Thứ Tư, 09/10/2024 16:28 CH
Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng:
Hơn 30 năm say đắm đại ngàn
Thứ Ba, 25/02/2014 14:00 CH

Nghiên cứu văn nghệ dân gian bằng niềm say mê, tâm huyết; yêu thích nghệ thuật sân khấu truyền thống và vô cùng hào hứng với công việc làm vườn - “ba trong một” như thế, ở Phú Yên chỉ có một người: ông Ka Sô Liễng.

 

Ka-So-Lieng-140225.jpg

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng trên căn gác đầy những sách - Ảnh: M.NGUYỆT

1. Trong một bài viết đã lâu, đồng nghiệp tôi ví ông như cánh chim kơ-tia, bay khắp đại ngàn bằng niềm say mê và không biết mệt mỏi. Trong hơn 30 năm nghiên cứu văn nghệ dân gian, bắt đầu từ những ngày tháng làm việc ở Quảng Ninh, lúc miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh cho đến khi hòa bình lập lại và sau này, khi gối đã chồn chân đã mỏi, ông vẫn xem nghiên cứu, sưu tầm trường ca là công việc của đời mình. Ông tâm sự: “Đồng bào có những trường ca rất hay mà mẹ kể khi tôi còn nhỏ, cùng với chuyện dân gian, chuyện cổ tích. Tôi rất mê và cố gắng sưu tầm. Bây giờ ít người đọc, nhưng biết đâu sau này sẽ có nhiều người quan tâm tìm hiểu”.

 

Hơn 30 năm qua, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã lặn lội khắp các buôn làng ở Phú Yên, lên Gia Lai, Đắk Lắk gặp gỡ nhiều nghệ nhân, nghe họ hát trường ca thâu đêm suốt sáng và cặm cụi ghi lại. Ông làm việc bởi sự thôi thúc từ trái tim của một người được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, say mê vẻ đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc sống giữa đại ngàn và luôn khát khao góp phần gìn giữ vẻ đẹp đó. Hơn 30 năm, gần 20 đầu sách đã được xuất bản: Trường ca Chi-kok của người Ê Đê, Trường ca Chi-ôn của người Bana, Trường ca Hbia Tà Lúi-KaLiPu của đồng bào Chăm ở Phú Yên, Trường ca Chi-liêu gồm 2 tập, mỗi tập hơn 400 trang, Trường ca các dân tộc Bana, Ê Đê, H’rê dày hơn 650 trang, Trường ca Giàng Hlăh xấu bụng của dân tộc Chăm ở Phú Yên dày 750 trang, Trường ca Chi Bri - Chi Brit gần 1.000 trang… Trong năm 2013, thêm 2 trường ca do ông sưu tầm, nghiên cứu đã ra mắt bạn đọc: Trường ca Anh em Chi-Blưng Trường ca Chi Bnmăm. Cùng với Giàng Hlăh xấu bụng, Anh em Chi-Blưng là trường ca mà ông Ka Sô Liễng tâm đắc và sưu tầm công phu hơn cả.

 

Giáo sư, tiến sĩ Phan Đăng Nhật “tổng kết” rằng nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã viết 7.600 trang sách. Còn ông cười hiền khô: “Hơn 30 năm sưu tầm mà được có chừng đó thì… ăn thua gì!”.

 

Hơn một phần tư thế kỷ cặm cụi “đãi ngọc” dân gian, góp phần gìn giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng có rất nhiều kỷ niệm bên bếp lửa nhà sàn, được các trường ca “dẫn dắt” đi từ cánh rừng này đến cánh rừng khác, từ huyền thoại này đến huyền thoại khác. Ông kể: “Ma Phối hát trường ca hay lắm, cả làng tới nghe. Những nghệ nhân như Ma Phối đã giữ được cái hồn của đồng bào mình”. Rồi giọng ông chùng xuống: “Nhiều nghệ nhân không còn nữa. Oi Kép, Oi Tuyết, Oi Xăng, Oi Bôn đã chết; Ma Phối, Ma Phin… cũng chẳng còn. Nếu không sưu tầm, lưu giữ thì trường ca sẽ mất dần cùng với sự ra đi của các nghệ nhân”.

