Chủ Nhật, 19/05/2024 08:01 SA
Thị trường phim Việt:
Vắng bóng dòng phim nghệ thuật
Chủ Nhật, 29/06/2014 14:29 CH

Cảnh trong phim “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - Nguồn: Internet

Trong nhiều năm trở lại đây, trên thị trường phim ảnh Việt Nam, dòng phim nghệ thuật được công chiếu ngày một thưa dần rồi vắng bóng hẳn ở các rạp phim. Trước thực trạng chất lượng điện ảnh sa sút, không chỉ giới chuyên môn ngậm ngùi mà công chúng yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy cũng không khỏi chạnh lòng. 

 

Dòng phim nghệ thuật được hiểu là dòng phim có nội dung độc đáo, mang tính biểu tượng cao với giá trị nhân văn hướng tới con người nhằm phục vụ nhóm khán giả am hiểu nghệ thuật chứ không phục vụ số đông đại chúng, không hướng tới mục đích thương mại. Chính phim nghệ thuật là thước đo vị trí của nền điện ảnh một quốc gia trên trường quốc tế. Bởi các tác phẩm này chủ yếu được trình chiếu trong các liên hoan phim danh giá của thế giới - nơi mà giá trị nghệ thuật được tôn vinh. 

 

Đã có thời kỳ điện ảnh Việt Nam luôn được xướng tên trên bảng vàng của các kỳ liên hoan phim quốc tế. Chúng ta không lạ gì các tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam như Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh với các bộ phim đình đám: Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê; đạo diễn Thanh Vân với các phim: Đời Cát, Người đàn bà mộng du; đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn với các phim: Trăng nơi đáy giếng, Tuổi thơ dữ dội… Tuy nhiên gần đây, số lượng phim nghệ thuật đến với khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong 5 năm từ 2009 đến 2013, điện ảnh Việt Nam trình làng đúng 3 phim nghệ thuật: Chơi vơi (2009) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Bi đừng sợ! (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di và chờ mãi đến đầu năm 2013, đạo diễn Nhuệ Giang tạo một chút khí sắc cho điện ảnh với bộ phim Tâm hồn mẹ. “Đỉnh cao” của sự sa sút này là vào tháng 3/2014, tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng, ở hạng mục quan trọng nhất là phim truyện hay nhất, có 13 phim tranh giải thì 13 phim đều bị giới phê bình điện ảnh và phần đông khán giả đánh giá thấp về mặt chất lượng nghệ thuật. Sau khi “đãi cát tìm vàng”, ban tổ chức trao giải Cánh Diều Vàng ở hạng mục này cho Thần tượng - một bộ phim đơn thuần mang tính giải trí cho khán giả trẻ. 

 

Cũng dễ hiểu cho các nhà làm phim không mấy mặn mà với dòng phim nghệ thuật khi mà phim thương mại lại đại thắng doanh thu phòng vé. Giới truyền thông đưa tin, bộ phim Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ thu về 24 tỉ đồng chỉ sau 3 ngày công chiếu, bộ phim Tèo em của đạo diễn Charlie Nguyễn thu về 67 tỉ đồng trong tuần lễ công chiếu. 

 

NSND Trà Giang (phải) nổi tiếng với vai diễn trong phim Vĩ tuyến 17 Ngày và đêm - Ảnh: T.DIỆU

 

Tuy nhiên, trong làng điện ảnh, chính các tác giả với dòng phim nghệ thuật mới mang lại uy tín cá nhân và uy thế quốc gia trên lĩnh vực này. Giới yêu thích phim ảnh thế giới vẫn tự hào về nền điện ảnh Hollywood khi có các nhà làm phim như Steven Spielberng, Quentin Tarentino, Wes Anderson; Hàn Quốc có Kim Ki Duk, Park Chang Wook; Đài Loan có Lý An, Sài Minh Lượng… 

 

Đối với nền điện ảnh Việt Nam, chính những thước phim đẹp của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng đã làm đắm say bao tâm hồn yêu điện ảnh. Vị đạo diễn sinh năm 1962 này, trong sự nghiệp của mình, chỉ mới làm 5 bộ phim điện ảnh là: Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Và anh đến trong cơn mưa, Rừng Na Uy. Thế nhưng, mỗi thước phim của ông đều là khuôn thước nghệ thuật được giới phê bình và khán giả thế giới đón nhận. Nhà văn lừng danh Nhật Bản Haruki Murakami sau khi xem phim của đạo diễn Trần Anh Hùng đã cho phép ông chuyển thể tiểu thuyết Rừng Na Uy sang thể loại điện ảnh. Diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hàn Quốc Song Seung Hun phát biểu trên truyền thông Việt Nam vào tháng 1/2012 rằng, anh biết đến điện ảnh Việt Nam thông qua các thước phim của Trần Anh Hùng. Mới đây nhất, đạo diễn người Nhật Bản Kabuki Omori đang có dự án phim hợp tác Việt - Nhật trả lời báo chí Việt Nam vào tháng 6/2014 rằng, ông biết đến con người và văn hóa Việt Nam thông qua phim của Trần Anh Hùng. 

 

Trả lời phỏng vấn của thanhnien online, đạo diễn Phan Đăng Di nói rằng: “Nghệ thuật là thứ khó đánh lừa được ai. Còn đóng góp thực tế, phải có những cái tôi trong điện ảnh thì cuối cùng điện ảnh Việt Nam mới có tiếng nói nào đó để giao lưu với điện ảnh thế giới”. Phan Đăng Di cho rằng trong dòng phim nghệ thuật không tồn tại cái gọi là đèm đẹp mà là cái đẹp. Chính vì thế, hầu hết các nhà làm phim theo đuổi dòng phim nghệ thuật đều có được sự tôn trọng, nể phục không chỉ của giới làm nghề mà còn từ khán giả. Vì khi khán giả thưởng thức một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật thì ít nhất họ cũng đã tiếp nhận cái đẹp vào trong suy nghĩ của mình. Với ý nghĩa lớn lao đó, dòng phim nghệ thuật xứng đáng được đầu tư và phát triển. 

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek