Phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng Ả-rập ở Thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út ngày 12/1, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã kêu gọi các bên khu vực và quốc tế ngăn chặn Syria trở thành trung tâm của các nhóm khủng bố, điều có thể gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào tại Trung Đông.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, ông Abdelatty nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để đảm bảo rằng Syria không trở thành nguồn gốc của sự bất ổn trong khu vực hoặc là nơi trú ẩn của các nhóm khủng bố.
Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi thiết lập một tiến trình chính trị toàn diện do người Syria lãnh đạo với sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội Syria.
Theo ông Abdelatty, tiến trình chính trị Syria phải tính đến sự đa dạng về tôn giáo, giáo phái và sắc tộc, cũng như cho phép các lực lượng chính trị khác nhau tham gia giai đoạn chuyển tiếp theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Bên cạnh đó, ông Abdelatty nêu bật sự cần thiết phải duy trì sự thống nhất, ổn định, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như hỗ trợ các thể chế quốc gia của nước này trong việc phục vụ người dân Syria.
Ông Abdelatty nhấn mạnh tình đoàn kết của Ai Cập với người dân Syria và ủng hộ nguyện vọng chính đáng của họ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích quốc gia để đảm bảo nước này có thể khôi phục vai trò của mình trong khu vực và thế giới.
Trong phát biểu của mình, ông Abdelatty đã lên án sự xâm nhập của các lực lượng Israel vào vùng đệm giữa Israel và Syria ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng cũng như việc Israel chiếm giữ các vùng lãnh thổ khác của Syria.
Ông nhấn mạnh Cairo hoàn toàn bác bỏ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Israel cũng như việc nước này vi phạm thỏa thuận năm 1974.
Ngoài ra, ông Abdelatty cũng lên án các cuộc không kích có hệ thống của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lực quân sự của Syria, đồng thời kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ Syria và tuân thủ thỏa thuận năm 1974.
Cuộc họp cấp bộ trưởng Ả-rập diễn ra tại Riyadh để thảo luận về tình hình Syria cũng như các nỗ lực nhằm hỗ trợ quốc gia Trung Đông này.
Cuộc họp bao gồm hai phiên họp, với phiên đầu tiên là các cuộc thảo luận của các quan chức Ả-rập, trong khi phiên thứ hai có sự tham dự của các đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ.
* Trong diễn biến liên quan, Sputniknews đưa tin, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 27/1 tới để thảo luận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria. Bà Kallas cho biết thêm EU đang chuẩn bị các quyết định liên quan đến khả năng dỡ bỏ trừng phạt.
Tháng 12/2024, bà Kallas từng tuyên bố EU có thể nới lỏng trừng phạt đối với Syria nếu bộ máy lãnh đạo mới của nước này thực hiện "các bước tích cực" hướng tới một chính phủ đa đại diện và nhân quyền.
Hội đồng EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Syria đến ngày 1/6/2025.
Hiện có 318 cá nhân và 86 tổ chức Syria đang bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU. Các biện pháp trừng phạt cũng cấm cung cấp tiền và các nguồn lực kinh tế khác cho họ, dù trực tiếp hay gián tiếp.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)