Thứ Hai, 07/10/2024 09:20 SA
Người đưa thơ Bác đến với dân tộc Tày
Thứ Ba, 20/05/2014 08:20 SA

Không chỉ đưa một số tác phẩm văn học nước ngoài đến với độc giả Việt Nam, nhà thơ - dịch giả người Tày Triệu Lam Châu còn ghi dấu ấn khi dịch tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Tày.

Nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu trên đồi A1 (Điện Biên Phủ) - Ảnh: Y.LAN

 

Nhà thơ - dịch giả sinh năm 1952 này thổ lộ: “Đây là công trình lớn mà tôi ấp ủ từ năm học cấp 3 tại ngôi trường chuyên Toán”. Khi đó, cậu học trò đến từ thôn Nà Pẳng (xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đã say mê văn chương và rất ấn tượng với tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dịch thơ Bác sang tiếng Tày là công việc quá sức đối với Triệu Lam Châu khi đó.

 

Từ một học sinh giỏi văn “rẽ ngang” vào trường chuyên Toán, rồi Triệu Lam Châu trở thành sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất Lêningrat. Năm 1980, ông vào Phú Yên, bước lên bục giảng Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 (nay là Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), giảng dạy môn Địa chất công trình, Địa chất thủy văn. Ông đã đưa nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đến với độc giả Việt Nam, như tiểu thuyết Nàng dâu của nhà văn Bulgari Georgi Karaslavov, truyện ngắn Hoa nmun mằn của nhà văn Nga Chekhov, tiểu thuyết Lửa tình đã cạn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Yưnđư, truyện vừa Người đàn bà tôi thương của nhà văn Nhật Bản Tanizaki Tanichiro, tiểu thuyết Mối tình của người góa phụ của nhà văn Anh Hartley, tiểu thuyết Đi tìm hạnh phúc của nhà văn Pháp Phur-nơ, tiểu thuyết Túp lều lá bên sông của nhà văn Tiệp Khắc Ga-lêk, tập truyện Vương quốc chim họa mi của nhà văn Nga Paustorsky... Không chỉ đam mê dịch thuật, Triệu Lam Châu còn đam mê sáng tác. Ông đã ra mắt 4 tập thơ: Trăng sáng trên non, Ngọn lửa rừng, Giọt khèn và Thầm hát trên đồi.

 

Năm 2000, nhận thấy mình đã đủ độ “chín”, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu bắt đầu thực hiện điều mà ông ấp ủ từ khi còn trẻ: đưa Nhật ký trong tù của Bác đến với đồng bào Tày. Ông làm công việc đó trong 8 năm - quãng thời gian phải nói là kỷ lục để dịch một tác phẩm văn học. Biết bao tâm huyết đã được nhà thơ người Tày gửi vào từng con chữ trong suốt 8 năm đó. Triệu Lam Châu cho biết, ông dịch thơ Bác những khi cảm xúc dâng trào. Có những bài thơ làm ông trăn trở trong nhiều ngày, với nhiều phương án dịch. Dịch xong một bài thơ, ông lại điện về chia sẻ, tham khảo ý kiến của các bạn thơ người Tày ở quê hương Cao Bằng.

 

Năm 2008, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu hoàn thành bản dịch toàn bộ tập thơ Nhật ký trong tù của Bác. Một năm sau, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành tập Nhật ký trong tù bằng tiếng Tày. Bên cạnh bản dịch bằng tiếng Tày còn có bản dịch bằng tiếng Việt, đều theo thể thơ lục bát.

 

Hoàn thành công trình lớn của đời mình, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu rất hạnh phúc, tự hào. Càng hạnh phúc hơn khi bản dịch Nhật ký trong tù được đồng bào ở quê hương Cao Bằng đón nhận, một số tác phẩm trong tập thơ nổi tiếng ấy đã ngân lên trong đêm thơ xuân, giữa trăng ngàn Nà Pẳng.

 

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek