàu cũng khóc, Trở lại Êđen, Nicơlơt Nichcơnbi, Đế chế, Những cuộc phiêu lưu của con tuấn mã… Ông cũng là người đam mê hội họa, đã có một triển lãm tranh cá nhân. |
* Theo ông, dòng tác phẩm văn học nước ngoài nào đang thu hút người đọc?
- Xu hướng của bạn đọc bây giờ là các tác phẩm văn học đương đại, trong đó có văn học Nga. Văn học đương đại của nước Nga chủ yếu viết về thời kỳ sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, với rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh khi bước sang cơ chế thị trường. Hai cuốn tiểu thuyết tôi chọn dịch vừa rồi là Cuộc chiến đi qua và Thế giới trẻ em của nhà văn Chechnya Kanta Khamzatovich Ibragimov cũng nằm trong dòng văn học đó.
* Còn các tác phẩm văn học phương Tây thì sao, thưa ông?
- Tôi chú ý một số tác phẩm văn học Mỹ, chủ yếu là truyện ngắn. Theo yêu cầu của Tạp chí Việt - Mỹ, tôi chọn một số tác phẩm của các tác giả châu Á định cư ở Mỹ. Tôi dịch gần 10 truyện, đang gom lại để xuất bản tập truyện ngắn văn học Mỹ và văn học Tây Âu. Các tác phẩm văn học bây giờ khai thác đề tài về những mâu thuẫn mang tính thời sự, có những chuyện xảy ra cách đây 5, 7 tháng hoặc 1, 2 năm cũng được đưa vào tác phẩm, vì đó là điều mà bạn đọc quan tâm.
* Khá đông người đọc ở Việt Nam hầu như chỉ quan tâm đến các tác phẩm văn học dịch, ít chú ý đến các tác phẩm văn học trong nước, kể cả những tác phẩm đình đám. Vì sao lại như thế?
- Chuyện này đã có từ nhiều năm nay, không chỉ riêng ở Việt Nam mà một số nước khác cũng vậy. Do văn học trong nước chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút nên bạn đọc lựa chọn những tác phẩm nước ngoài để đọc. Không chỉ ở lĩnh vực văn chương mà điện ảnh, âm nhạc cũng vậy. Đó là trào lưu chung. Người ta có quyền lựa chọn những tác phẩm hay để thưởng thức. Điều đó buộc các tác giả trong nước phải phấn đấu vươn lên.
* Phải chăng còn một lý do khác: Các tác phẩm văn học dịch được quảng bá tốt hơn?
- Đấy cũng là một yếu tố quan trọng. Thực ra thì văn học trong nước cũng được quảng bá mạnh. Một số nhà xuất bản nổi tiếng, như Nhà xuất bản Trẻ, quảng bá rất mạnh, song lượng tiêu thụ vẫn không bằng văn học nước ngoài. Điều đó là do sức hấp dẫn của chính tác phẩm văn học.
* Điều gì khiến ông quan tâm đầu tiên trong việc chọn dịch một tác phẩm văn học nước ngoài?
- Tôi tìm hiểu về tác giả, tìm hiểu xem những tác phẩm nào của tác giả đó được bạn đọc quan tâm. Trên cơ sở những thông tin ban đầu, tôi lên mạng tìm tác phẩm của họ. Công việc tốn nhiều thời gian nhất, đôi khi hơn cả việc dịch thuật, là đọc tác phẩm. Bởi vì để chọn một tác phẩm ưng ý, nhiều khi tôi phải đọc cả chục tác phẩm của một tác giả. Ví dụ như khi muốn dịch tác phẩm của nhà văn Kanta Khamzatovich Ibragimov, tôi phải đọc gần chục tác phẩm của ông ấy mới chọn 2 tác phẩm tâm đắc là Cuộc chiến đi qua và Thế giới trẻ em.
* Đâu là thử thách lớn nhất khi đưa một tác phẩm văn học nước ngoài đến với người đọc Việt Nam, thưa ông?
- Tôi nghĩ đó chính là những thành ngữ, điển tích, những sự kiện văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật… mà người dịch không phải lúc nào cũng có thể hiểu hết. Nhờ có mạng internet, việc tra cứu dễ dàng hơn và quá trình dịch cũng nhanh hơn trước.
* Sau rất nhiều năm dịch thuật, ông hài lòng với tác phẩm nào nhất?
- Cũng khó nói, mỗi “đứa con” sinh ra đều gắn bó máu thịt với mình. Nhưng xét cho cùng thì có 2 tác phẩm mà tôi rất tâm đắc, đó là tiểu thuyết dịch đầu tay Đức mẹ mặc áo choàng lông và tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua. Đức mẹ mặc áo choàng lông gần như là trải nghiệm của chính tôi vậy. Tiểu thuyết này viết về một sinh viên học tập ở nước ngoài, về mối tình, cuộc sống của cậu ấy sau khi trở về nước. Cuốn Đức mẹ mặc áo choàng lông được tái bản gần 10 lần, riêng chỉ trong 2 lần tái bản đầu đã hơn 100.000 bản. Còn tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua có sức bao quát rộng lớn và thông qua đó, người đọc có thể cảm nhận một cách đầy đủ, chân xác về bản anh hùng ca cùng những tấn bi kịch tại Chechnya và các vùng đất khác nhau trên lãnh thổ rộng lớn của Liên bang Xô-viết trước đây. Đó là 2 cuốn sách mà tôi tâm đắc và đã rất trau chuốt khi dịch, bằng tất cả niềm say mê.
* Theo ông, người đọc Việt Nam tìm thấy điều gì ở các tác phẩm văn học dịch?
- Thứ nhất, họ rút ra những bài học quan trọng trong cuộc sống. Thứ hai, họ khám phá những vùng đất mới.
* Xin cảm ơn nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp!
YÊN LAN (thực hiện)