 

2. Trong ngôi nhà nép giữa vườn cây ở Ea Chà Rang (Sơn Hòa), căn gác nhỏ là nơi nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng làm việc, cơ man nào là sách trên bàn, trên kệ. Sách của ông, của bạn bè ông và sách ông mua để mở rộng những chân trời. Trên tường treo bằng chứng nhận nghệ nhân Ka Sô Liễng đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Thông tin - Văn nghệ quần chúng năm 2000. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên, ông bèn… hát một vài câu tuồng. Thì ra, nhà nghiên cứu người Chăm H’roi này không chỉ say mê văn nghệ dân gian mà còn yêu thích nghệ thuật sân khấu truyền thống, từng được đào tạo bài bản ở Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), làm đạo diễn đoàn nghệ thuật tổng hợp của khu V (1974), đạo diễn đoàn dân ca của tỉnh Phú Yên (1975), Trưởng đoàn cải lương Hoa Biển (1982)…

 

Và còn một Ka Sô Liễng khác, thỉnh thoảng vẫn làm thơ, viết truyện. Ông là một trong những người tham gia sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và được bầu làm Phó chủ tịch nhiệm kỳ đầu.

 

Không chỉ mê văn nghệ, ông Ka Sô Liễng còn mê làm vườn. Từ năm 2002, ông bắt đầu dốc công dốc sức biến 2ha đất cằn cỗi lổn ngổn sỏi đá quanh ngôi nhà ở Ea Chà Rang thành vườn cây. Ông đầu tư 50 triệu đồng làm giếng bơm với 2 hệ thống nước, đường ống dài gần 100m để tưới khắp khu vườn rộng lớn của mình và chia sẻ cho người dân chung quanh dùng. Ông thổ lộ: “Tôi lập khu vườn này cũng là để bà con quanh vùng tham khảo, thấy rằng nơi đây có thể trở thành vườn cây ăn quả”. Khu vườn đó giờ xanh mướt, nhiều loại cây đã đơm quả ngọt. Trong vườn, ông xây một cái hồ nuôi cá. Vườn cây và hồ cá mang lại cho nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Ka Sô Liễng niềm vui bình dị mỗi ngày.

 

Đưa khách đi dạo trong vườn, ông Ka Sô Liễng hào hứng khoe các loại cây mình trồng rồi thổ lộ: “Bây giờ, cầm cuốc một lúc đã thấy mỏi, đọc sách cũng thấy mỏi, tôi nhận ra mình đã già”. Khách nghe ông nói mà bật cười. Gần 80 tuổi mới nhận ra mình già, lạ chưa! Cảm nhận về tuổi già đến với nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng muộn như thế, có lẽ vì ông luôn giữ được tâm hồn trẻ trung, làm việc say mê và yêu cuộc sống này.

 

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng sinh năm 1936, tại Suối Cối (Đồng Xuân). Mất cha trước khi chào đời, đến năm 10 tuổi thì mồ côi mẹ, ông sống với chị tại xã vùng cao Phước Tân (Sơn Hòa).

 

Năm 1949, ông Ka Sô Liễng xung phong vào bộ đội, ban đầu được phân công làm phiên dịch, sau trở thành lính trinh sát Đại đội 21 thuộc Trung đoàn 84.

 

Tháng 10/1954, ông Ka Sô Liễng tập kết ra Bắc, được học văn hóa ở Trường Dân tộc Trung ương, học nghiệp vụ văn hóa tại Trường Lý luận nghiệp vụ (nay là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, ông về làm việc tại tỉnh Hải Ninh (cũ), bắt đầu quãng đời gắn bó với ngành Văn hóa. Ông từng giữ cương vị Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Khánh, sau đó làm Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu.

 

YÊN LAN - MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Tôn vinh các anh hùng phim ảnh”
Thứ Ba, 25/02/2014 08:49 SA
Về Sông Hinh uống rượu cần
Chủ Nhật, 23/02/2014 15:00 CH
Leonardo DiCaprio: Đích thực siêu sao
Chủ Nhật, 23/02/2014 08:59 SA
Lê Châu Đạo đoạt huy chương bạc MESKI
Chủ Nhật, 23/02/2014 08:33 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek