Văn phòng Quốc vương Qatar cho biết Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani ngày 13/1 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về quan hệ song phương và những diễn biến ở Dải Gaza.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình ở Gaza và các vùng lãnh thổ khác của Palestine, trong đó tập trung vào những nỗ lực hòa giải chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Về phần mình, Nhà Trắng ra thông cáo dẫn lời hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thực hiện thỏa thuận trao trả con tin” và “cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho người dân Gaza thông qua việc tăng mạnh luồng viện trợ nhân đạo".
Cùng ngày, Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani đã gặp Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - Steve Witkoff, và Điều phối viên của Tổng thống sắp mãn nhiệm Biden phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi, ông Brett McGurk, tại Cung điện Lusail.
Theo Văn phòng Quốc vương Qatar, các cuộc thảo luận tập trung vào những diễn biến mới nhất ở Gaza, trong đó có các nỗ lực đang được triển khai nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn lâu dài. Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani nhắc lại cam kết của Doha về việc hỗ trợ ổn định khu vực và tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán hòa bình.
Cũng trong ngày 13/1, Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã gặp phái đoàn của phong trào Hamas do ủy viên Văn phòng chính trị Khalil al-Hayya dẫn đầu tại thủ đô Doha. Thông báo của Văn phòng Quốc vương Qatar cho biết tại cuộc gặp, hai bên đã tập trung trao đổi về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và các nỗ lực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn lâu dài tại vùng đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Cuộc gặp diễn ra sau khi một quan chức cấp cao của Hamas trước đó xác nhận phong trào này đã phản hồi “tích cực” đối với dự thảo thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza do các nhà trung gian đưa ra tại Doha.
Tại cuộc gặp, Quốc vương Qatar cũng tái khẳng định lập trường ủng hộ kiên định của nước này dành cho sự nghiệp của người Palestine và các quyền hợp pháp của người dân Palestine trong việc thành lập một nhà nước độc lập dựa theo đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Qatar, Mỹ và Ai Cập đã tham gia những cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa Israel và Hamas, nhưng không thể chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc ở Gaza. Kể từ đầu tháng 1, tiến trình đàm phán gián tiếp đã được nối lại tại Doha để đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện phóng thích hàng chục con tin vẫn đang bị giam giữ ở vùng lãnh thổ này.
Vòng hòa giải trước đó hồi tháng 12 đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, trái lại, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc. Hamas cáo buộc Israel đặt ra các điều kiện mới, trong khi Tel Aviv cáo buộc phong trào này cản trở nỗ lực hướng tới thỏa thuận.
Trước đó, ngày 12/1, chính quyền Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chấm dứt xung đột đẫm máu ở Gaza. Phát biểu với hãng thông tấn WAFA, phát ngôn viên Tổng thống Nabil Abu Rudeineh cho biết dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas, chính quyền Palestine đã nỗ lực ngay từ ngày đầu tiên để chấm dứt xung đột và bảo vệ người dân khỏi sự tàn phá do cuộc tấn công của Israel gây ra.
Tổng thống Abbas đang tham gia vào các cuộc đàm phán sâu rộng với các quốc gia Ả-rập và quốc tế để đẩy nhanh lệnh ngừng bắn và thực thi Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm ngăn chặn các hành động quân sự của Israel ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Trong một diễn biến khác, Qatar - đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas - đã trao cho cả hai bên bản dự thảo cuối cùng của một thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza.
Động thái này diễn ra trong các cuộc đàm phán được tổ chức tại Doha (Qatar) có sự tham gia của phái đoàn Israel, do Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea và Giám đốc Cơ quan an ninh nội địa (Shin Bet) Ronen Bar dẫn đầu, cùng đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani.
Một quan chức Israel cho biết cuộc đàm phán diễn ra tích cực, với việc Israel nhượng bộ và chờ phản hồi của Hamas. Nếu cả hai bên đồng ý, thỏa thuận có thể được hoàn tất trong vài ngày. Mặc dù đã đạt được tiến triển đáng kể, song vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào được đưa ra.
Thỏa thuận được cho là gồm 3 giai đoạn, trong đó Hamas sẽ thả các con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn và thả các tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Một điểm gây tranh cãi chính vẫn là bản chất của lệnh ngừng bắn. Hamas đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, trong khi Israel ủng hộ tạm dừng với tùy chọn tiếp tục các hoạt động quân sự nếu phát sinh lo ngại về an ninh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich đã lên án chỉ trích thỏa thuận trên, cho rằng đây là “một thảm họa đối với an ninh quốc gia” của nước này.
Trong khi đó, ngày 13/1, Bộ Tài chính Israel đã công bố số liệu ghi nhận tổng chi phí mà Tel Aviv phải tiêu tốn cho cuộc xung đột trên nhiều mặt trận - bắt đầu nổ ra từ hôm 7/10/2023, hiện đã lên tới 124,7 tỉ shekel (khoảng 34 tỉ USD), trong đó, 99,9 tỉ shekel được dành cho năm 2024.
Theo Bộ Tài chính Israel, 81,9% tổng chi phí liên quan đến chiến tranh được dành cho lĩnh vực quốc phòng, trong khi số tiền còn lại được dành cho các chi phí dân sự liên quan đến giao tranh.
Năm 2024, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Israel đã lên tới 136,2 tỉ shekel (khoảng 37 tỉ USD), tương đương 6,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng gần gấp đôi so với mức thâm hụt 77,5 tỉ shekel (tương đương 4,2% GDP) của năm 2023. Cũng trong năm 2024, ngân sách và doanh thu của Chính phủ Israel đã tăng lần lượt 20,4% và 10,5% so với năm 2023.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)