Thứ Hai, 07/10/2024 09:15 SA
Từng bước hiểu phong cách Bác Hồ qua thơ Tố Hữu
Thứ Ba, 20/05/2014 13:00 CH

Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân cả nước ta đều ao ước muốn được biết về vị lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ảnh: T.L

 

Ở Huế, kinh đô của triều Nguyễn, ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình được cách mạng đề nghị vận động vua Bảo Đại thoái vị.

 

Ngày 19/8, ở Hà Nội, Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền thành công. Trong ngày này, ông Bảo Đại 4 lần gọi ông Phạm Khắc Hòe đến hỏi, đã tìm biết được lãnh tụ Việt Minh là ai chưa?

 

Sáng 20/8, sau khi ra phố xem và biết chắc chắn rằng những lời đồn đại về một bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới được dán lên ở nhiều nơi công cộng là đúng, ông Hòe về báo cáo với Bảo Đại và nói: “Theo lời lẽ của bức thư thì chắc chắn nhà cách mạng nổi tiếng ấy là người cầm đầu Việt Minh”.

 

Lúc này tình hình cách mạng ở Huế đã rất sôi nổi. Ông Hòe tích cực vận động Bảo Đại thoái vị. Ông kể cho Bảo Đại nghe về câu sấm có từ lâu ở Nghệ An là: “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh”. Vị thánh trong sấm ấy ắt là ông Nguyễn Ái Quốc.

 

Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, ông Bảo Đại nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “Thánh Nguyễn Ái Quốc” thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay!”.

 

Đêm 23/8, ông Bảo Đại nhận được bức điện của Ủy ban nhân dân Bắc bộtừHàNội đánh vào, dưới lại ký tên: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, HồHữu Tường. Toàn văn bức điện như sau: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập của nước nhà”.

 

Bức điện làm ông Bảo Đại hoang mang. Cả ông Hòe cũng không biết ông Hồ Chí Minh là ai. Ông Hòe liền chạy đi tìm hiểu. Gặp ông Vũ Văn Hiền, Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính phủ Trần Trọng Kim vừa ở Hà Nội về, ông Hòe được biết chính xác Cụ Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Ông cấp tốc về báo cho Bảo Đại biết. Ông Bảo Đại bật ngay ra một câu tiếng Pháp: “Ca vaut bien le coup alors!” - Nghĩa là: “Như thế cũng đáng thoái vị!”.

 

Đến 2/9, cả nước biết Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ai cũng ao ước được nhìn thấy Người. Hồi ấy chưa có vô tuyến truyền hình, nhân dân ở xa Hà Nội chỉ được thấy ảnh Người đăng trên báo. Còn phong cách, tính tình, đức độ của Người thì đã mấy ai được biết, kể cả những người đã biết ít nhiều về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.

 

Mỗi người tự hình dung theo trítưởng tượng của mình về vị lãnh tụ của nước Việt Nam mới. Con người ấy ắt hẳn có cốt cách, oai phong lẫm liệt, nói năng dõng dạc, hùng hồn theo mẫu các anh hùng dân tộc mà người ta đã đọc được trong sử sách.

 

Ở tỉnh Phú Yên xa xôi, thỉnh thoảng nhận được một ít sách báo từ Hà Nội, Huế gửi vào, chúng tôi đọc ngấu nghiến, chuyền tay nhau xem ảnh, tranh khắc gỗ Cụ Hồ trên báo. Qua tranh ảnh, thấy Cụ Chủ tịch gầy gò, mảnh khảnh, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Ngoài ra, không được biết gì hơn. Đến khi được đọc bài thơ Hồ Chí Minh của Tố Hữu viết ngày 26/8/1945, đăng trên báo Quyết Thắng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh Trung bộ, chúng tôi rất thích được biết những nét sống động về Hồ Chí Minh mà nhà thơ đã tả:

 

Hồ Chí Minh

Người lính già

Đã quyết chiến hy sinh

Cho Việt Nam độc lập

Cho thế giới hòa bình!

Hồ Chí Minh

Người đã quyết

Mặc phong ba giá tuyết

Mặc gươm súng xiềng gông

Làm tên quân cảm tử đi tiên phong

Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng

Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng

Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời

Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi

Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến

Tiếng Người thét

Mau lên gươm lắp súng!

Và cả đoàn quân

Đã bao nhiêu năm tháng trải phong trần

Mắt sáng quắc tay xanh lòe mã tấu

Vụt ào lên quyết phanh thây uống máu

Diệt cường quyền!

Ôi khoái trá vô biên!

 

Những vần thơ trên đã củng cố thêm suy nghĩ của chúng tôi về một Cụ Hồ có khẩu khí của Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận không được xẻ thịt lột da quân giặc, dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này bọc trong da ngựa, ta cũng nguyện cam lòng…”. Và của Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ta đây, núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc…”.

 

Tháng 3/1946, sau khi đi dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên ở Hà Nội về, ông Huỳnh Lưu, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, kể chuyện về Cụ Hồ mà ông đã tận mắt nhìn thấy tại kỳ họp Quốc hội. Ông cho biết: Cụ Hồ ăn mặc giản dị, nói năng từ tốn, khoan thai, rất gần gũi nhân dân, ai thấy cũng mến, cũng phục, khác xa những điều chúng tôi tưởng tượng trước đây.

 

Chúng tôi nghĩ khi sáng tác bài thơ Hồ Chí Minh tháng 8/1945, Tố Hữu chưa được gặp Bác Hồ, chưa biết gì nhiều về Bác. Quả vậy, sau này có lần Tố Hữu đã viết trên báo Văn Nghệ là “Có những câu chữ trong bài Hồ Chí Minh không hợp với phong cách của Bác, có “hơi tuồng”. Và nhà thơ đã sửa lại một số câu thơ:

 

Vụt ào lên quyết phanh thây uống máu

Diệt cường quyền!

Ôi khoái trá vô biên!

Thành các câu:

 

Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu

Diệt cường quyền!

Ôi sức mạnh vô biên!

 

Sau này, khi ra thủ đô công tác, Tố Hữu được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện, trực tiếp làm việc với Bác, nhà thơ viết về Bác khác xa lúc trước. Năm 1951, ở chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu viết bài Sáng Tháng Năm lời thơ không còn cái khẩu khí “Tiếng Người thét/ Mau lên gươm lắp súng!”, mà là:

 

Ôi người cha, đôi mắt mẹ hiền sao!

Giọng của Người không phải sấm trên cao

Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước

Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…

 

Cứ mỗi ngày qua, Tố Hữu càng hiểu Bác kỹ hơn, một lãnh tụ có quả tim “đỏ như sao Hỏa, sáng như sao Kim”, có bộ óc sáng suốt, kiên cường, biết “trông gió bỏ buồm chọn lúc, nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”, nhẫn nhục mà không khuất phục, yêu hòa bình không sợ chiến chinh. Người là cha, là bác là anh, là đồng chí thân thương gần gũi xiết bao:

 

Phơ phơ tóc bạc chòm râu mát

Đôi gót mòn đi in dấu son…

Ta có Bác dẫn đường lên trước

Bác cùng ta mỗi bước gian lao

Vui sao buổi hành quân nắng lửa

Bỗng gặp Người lưng ngựa đèo cao

Thương sao sáng lên đường ra trận

Người đến thăm ta vượt lũ nguồn

Nhớ sao giữa chiến trường lửa đạn

Người đứng trông ta đánh diệt đồn

Ôi những chiều mưa dầm lá cọ

Bác vào, tươi mới lán lều con

Bữa cơm muối măng non bí đỏ

Tháng ngày vui có Bác mà ngon!

 

Trong chiến tranh ở chiến khu Việt Bắc, thì:

 

Nơi Bác ở sàn mây vách gió

Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà

Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ…

 

Đến hòa bình, về Hà Nội:

 

Bây giờ Người đó còn ai

Phơ phơ tóc bạc trên đài nắng lên

Vẫn đôi mắt ấy dịu hiền

Vẫn bàn tay ấy vẫy nghìn cánh tay

Lắng nghe tiếng Bác mà say

Ấm lòng giọng nói khoan thai ngọt ngào…

* * *

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…

Thong dong chiếc gậy gác bên bàn

Còn đôi dép cũ mòn quai gót

Bác vẫn thường đi giữa thế gian…

 

Rõ ràng, để hiểu đúng, viết đúng về Bác, nhà thơ tài năng Tố Hữu đã phải trải qua nhiều năm tìm tòi, suy nghĩ, theo sát thực tế cuộc đời hoạt động của Bác. Chúng tôi, nhờđược đọc thơ Tố Hữu mà từng bước hiểu được phong cách của Bác. Còn thiên tài, tư tưởng, đức độ của Bác “anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” thì vẫn đang và sẽ còn là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ… không những ở nước ta mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Hy vọng càng ngày chúng ta càng được hiểu về Bác qua những công trình khám phá mới.

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek