Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên vừa tổ chức chương trình nghệ thuật Tiếng biển. Đây là tiếng lòng của văn nghệ sĩ Phú Yên đối với phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc trên biển Đông.
Mở đầu bằng ca khúc đầy hào khí Điện Biên Phủ trên biển Đông của nhạc sĩ Ngọc Quang, chương trình nghệ thuật Tiếng biển giới thiệu với công chúng 12 tác phẩm thơ, nhạc về biển đảo, trong đó có nhiều tác phẩm vừa ra đời khi biển Đông dậy sóng.
Còn nhớ vào ngày 8/5/2014, trong lúc cả nước xôn xao phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên facebook có tên Lính biển Việt Nam xuất hiện bài thơ Tiếng biển. Đó là những dòng tâm sự của người lính biển gửi về hậu phương:
“Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển
Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết
Những ngày này trong mỗi người dân Việt
Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi…
Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi
Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời
Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ
Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi”...
Lời lẽ mộc mạc nhưng chan chứa yêu thương, tinh thần vững vàng giữa muôn trùng sóng dữ của người lính biển trong bài thơ này đã lay động triệu trái tim và làm xôn xao cộng đồng mạng. Xúc động khi đọc Tiếng biển, nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang đã đưa giai điệu vào bài thơ này. Trong đêm thơ nhạc cùng tên, ca sĩ Minh Khương hát Tiếng biển bằng cảm xúc của một người lính nơi đầu sóng.
Ngoài Điện Biên Phủ trên biển Đông và Tiếng biển, nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang còn có thêm 2 ca khúc được giới thiệu trong đêm thơ nhạc này: Lời thương gửi đảo xa và Hẹn nhé đất liền ơi (thơ: Ngô Thái). Đó là 4 trong 6 ca khúc được nhạc sĩ Ngọc Quang sáng tác trong những ngày “nóng bỏng” vừa qua. Ông từng tâm sự: “Là một người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi không thể nào im lặng trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Tổ quốc. Đành gác lại những bản tình ca mà tôi viết sau chuyến đi thực tế sáng tác để dành thời gian và tâm huyết mang đến cho người nghe những giai điệu trữ tình, hào sảng, những lời lẽ chân thành, mộc mạc của lính đảo...”.
Thiên về tự sự, nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc có ca khúc Biển - Tổ quốc, còn nhạc sĩ Tấn Phát có ca khúc đầy hào khí Hướng ra biển Đông. Ca khúc này đã được Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển biểu diễn rất nhiều lần, lần nào cũng mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc.
Lắng lòng trong tiếng biển, trong niềm cảm phục những người lính nơi đảo xa, tác giả Huỳnh Trọng Thống ở huyện Phú Hòa sáng tác ca khúc Thương anh chiến sĩ Trường Sa, còn tác giả Vũ Hoàng Giang ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) có bài thơ Hàng triệu trái tim đang hướng ra biển đảo:
“… Cọc nhọn Bạch Đằng còn đó
Gò Đống Đa, Vạn Kiếp còn đây
dựng xây
Dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S…”
Người tạo bất ngờ trong đêm thơ nhạc Tiếng biển là ca sĩ Thanh Huệ. Trong chuyến đi Trường Sa mới đây, ca sĩ chuyên thể hiện những ca khúc trữ tình ngọt ngào của Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển bất ngờ… làm thơ. Bài thơ mộc mạc nhưng giàu cảm xúc của chị khá dài, có tên Cảm xúc Trường Sa, ghi lại những cảm nhận của một người từ đất liền lần đầu tiên ra đảo.
Đam mê dân ca, cổ nhạc song nghệ nhân Bình Thảng ở huyện Đông Hòa chưa bao giờ tách mình ra khỏi dòng thời sự nóng hổi. Hai bài hát Tình khúc đảo xa (tân cổ giao duyên) và Yêu anh lính đảo nhà giàn (dân ca bài chòi khu V) là những sáng tác mới của anh, thể hiện tình yêu đối với biển đảo thiêng liêng. Các học trò của nghệ nhân Bình Thảng, gồm: Ái Phi, Tấn Toàn và Thu Sa thể hiện khá tốt những bài hát này.
Khép lại chương trình nghệ thuật Tiếng biển, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật Trường Sa thân yêu trong mắt tôi. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Trần Quỳ - Chánh văn phòng hội. Cuối năm 2013 đầu 2014, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quỳ ra Trường Sa, ghi vào ống kính nhiều hình ảnh đẹp về những người lính biển và muôn mặt đời thường của cuộc sống trên quần đảo tiền tiêu này. Đặc biệt, ông được gặp con trai mình - một người lính đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Có lẽ vì thế mà Trường Sa càng trở nên gần gũi, thân thương trong mắt nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quỳ. Tất cả được thể hiện trong 58 bức ảnh trưng bày tại triển lãm, do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ.
YÊN LAN