Qua 20 năm làm vũ sư, 8 năm “cần cân nảy mực” các cuộc thi khiêu vũ trong nước, HLV Ballroom quốc tế - trọng tài quốc gia Nguyễn Trọng Đạt có nhiều điều để chia sẻ, đặc biệt là những áp lực trên “ghế nóng”. Theo HLV người Hà Nội lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, điều khó nhất là gạt tình cảm sang một bên để có cái nhìn công bằng.
HLV Ballroom quốc tế Nguyễn Trọng Đạt - Ảnh: Y.LAN |
* Thường xuyên làm trọng tài, giám khảo các cuộc thi khiêu vũ, hẳn anh có nhiều kinh nghiệm trên “ghế nóng”?
- Điều quan trọng nhất là không để tình cảm xen vào công việc. Ai cũng có tình cảm và những mối quan hệ. Nếu không khéo thì mình dễ bị chi phối bởi những người từng là học trò của mình, những người được đồng nghiệp gởi gắm… Vì vậy, khi “cầm cân nảy mực”, tôi phải xác định đây là công việc và gạt tình cảm sang một bên. Đấy là cái khó nhất của một trọng tài nếu muốn làm tròn công việc của mình.
Mặt khác, khi “cầm cân nảy mực”, mình phải rất tập trung để không có những đánh giá lệch, trong tích tắc thôi cũng có thể làm mất đi công sức tập luyện cả năm của thí sinh. Tận tâm và hoàn thành tốt công việc, mình cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong cuộc thi cũng có những sự cố xảy ra mà mình không lường trước được, dù đã rất cố gắng.
* Nhưng anh sẽ “gạt tình cảm sang một bên” như thế nào, nếu trong cuộc thi đó có học trò của mình tham gia, hoặc có đôi nhảy đã được người mà anh trân trọng, yêu mến “gởi gắm”?
- Tôi rất thích câu hỏi này vì đã nhiều lần rơi vào hoàn cảnh “khó đỡ” như thế. Sau rất nhiều thử nghiệm, trải nghiệm, tôi rút ra kinh nghiệm riêng: sẽ “cào bằng” tất cả trên sàn nhảy. Tôi chỉ nghĩ đây là những vận động viên thực sự và họ đang cố gắng cống hiến cho khán giả. Và nếu có học trò, tôi sẽ nhìn họ bằng đôi mắt thậm chí còn khắt khe hơn những người khác. Nếu học trò thể hiện tốt những gì đã được hướng dẫn thì mình rất vui, còn nếu họ thi dưới sức so với lúc tập, thì đây có thể là một “hình phạt” của tôi. Tôi vẫn thường dặn các học trò rằng: Khi đi thi, không có người nào “đỡ” cho các bạn nổi, chỉ có thể trông cậy vào chính các bạn. Và dù có đoạt huy chương vàng nhưng nếu các bạn chưa xứng đáng thì ý nghĩa của chiếc huy chương vàng đó cũng không bằng huy chương bạc, huy chương đồng… Điều quan trọng là khi các bạn rời sàn đấu, người ta vẫn còn nhớ: Đây mới là đôi nhảy đẹp. Huy chương không phải là tất cả. Mà huy chương cũng có nhiều dạng, huy chương cấp CLB, huy chương của các tỉnh, thành phố, của quốc gia… Mỗi huy chương có một sức nặng khác nhau. Bạn thích được nhiều huy chương thì cứ đi thi, ở những giải nhỏ bạn có thể “gom” được cả khối.
Gặp trường hợp có hai đôi “tranh chấp” nhất, nhì đang được cân nhắc, trong đó có đôi là học trò của mình, nếu trình độ học trò yếu hơn hẳn, dứt khoát tôi không thể “đỡ” được. Còn nếu hai đôi “kẻ tám lạng, người nửa cân” thì tôi sẽ tính các chỉ số phụ. Có thể giám khảo khác đánh giá cao sự biểu cảm, tính nghệ thuật, phong cách riêng… còn với tôi, yêu cầu đầu tiên là kỹ thuật chuẩn. Tôi sẽ đánh giá theo cách đó. Học trò tôi sẽ theo “gu” của tôi, còn giám khảo khác cũng có quyền chọn đôi nhảy khác, theo “gu” của họ.
* Kỹ thuật thì đã rõ song nghệ thuật thì khác, mỗi trọng tài, mỗi giám khảo có cách cảm nhận riêng…
- Bạn phải thực sự nắm vững kiến thức về khiêu vũ, về âm nhạc và hiểu cả những khó khăn mà thí sinh, VĐV gặp phải trên sàn, đánh giá chính xác những sự cố xảy ra trong lúc thi là do chủ quan hay khách quan. Ví dụ, khi một đôi nhảy vấp một động tác, dừng bài, “phá” bài thì mình phải biết đấy là lỗi của họ hay do va chạm… Những chuyển động của họ rất nhanh trong thời khắc mau lẹ, đòi hỏi người “cầm cân nảy mực” phải có khả năng quan sát tập thể, quan sát rất kỹ nhưng cũng phải “lướt” được rất nhanh để không bỏ sót những đôi nhảy tốt và cũng không bỏ sót lỗi. Cái này thì phải có kinh nghiệm.
* So với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phong trào khiêu vũ ở miền Trung vẫn còn một khoảng cách khá xa. Theo anh, đâu là những cái thiếu và yếu ở khu vực này?
- Tôi nghĩ bất lợi nhất chính là yếu tố địa lý; còn con người ở 3 miền đều đam mê bộ môn này, thậm chí người miền Trung có khi còn đam mê hơn. Sống cách xa các trung tâm là một trở ngại. Cũng vì trở ngại đó mà một số HLV ở khu vực miền Trung khó có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ như đồng nghiệp ở các thành phố lớn.
Con người là yếu tốt quan trọng trong việc phát triển phong trào. Nếu địa phương có các HLV thực sự tâm huyết và được sự quan tâm của những người có trách nhiệm thì sẽ thúc đẩy phong trào phát triển.
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)